Độc đáo cây cầu đá 300 năm tuổi ở Bảo tàng Bắc Ninh

Cầu đá từ lâu đã được coi như một loại hình kiến trúc công cộng đặc biệt trong kho tàng kiến trúc truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng.

 

Trong khuôn viên ngoài trời Bảo tàng Bắc Ninh đang trưng bày một cây cầu đá có tuổi đời hơn 300 năm (TK XVII) cùng với bến nước tạo nên một không gian văn hóa mang đậm dấu ấn của làng quê Việt.

Gọi là cầu đá vì chất liệu của cầu được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối. Cầu được tạo dáng hơi cong, khỏe khoắn, gồm 3 nhịp, theo quan niệm của người xưa số lẻ tượng trưng cho sự may mắn. Mặt cầu rộng gần 2m, được ghép bởi những phiến đá lớn, mỗi nhịp gồm hai phiến, mặt trong có gờ để gắn khít với nhau tạo thành mặt phẳng.

Cầu có 3 chiếc dầm, mỗi dầm được đỡ bằng hai cột trụ hình tròn, được đẽo thô tạo sự khỏe khoắc, chắc chắn, tất cả có 6  cột trụ. Hai đầu dầm cầu nhô ra ngoài, có cữ để giữ các phiến đá lát mặt cầu khỏi xô lệch và cũng là nơi tập trung các trang trí theo những mô tip nghệ thuật như vân mây, hoa lá cách điệu. Đây là một loại họa tiết thường sử dụng để trang trí trong kiến trúc cổ, biểu trưng cho vận tốt và phúc lành. Cầu không có tay vịn mà phía ngoài các phiến đá lát hai bên mép cầu có đục gờ cao để làm cữ, tránh người đi trượt chân.

Nét đặc biệt trong cách xây dựng cầu đá là mặt cầu, dầm cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết như vôi vữa hay đinh ốc như những cây cầu hiện đại. Dù vậy, sau hơn ba thế kỷ tồn tại, cây cầu vẫn bền vững về mặt kết cấu. Điều đó cho thấy trình độ thiết kế, gia công vật liệu và thi công cầu của những người thợ ngày xưa rất đáng nể phục.

Xưa kia, việc xây dựng cầu chủ yếu nhờ vào bàn tay và công sức đóng góp của nhân dân, ít bị chi phối của chính quyền phong kiến, của tư tưởng tôn giáo chính thống. Chính vì vậy mà yếu tố dân gian được thấm đẫm và xuyên suốt qua chức năng sử dụng, nghệ thuật trang trí, kiến trúc, quá trình xây dựng và tạo ra nét đặc trưng riêng của cây cầu, đặc biệt là cầu đá so với các thể dạng công trình kiến trúc công cộng khác.

Không chỉ là một công trình giao thông, cây cầu đá cổ đã trở thành một điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt, chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc dân gian truyền thống của cộng đồng cư dân.

Để đáp ứng yêu cầu giao thông đi lại của người dân, cây cầu hẳn ra đời từ rất sớm, nhưng sự ghi chép cũng như bảo tồn hạn chế, nay chỉ có thể khảo sát được từ thời Trần qua văn bia, di tích và một số tư liệu lịch sử khác. Theo thống kê sơ bộ tỉnh Bắc Ninh hiện nay số lượng cầu đá cổ còn khá khiêm tốn, đa số đã trở thành phế tích. Nhiều địa phương tuy vẫn còn bia đá ghi chép về việc làm cầu nhưng hiện tại cầu không còn, một số làng chỉ còn lưu giữ được vài cây cột, tấm lát mặt, dầm cầu… Tỉnh Bắc Ninh hiện nay vẫn còn tồn tại 3 cây cầu đá cổ khá nguyên vẹn đó là cây cầu đá nằm trong khuôn viên đền Lũng Khê (thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành) thuộc khu vực thành cổ Luy Lâu, cây cầu đá thuộc địa phận giáp ranh giữa hai thôn Thuận An và Đức Nhân (xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành) và cây cầu đá ở cánh đồng thôn Lai Hạ, xã Bồng Lai, huyện Lương Tài.

Trong thời đại ngày nay, nhu cầu giao thông đi lại nhiều, không chỉ đi bộ và xe hạng nhẹ mà còn dùng cho những xe trọng tải lớn, vì vậy, cầu sắt, cầu bê tông đã thay thế hầu hết các cây cầu gỗ, cầu đá. Tuy nhiên, với những cây cầu đá cổ còn tồn tại thì các giá trị văn hóa và tinh thần dường như vẫn được thăng hoa trong mỗi đường nét của cây cầu. Đây cũng chính là các giá trị hữu ích cần được tiếp nối và phát triển cho công tác thiết kế và xây dựng các cây cầu mới tại các đô thị Việt Nam hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày đăng: 12-12-2017
Phan Thị An Ngọc – Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website