TƯỢNG BÀ CHÚA KHO Ở BẢO TÀNG VÀ XÚC TIẾN DU LỊCH BẮC NINH
Tượng Bà chúa Kho tại Bảo tàng nguyên là pho tượng thờ tại hậu cung đền Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Ngôi đền xưa tọa lạc trên sườn núi Kho thuộc làng Cổ Mễ, đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp. Đền thờ Bà Chúa Kho gắn liền với câu chuyện về một người phụ nữ tài giỏi, có công lớn trong việc giúp vua Lý trông giữ kho lương cho quân đội nhà Lý trong cuộc kháng chiến chống Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt năm 1077 và đã anh dũng hy sinh được nhà vua ban sắc và nhân dân lập đền thờ.
Tương truyền vào thời nhà Lý, tại làng quê Quả Cảm có người con gái vừa xinh đẹp, nết na vừa giỏi giang, khéo léo. Người con gái đó không chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn biết tổ chức sắp xếp các công việc sản xuất, tích trữ lương thực, thực phẩm, giúp dân chống đói, giúp quân chống giặc. Một lần hành quân qua làng Quả Cảm, vua Lý đã đem lòng cảm mến người con gái tài sắc vẹn toàn đó, đưa bà vào cung làm Hoàng hậu. Tuy chỉ xuất thân trong gia đình nông dân, nghèo khó quanh năm gắn bó với ruộng đồng nhưng Bà lại là người rất thông minh, đa tài đa trí, cầm kỳ thi họa. Có thể nói là tài sắc vẹn toàn, người gặp là sẽ cảm mến. Khi được Vua Lý đưa vào cung, bà đã tiến hành nhiều phương thức thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, khai hoang ruộng đất để canh tác. Đặc biệt Bà nhận thấy tại vùng quê nơi bà sinh ra đất đai còn hoang sơ, nên đã xin vua cho về quê để chiêu dân, lập ấp, gia tăng canh tác, nâng cao chất lượng đời sống của người dân nơi đây.
Vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ - 1077 nước ta chính thức bị quân Tống kéo quân sang xâm lược. Toàn dân được Lý Thường Kiệt lãnh đạo để kháng chiến chống lại quân Tống hung ác. Lý Thường Kiệt đã lựa chọn núi Kho, làng Cổ Mễ và Cầu Gạo… làm nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam sông Cầu chiến tuyến Như Nguyệt. Bà đã tự mình cai quản, chỉ đạo, sắp xếp, sản xuất, tiếp tế lương thực cho quân đội tại kho lương ở chiến tuyến quan trọng tại Sông Như Nguyệt. Cũng như đảm bảo lương thực đời sống cho người dân nơi đây. Trong quá trình hoạt động, khi cuộc chiến gần như đã chiến thắng thì bà bị quân giặc giết chết trong một lần đi tiếp tế cho dân. Vua Lý khi biết tin đã vô cùng thương tiếc, nên đã phong cho bà danh hiệu Phúc Thần để nói lên những công lao to lớn, vĩ đại mà Bà đã dành cho nhân dân, cho dân tộc. Người dân cũng thương nhớ và biết ơn Bà nên đã lập đền thờ tại chính kho lương cũ trên núi Kho và đặt tên cho đền thờ là đền Bà Chúa Kho để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn mà nhân dân nơi đây dành cho Bà Chúa Kho.
Theo nhân dân địa phương cho biết, đền Bà Chúa Kho được khởi dựng từ thời Lý, ban đầu là ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Cô Tiên. Đến thời Lê, Bà Chúa Kho được ban sắc và phong thần chủ là “Chủ khố linh từ”. Thời Tự Đức, đền Cổ Mễ được trùng tu, mở rộng thành khu Đền lớn với nhiều hạng mục công trình: cổng Tam quan, đường, sân, tòa tiền tế, cung đệ nhị, hậu cung nơi thờ tự tôn nghiêm Bà chúa Kho và hoàn thành vào năm 1859. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đền Cổ Mễ bị phá hủy hoàn toàn. Trong những năm 1960 - 1970, đền Bà Chúa Kho được trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc như: Cổng Tam môn, Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ, tòa Sơn Trang, Lầu Cô, Lầu Cậu. Năm 2005 dân làng xây dựng thêm 1 gian 2 chái tòa Tiền tế phía trước đền Hạ, Nghi môn, ban cô, ban cậu, động sơn trang, ban thờ "Cửu trùng thiên" và một số công trình phụ trợ khác... Tại đền hiện lưu giữ được 3 bức đại tự và 3 đôi câu đối sơn son thiếp vàng... Phần lớn các hạng mục công trình được khôi phục, tôn tạo mang dáng vẻ truyền thống và làm tôn vinh giá trị của di tích. Đền Bà chúa Kho đã được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia năm 1989. Hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng, để tưởng niệm ngày giỗ Bà Chúa Kho, dân làng Cô Mễ cùng khách thập phương tổ chức lễ dâng hương, sắp lễ vật cúng Bà Chúa Kho thu hút hàng nghìn du khách trong nước và nước ngoài.
Trong quá trình trùng tu tôn tạo đền vào những năm 1960 - 1970, Tượng Bà chúa Kho được cán bộ Sở Văn hóa, Thông tin Hà Bắc phát hiện ở khu vực phía sau đền đã đưa tượng Bà chúa Kho về lưu giữ, bảo quản tại phòng Bảo tồn - Bảo tàng từ năm 1970. Đến năm 1987, Bảo tàng Hà Bắc được thành lập trên cơ sở phòng Bảo tồn - Bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa, Thông tin Hà Bắc, pho tượng này được chuyển về lưu giữ, bảo quản tại kho cơ sở của Bảo tàng Hà Bắc.
Tượng Bà chúa Kho được làm bằng gỗ, tạc ở tư thế ngồi thiền tĩnh tọa, hai chân xếp bằng, da trắng, khuôn mặt hiền từ, mắt nhìn thẳng. Gương mặt tượng mô phỏng gương mặt phụ nữ Việt Nam, phúc hậu, cổ cao ba ngấn đeo vòng trang sức, tai dài. Tay tượng tròn và thon, 1 tay đặt trên đùi, 1 tay khép hờ vào bụng. Mình tượng mặc áo yếm, bên ngoài có phủ lớp áo vàng, đầu tượng đội mũ kim Phật. Người nghệ nhân xưa đã đạt tới trình độ cao của phong cách điêu khắc tượng thờ cổ truyền là kiết già, tĩnh tọa và nhập định. Căn cứ vào chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật tạo tác… tượng Bà chúa Kho có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Năm 1997, sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập, được sự quan tâm to lớn của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định số 112/UB, ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng Hà Bắc bàn giao cho Bảo tàng Bắc Ninh 2.968 hiện vật trong đó bao gồm tượng Bà Chúa Kho để đơn vị lưu giữ, bảo quản và phục vụ công tác trưng bày giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Hiện nay pho tượng Bà Chúa Kho được trưng bày tại tầng 3, Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh góp phần phục vụ nhân dân đến chiêm bái bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn bà đồng thời tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa vùng quê văn hiến Kinh Bắc - Bắc Ninh.
Nguyễn Hồng Minh (Phòng Bảo tàng)
Các bài viết khác
Cuốn sách “Nguyễn thị phả ký” (Gia phả họ Nguyễn) 08-06-2025
Quán tẩy ở đình làng Như Nguyệt 07-06-2025
Bia Văn chỉ xã La Miệt 06-06-2025
Tấm bia “Hương hiền bi ký” ở đình làng Chè, xã Liên Bão, huyện Tiên Du 05-06-2025
Tấm bia “Văn miếu tế điền” ở Văn miếu huyện Đông Ngàn xưa 05-06-2025
Tấm bia “Quế Dương Văn từ bi ký” ở Văn từ huyện Quế Dương xưa 04-06-2025
HAI CHIẾC TẢNG KÊ CHÂN CỘT BẰNG ĐÁ THỜI LÝ Ở CHÙA BỒ VÀNG 04-06-2025
Đoạn máng nước tạo tác thời Lý ở di tích chùa Dạm 03-06-2025
TẢNG KÊ CHÂN CỘT NIÊN ĐẠI THỜI LÝ Ở CHÙA DẠM 03-06-2025
SƯU TẬP BÌNH VÔI GỐM THỜI LÊ TRUNG HƯNG TẠI BẢO TÀNG VÀ XÚC TIẾN DU LỊCH BẮC NINH 20-05-2025