KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG TÂY BẮC (1952-2022)
Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, góp phần tạo thế và lực mới tiến tới giành thắng lợi cuối cùng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.
Sau chiến thắng Biên giới 1950, quân và dân ta đã phát huy thế tiến công chiến lược, đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành nhiều chiến dịch và giành được những thắng lợi liên tiếp, có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950 - 17/01/1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (20/3- 07/4/1951), Chiến dịch Quang Trung (28/5 - 20/6/1951), Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/02/1952), đã khẳng định thế tiến công chiến lược của quân và dân ta tiếp tục giành và giữ vững quyền chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế phòng ngự, đối phó.
Tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc. Mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai - Vân Nam) và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào.
Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng, từ đây địch có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Lực lượng địch chiếm đóng ở Tây Bắc có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo bố trí phân tán trên 144 cứ điểm, gồm phần lớn là quân ngụy. Lực lượng Âu - Phi có 3 tiểu đoàn chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động; ngoài ra có tiểu đoàn dù ở Hà Nội khi cần, dùng đường không cơ động đến tăng viện.
Vùng Tây Bắc thời kỳ này gồm 5 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ là vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở, đất rộng, người thưa. Thực hiện chủ trương chuyển hướng tiến công chiến lược, từ tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị toàn quân và toàn dân ta xúc tiến công tác chuẩn bị chiến dịch với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc.
Ngày 06/9/1952, Bộ Tổng Tư lệnh mở hội nghị cán bộ phổ biến quyết tâm chiến dịch. Ngày 09/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên và nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch chiến dịch Tây Bắc, Người căn dặn “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ, chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi”, “gặp thuận lợi thì phải quyết tâm phát triển, gặp khó khăn thì phải quyết tâm khắc phục”. Cùng ngày, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ nhiệm Cung cấp.
Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm các đại đoàn 308, 312, 316 (thiếu), tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội Sơn pháo 75 ly, 3 đại đội súng cối 120 ly, 1 Trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương thuộc các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai. Dân công cần huy động phục vụ chiến dịch khoảng 35.000 người…Về nhân lực, vật lực, Trung ương giao các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc trực tiếp phục vụ hướng Nghĩa Lộ; các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam… trực tiếp phục vụ hướng Sơn La.Trên địa bàn Liên khu 3 và Việt Bắc, Bộ Tổng Tư lệnh có kế hoạch nghi binh lớn, Trung đoàn 238 ở Bắc Ninh, Bắc Giang mang tên mới là Đại đoàn 316, Trung đoàn 246 ở Vĩnh Yên, Phúc Yên lấy bí danh Đại đoàn 308, Trung đoàn 91 ở Sơn Tây, Phú Thọ được gọi là Đại đoàn 312… Các đơn vị trên đều có phương án hoạt động, liên lạc công khai với Bộ Tổng Tư lệnh bằng điện đài làm cho địch rất khó phán đoán hướng tiến công.
Diễn biến chiến dịch diễn ra ba đợt, từ ngày 14/10 đến 10/12/1952):
- Đợt 1 (từ ngày 14-23/10), tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch.
- Đợt 2 (từ ngày 7-22/11), vượt sông Đà, tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, giải phóng tỉnh Sơn La, Điện Biên Phủ.
- Đợt 3 (30/11-10/12), tiến công Tập đoàn cứ điểm Nà Sản.
Từ ngày 14/10 đến 10/12/1952,dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Namđã giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Tây Bắc. Sau 2 tháng mở chiến dịch, đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng.
Kết quả chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào, 8/10 đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.
Chiến thắng Tây Bắc là sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa lịch sử mang tầm chiến lược, đánh dấu bước phát triển mới, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc là dịp để ôn lại lịch sử cách mạng, tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Dưới đây là sơ đồ và hình ảnh chiến dịch Tây Bắc năm 1952:
Sơ đồ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
(Nguồn: qdnd.vn)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn Nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Ảnh tư liệu
Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí địch trên sa bàn trước khi bước vào Chiến dịch Tây Bắc.
Ảnh: qdnd.vn
Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Ảnh: Tư liệu BTLSQG
Bộ đội ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Gia Phù, Sơn La trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Ảnh tư liệu
Ngày đăng: 24-10-2022
Phòng HC-TH
Các bài viết khác
Ý nghĩa, lịch sử ngày Pháp luật Việt Nam 09-11-2024
Truyền lửa cho hệ trẻ qua triển lãm chuyên đề về anh hùng Hoàng Đăng Miện 05-11-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại huyện Tiên Du 04-11-2024
BẢO TÀNG TỈNH BẮC NINH TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ 25-10-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại thị xã Quế Võ 24-10-2024