Bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh

Tính đến năm 2016, tỉnh Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận 05 Bảo vật quốc gia. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc các Bảo vật quốc gia này

Bảo vật quốc gia: Bia “Xá lợi tháp minh”

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Tiêu chí cơ bản của bảo vật quốc gia là: hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt liên quan đến lịch sử văn hóa, khoa học.

Trong số 05 bảo vật quốc gia của tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận đến nay có tấm bia “Xá lợi tháp minh” được Bảo tàng Bắc Ninh phát hiện và sưu tầm tại chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng), huyện Long Biên, xứ Giao Châu xưa.

Trước đó, vào năm 2004, ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, H.Thuận Thành) đào đất làm gạch ở gần khu vực chùa làng (Xuân Quan), đã va phải một vật cứng. Khi đào lên thì đó là một tấm bia gồm hai phần, úp khít vào nhau bằng một chất kết dính, phải dùng mai đào đất mới tách đôi được. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân. Ông Đức sau đó mang tấm bia này cất giữ. Trong thời gian này, ông có cho một vài người biết đôi chút chữ Hán Nôm xem.

“Khi chúng tôi đi tìm tư liệu cho Bảo tàng Bắc Ninh, cán bộ xã nói từng nghe về một tấm bia như vậy”, bà Thơm, cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh, nhớ lại. Thế là việc tiếp cận tấm bia bắt đầu. Bà Thơm đã lui tới nhà ông Đức nhiều lần, chỉ với mong muốn được nhìn thấy và chụp ảnh tấm bia đó. Bản thân ông Đức, theo câu chuyện kể, giữ tấm bia kín đáo đến mức người nhà cũng không biết ở đâu. Thật may, khi đủ tin tưởng, ông Đức đã tặng lại tấm bia cho bảo tàng mà không đòi hỏi gì về vật chất. Tuy nhiên, bảo tàng đã tặng ông một tấm gò đồng của làng Đại Bái, trên có chữ An.

Bia “Xá lợi tháp minh”

Bia “Xá lợi tháp minh”

Bia “Xá lợi tháp minh” hay còn được gọi là bia mộ tháp gồm hai phần có hình gần vuông, kích cỡ (45cm x 46cm) úp khít vào nhau: Phần dưới (thân bia) dày 9cm được cắt khá nhẵn xung quanh, một mặt khắc chữ Hán còn rất rõ nét, gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng. Nội dung cơ bản được lược dịch như sau:

“Trước ngày Ất Sửu (tức ngày 15), tháng Tân Hợi (tháng 10), năm Tân Dậu nước Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ năm thứ nhất (601). Hoàng đế cẩn trọng mở dòng thuyết pháp, mở cõi u hiển đến mọi sinh linh ở chùa Thuyền Chúng (Thiền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu để kính cẩn dựng ngôi tháp thiêng đặt yên xá lợi theo ước nguyện của Thái tổ Vũ Nguyên hoàng đế, Nguyên Minh hoàng hậu.

Tất cả các bậc từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái tử, đến các con cháu trong hoàng tộc cùng các quan được sủng ái, thứ dân không kể lục đạo, tam đồ trên cõi đời đều thuận theo lời dạy của đức Phật mãi thoát khỏi cõi khổ ải trầm luân, cùng hưởng quả phúc.

Sắc cho Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ, úy Khương Huy dựng ngôi tháp và an vị xá lợi ở đó…”.

Nắp đậy dày 4cm úp lên trên bia đá, mặt dưới tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ phía dưới, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ.

Văn bia được đặt trên một tấm đá hình chữ nhật dày 25 cm, kích cỡ (65cm x 100cm).

Bia “Xá lợi tháp minh”

Bia “Xá lợi tháp minh”

Xét riêng về loại bia “Mộ tháp” các bậc cao tăng – Thiền sư – thì bia mộ tháp ghi niên hiệu Đại Tùy (601) ở chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, đất Giao Châu là bia cổ nhất Việt Nam – tính đến thời điểm phát hiện.

Bia mộ tháp chùa Thiền Chúng là di sản văn hóa vật thể độc đáo ghi khắc về tên huyện Long Biên, xứ Giao Châu, góp phần quan trọng minh chứng cho các tư liệu, sử sách và các công trình nghiên cứu khoa học (luận văn, luận án) khi xác định – Long Biên ở vùng hoặc chính là Luy Lâu.

“Còn tiếp…” 

Ngày đăng: 17-03-2019
baobacninh.com.vn

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website