BỘ TƯỢNG  PHẬT TỨ PHÁP VÙNG DÂU - LUY LÂU

 

Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2090/QĐ-TTg công nhận Bộ tượng Phật Tứ Pháp bảo vật quốc gia. Bộ tượng Tứ Pháp hiện đang được thờ phụng tại các di tích ở vùng Dâu - Luy Lâu, gồm: chùa Dâu (Pháp Vân tự), chùa Tướng (Phi Tướng tự), chùa Dàn (Trí Quả tự) thuộc các xã Thanh Khương, Trí Quả của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Theo nguồn sử liệu, các chùa Tứ Pháp vùng Dâu được xây dựng từ thời Sỹ Vương (Sỹ Nhiếp), tức là vào thế kỷ II sau công nguyên. Nguyên thuỷ đó là những ngôi đền, miếu thờ những v thần bản cảnh như: Thần đất, Thần nước và các vị Thần tự nhiên: Mây, Mưa, Sấm, Chớp của cư dân Việt cổ gắn với nghề trồng lúa nước. Do quan niệm vạn vật hữu linh, những hiện tượng tự nhiên này đối với con người là những thế lực siêu nhiên, cần được thờ cúng để mong mưa thuận gió hòa. Khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, các nhà truyền giáo nhận thấy, Phật giáo muốn phát triển được ở mảnh đất này thì phải có sự dung hòa với tín ngưỡng bản địa, và cuộc “hôn phối” tinh thần giữa một người con gái bản địa (tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian, đại diện cho cư dân văn minh nông nghiệp lúa nước) với một nhà sư Ấn Độ là Khâu-đà-la (đại diện cho triết lý và văn hóa Phật giáo Ấn Độ) đã ra đời. Các vị Phật Ấn Độ đã hóa thân với các vị Thần tự nhiên của Việt Nam, tạo nên một vị “Phật Việt Nam” hoàn toàn riêng biệt. Các vị Thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp được Phật hóa để trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Ðiện. Đó là Tứ Pháp - Phật giáo dân gian Việt Nam. Hàng năm, vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, lễ hội Tứ Pháp được diễn ra với quy mô lớn và từng nổi tiếng trong dân gian.

Theo quan niệm của nhân dân vùng Dâu, Phật “Tứ Pháp” là bốn chị em, vốn được tạo ra từ gốc của một cây dung thụ (cây Dâu) từ những năm đầu của công nguyên. Bà Dâu (Pháp Vân) được coi là ch cả thờ tại chùa Dâu (còn có tên là chùa Diên Ứng, chùa Thiền Định, chùa Cổ Châu) thuộc xã Thanh Khương; bà Đậu (Pháp Vũ) được thờ ở chùa Đậu (Thành Đạo tự), trong kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa này bị phá hủy nên tượng bà Đậu được chuyển về chùa Dâu thờ phụng cho đến nay; bà Tướng (Pháp Lôi) được thờ ở chùa Tướng (Phi Tướng tự) thuộc xã Thanh Khương; bà Dàn (Pháp Điện) được thờ ở chùa Dàn (Trí Quả tự) thuộc xã Trí Quả đều thuộc huyện Thuận Thành ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bốn pho tượng Tứ Pháp này có cùng khung niên đại vào thời Lê khoảng thế kỷ XVI.

Tượng Pháp Vân

Tượng Pháp Vũ

Về hình thức, cả bốn tượng Tứ Pháp khá giống nhau có cấu trúc tổng thể gồm hai phần: phần tượng và tòa sen nhưng là một thể thống nhất, cả hai hợp lại mới tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Các pho tượng thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, tư thế tọa thiền trên tòa sen, đầu kết xoắn ốc, cổ cao ba ngấn, để mình trần, quấn xà rông, tay phải giơ ngang ngực, tay trái đặt ngửa trên đùi, nhân tướng theo kiểu Ấn Độ, khuôn mặt hiền hậu, từ bi. Những hình khối của cơ thể mềm mại, uyển chuyển gợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt rất đặc biệt trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.

Về cách tạo hình cũng rất đời thường, gần với thế tục hơn là tôn giáo. Tượng Pháp Vân thì nghiêm trang thần bí, Pháp Vũ phồn thực đầy đặn, tượng Pháp Lôi thô mộc, giản dị thì tượng Pháp Điện (là em út) lại chau chuốt, thanh tú. Đứng về mặt nghệ thuật, không nơi đâu ở Việt Nam có một tập hợp điêu khắc tượng gắn bó với truyền thuyết huyền thoại, với tính gợi tình và cái đẹp nữ tính huyền bí đến như vậy.

Tượng Pháp Lôi

Tượng Pháp Điện

Nhìn chung, các pho tượng Tứ Pháp ảnh hưởng bởi phong cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy, kết hợp với đặc trưng văn hóa bản địa tạo nên những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo mang đậm bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc. Tín ngưỡng thờ TPháp là tín ngưỡng bn địa lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Hồng cầu mưa thuận gió hòa, tuy nhiên cho đến nay chỉ duy nhất vùng Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh còn giữ được đầy đủ cả bốn pho tượng TPháp thể hiện nét văn hóa đặc sắc này.

Ngày đăng: 06-10-2022
BẢO TÀNG BẮC NINH

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website