Hệ thống mộc bản “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” tại Bảo tàng Bắc Ninh

Bảo tàng Bắc Ninh là bảo tàng tổng hợp, khảo cứu địa phương; là nơi lưu giữ hàng ngàn tài liệu, hiện vật có giá trị phản ánh bề dầy lịch sử, văn hóa của quê hương Bắc Ninh. Trong số những hiện vật tiêu biểu đó phải kể đến 1.119 ván khắc sách thuốc hay còn gọi là mộc bản “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của đại danh y Lê Hữu Trác, biên soạn vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Đây là bộ sách được xem là bộ “bách khoa toàn thư” của nền y học cổ truyền Việt Nam.

Bộ sách “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu, vệ sinh phòng bệnh và cả đạo đức y học…

Bộ ván khắc về sách thuốc “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” phần lớn được làm từ chất liệu gỗ thị. Đa phần mộc bản được khắc chữ Hán ở hai mặt theo lối âm bản (chữ ngược), kiểu chữ chân phương, nét khắc sâu, sắc nét. Mỗi mặt ván khắc được khoảng 16 dòng, mỗi dòng 21 chữ; mỗi mặt khắc tương ứng với hai trang sách, khắc chạm đúng chuẩn mực theo kiểu đóng sách của người xưa. Ván khắc có khung viền xung quanh, bốn lề trang sách gồm một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. Chính giữa ván khắc có dòng chữ cho biết tên sách và thứ tự của trang sách.

Trong số mộc bản sách thuốc này có 1.025 ván khắc chữ ở cả 2 mặt và 159 ván khắc chữ một mặt. Như vậy tổng số mặt ván của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh ở Bảo tàng Bắc Ninh hiện nay là 2.209 mặt (trang).

Bộ sách thuốc “Y tông tâm lĩnh” là pho tùng thư chuyên về y dược học của dân tộc Việt Nam do đại danh y Lê Hữu Trác (1720 – 1791) soạn thuật trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ XVIII. Vào thời vua Tự Đức (1848 – 1883) nhà sư Thích Thanh Cao khi ấy là trụ trì chùa Đồng Nhân (phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) do cơ duyên đã dày công sưu tầm đầy đủ bộ sách từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó hội bàn với các danh y khác khảo đính lại bản thảo và tiến hành cho khắc ván từ ý tưởng của Vũ Xuân Hiên (người làng My Thứ, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương) để in thành sách. Công việc san khắc được thực hiện tại chùa Đồng Nhân trong vòng 6 năm liên tiếp (1879 – 1885) thì hoàn thành.

Từ khi khắc bản đến nay, bộ mộc bản được lưu trữ tại ba địa điểm:

– Từ năm 1885 – 1983 lưu trữ tại chùa Đồng Nhân (xưa thuộc xã Đại Tráng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh)

-Từ năm 1983 – 1997 lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Bắc.

-Từ năm 1997 đến nay lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh.

Vào cuối năm 2017, Bảo tàng tiến hành tổng kiểm kê, sắp xếp, phân loại, đánh số, chụp ảnh và in dập toàn bộ mộc bản thuộc bộ sách thuốc Hải Thượng y tông tâm lĩnh trong kho. Qua đợt kiểm kê cho thấy có 1.191 đơn vị mộc bản với 24 tập, 63 quyển (từ quyển 1 đến quyển 61 và quyển Thủ, quyển Vỹ). Tất cả các ván khắc phần lớn đều còn tốt, chữ khắc rõ, sắc nét. Chỉ có một số ít ván là bị nứt, cong vênh và mất một số chữ. Có 7 mảnh nhỏ, vỡ không xác định thuộc quyển nào.

Mỗi mảnh ván được xem là một đơn vị hiện vật độc/hiếm, có một không hai, cho nên bộ mộc bản pho sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh có giá trị vô cùng đặc sắc trong lĩnh vực Bảo tàng. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua Bảo tàng Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp để bảo vệ tốt nhất kho mộc bản này:

– Hiện tại toàn bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã được chia thành từng quyển, xếp theo số trang, đánh số, chụp ảnh, in dập toàn bộ mặt ván theo trình tự khoa học, xếp gọn trên giá để tránh ẩm mốc và được bảo quản tại kho gỗ ở tầng 3.

– Các ván khắc thường xuyên được kiểm tra, chống mối mọt, vệ sinh định kỳ để bảo vệ mộc bản trong điều kiện tốt nhất

 Mộc bản- bộ ván khắc về sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông là một bảo vật đặc biệt quí hiếm của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc. Bộ ván khắc này là tác phẩm – công trình lớn chứa đựng nội dung quan trọng của tư tưởng nhân văn Việt Nam, là nguồn tư liệu phong phú, nhiều lĩnh vực, góp phần giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu sâu sắc hơn về y học cổ truyền của cha ông và một số lĩnh vực khác như: Văn hóa phật giáo, giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền, xã hội học và các lĩnh vực khác về khoa học xã hội./

Ngày đăng: 23-05-2019
Nguyễn Thị Hái (phòng Kiểm kê – bảo quản) - Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website