CỘT ĐÁ CHẠM RỒNG CHÙA DẠM
Cột đá chạm rồng hiện đang lưu giữ tại chùa Dạm khu Tự Thôn, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2090/QĐ-TTg, ngày 25/12/2017.
Cột đá chạm rồng
Chùa Dạm (Thần Quang Tự, Lãm Sơn tự) được xây dựng ven sườn núi phía Nam của dải núi Dạm, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Ninh. Theo các nguồn thư tịch cổ, Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, còn gọi là núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống. Chùa Dạm được biết đến như một đại danh lam cổ tự, một ngôi chùa có 99 gian bề thế với tổng diện tích khoảng 8.400 m2. Quy mô chùa cũ nay không còn, hiện chỉ còn lại dấu tích nền móng các cấp nền và một số hiện vật còn sót lại, tiêu biểu nhất là cột đá chạm rồng, đây có thể coi là một tuyệt tác điêu khắc thời Lý.
Cột đá liền khối cao 425cm, đặt trên bệ đá hai cấp cao 80cm. Phần cột chia làm hai phần rõ rệt, phần hộp vuông cao 200cm, kích thước cạnh là 135cm và 16cm. Phần trụ tròn cao 225cm, đường kính 135cm chạm nổi đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau quấn quanh cột, chân trước hai con chụm vào cùng nâng đỡ một viên ngọc. Hai đầu trong tư thế chầu nhau, ở giữa có một lá đề chạm nổi, mỗi con ngậm một viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời, thân rồng uốn khúc hình sin, hai chân sau tựa vào khối hộp vuông phía dưới tạo cho đôi rồng uốn lượn như đang bay.
Trang trí rồng ở trụ tròn
Ngoài đề tài rồng, ở đây chúng ta còn thấy những chi tiết hoa văn cúc dây để “trám” vào những chỗ trống trên thân cột rất tỷ mỉ, chau chuốt cho thêm phần hài hòa, sinh động. Tại phần trụ tròn cách đỉnh 9cm có sáu lỗ hình chữ nhật có kích thước 17cm x 23cm khoét sâu vào thân cột phân bố đều xung quanh.
Phần đế tròn đỡ cột đá cao 80cm được chia làm hai cấp. Cấp thứ nhất cao 20cm, có đường kính 465cm, cấp thứ hai cao 60cm, có đường kính 465cm, cấp này được chạm khắc hoa văn sóng nước sinh động tương tự như bờ kè đá của phế tích đối diện.
Hình dạng đặc biệt của cột đá cùng với không gian lịch sử khi xây dựng cho ta những đầu mối và sự liên hệ cùng những nét tương đồng và sự ảnh hưởng của kiến trúc điêu khắc Chămpa với các công trình tôn giáo thời Lý, mà cụ thể ở đây là cây cột đá. Chất liệu đá cát (sa thạch) là loại vật liệu phổ biến trong điêu khắc và trang trí kiến trúc Chămpa cũng được sử dụng rộng rãi trong các công trình kiến trúc tôn giáo của Đại Việt thế kỷ XI- XII cho thấy nét tương đồng trong việc lựa chọn chất liệu.
Hoa văn rồng thời Lý được trang trí cũng thể hiện nét giao thoa giữa hai nền văn hoá. Thân rồng mềm mại, khoẻ khoắn mang nét tự nhiên của văn hoá Việt bản địa, đầu rồng mang nét đẹp và phóng khoáng, thể hiện vương quyền của thuỷ quái Macrada (linh vật trong văn hoá Chămpa). Bên cạnh đó là sự xuất hiện của hoa văn sóng nước, hoa văn trang trí cúc dây. Tất cả được kết hợp hài hoà tạo nên nét sinh động mà uy nghiêm, bề thế của công trình kiến trúc. Cột đá chạm rồng chùa Dạm hiện nay không còn nguyên vẹn như xưa nhưng vẫn mang những giá trị nghệ thuật độc đáo của điêu khắc thời Lý - một nền điêu khắc đặc sắc bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác
BỘ TƯỢNG PHẬT TỨ PHÁP VÙNG DÂU - LUY LÂU 06-10-2022
BA PHO TƯỢNG TAM THẾ CHÙA LINH ỨNG 25-07-2022
TƯỢNG PHẬT NGHÌN MẮT NGHÌN TAY CHÙA BÚT THÁP 25-07-2022
TƯỢNG PHẬT ADIĐÀ CHÙA PHẬT TÍCH 25-07-2022
MỘC BẢN SÁCH “HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH” CỦA BẢO TÀNG BẮC NINH ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ BẢO VẬT QUỐC GIA 29-12-2021
Hệ thống mộc bản “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” tại Bảo tàng Bắc Ninh 23-05-2019
ĐỘC ĐÁO DI SẢN MỘC BẢN “Y TÔNG TÂM LĨNH” 08-12-2017
Bảo vật quốc gia: “Rồng đá” (Xà Thần) ở đền thờ Lê Văn Thịnh 25-10-2017
Bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh 17-03-2019