Máy bay MIG 21 trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh

Nằm giữa trung tâm hành chính của tỉnh, Bảo tàng Bắc Ninh đang dần trở thành điểm đến quen thuộc cho công chúng du khách đến tham quan, học tập và trải nghiệm. Hiện khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng đang trưng bày nhiều hiện vật thể khối lớn rất có giá trị, trong đó có chiếc máy bay MIG 21 - một loại phương tiện chiến tranh dùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975).

 

Máy bay MiG 21 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh là chiếc MiG 21 số hiệu 5207 thuộc Trung đoàn 972, Sư đoàn 371 không quân nhân dân Việt Nam. Nó là biểu tượng chiến thắng của quân chủng không quân Việt Nam anh hùng. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ trên miền Bắc Việt Nam, máy bay đã cất cánh 69 lần, bay hơn 8.000 giờ, gặp địch 22 lần, nổ súng 16 lần, bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Có 9 phi công đã thay nhau lái chiếc máy bay này, trong đó có 6 đồng chí được tuyên dương Anh hùng LLVTND là: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Hồng Nhị. Trên máy bay có in hình 5 ngôi sao đỏ chính là thành tích bắn hạ 5 máy bay Mỹ.

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, trung đoàn 972 đã đưa chiếc máy bay này về trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh.

Đây là loại máy bay tiêm kích đánh chặn do Liên Xô sản xuất năm 1959. Có khoảng hơn 10.000 chiếc MiG-21 được chế tạo ở Liên Xô, hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa đã sử dụng loại máy bay này và hiện nay MiG-21 vẫn đang hoạt động trong không quân một số quốc gia sau 50 năm khi nó bay lần đầu tiên. MiG-21 đã đạt được một số kỷ lục hàng không như:

– Máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh Thế giới II.

– Máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất.

– Máy bay đạt kỷ lục thế giới về tốc độ năm 1959-1960.

– Máy bay đạt kỷ lục thế giới về độ cao năm 1961.

Năm 1965, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam loại máy bay này để sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt các cuộc không chiến giữa không quân Việt Nam với quân đội Mỹ, phía Việt Nam có 16 phi công đạt đẳng cấp “Át” (tức đã bắn hạ được từ 5 máy bay đối phương trở lên), trong đó người cao nhất là phi công MiG-21 Nguyễn Văn Cốc đã bắn hạ 9 máy bay Mỹ. Dưới đây là một số máy bay Mig-21 đã lập chiến công:

  • Mig-21 số hiệu 4324 (14 sao): phi công là Nguyễn Đăng Kỉnh thuộc Trung đoàn không quân Sao Đỏ (đoàn 921). Chiếc này được sử dụng bởi 9 phi công khác nhau và đã bắn rơi 14 máy bay trong khoảng thời gian 7 tháng (từ tháng 11/1967 – tháng 5/1968. Hiện nay máy bay này đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự ở Hà Nội. Chiếc máy bay này đã được Công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.
  • Mig-21 số hiệu 4326 (13 sao): phi công là Nguyễn Văn Cốc cũng thuộc đoàn Sao Đỏ (đoàn 921). Đây là phi công có nhiều chiến công nhất với 9 lần bắn rơi máy bay. Hiện nay chiếc 4326 đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không Không quân, Hà Nội.
  • Mig-21 số hiệu 5020 (12 sao): phi công là Nguyễn Tiến Sâm. Máy bay này thuộc đoàn không quân Lam Sơn (đoàn 927). Ngoài phi công này, 3 phi công khác cũng từng sử dụng chiếc này là Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát và Nguyễn Văn Nghĩa. Chiếc này đang được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bên cạnh Mig-21 số hiệu 5121 (5 sao) của Phạm Tuân.
  • Mig-21 số hiệu 5121 (5 sao): thuộc Trung đoàn Sao Đỏ 921, Sư đoàn 371, là Trung đoàn tiêm kích đầu tiên của không quân nhân dân Việt Nam, tham gia chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương  khác trên miền Bắc vào tháng 12 năm 1972 (chiến dịch Điện Biên Phủ trên không), đã bắn rơi 05 máy bay Mỹ, trong đó có 01 máy bay B52 do phi công Phạm Tuân lái đêm ngày 27/12/1972 . Chiếc máy bay này đã được Công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012.
  • Mig-21 số hiệu 5033 (3 sao): phi công Trần Việt thuộc đoàn Sao Đỏ (đoàn 921). Phi công này đã bắn rơi 3 chiếc máy bay F-4 của Mĩ.
  • Mig-21 số hiệu 4420: phi công là Nguyễn Ngọc Độ thuộc đoàn không quân Sao Đỏ (đoàn 921).
  • Mig-21 số hiệu 4520: phi công là Phạm Thanh Ngân, cũng thuộc đoàn không quân Sao Đỏ (đoàn 921). Hai phi công này đã bắn rớt máy bay do thám RF-101C của Mĩ vào ngày 16/09/1967. Hiện nay chiếc 4520 đang được trưng bày tại Bảo tàng quân đội Thái Nguyên.
  • Mig-21 số hiệu 5040: phi công Lê Thanh Đạo, đoàn không quân Lam Sơn. Điểm đặc biệt của chiếc này là được sơn nguỵ trang toàn bộ bằng màu xanh đậm.
  • Mig-21 số hiệu 5066: thuộc đoàn không quân Lam Sơn. Chiếc này từng đánh chặn một chiếc B-52 vào ngày 13/04/1972 trên bầu trời Thanh Hoá.

Với chiến công của những chiếc MiG 21 này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và cho đến nay, mặc dù không còn “hạn bay”, không khởi động được, nhưng chiếc máy bay Mig 21 – 5207 vẫn được Bảo tàng Bắc Ninh lưu giữ và bảo quản nguyên trạng như hồi còn tham chiến đến từng chi tiết như vết đạn, số seri, màu sơn, góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của cha ông ta.

Ngày đăng: 25-10-2017
An Ngọc (Phòng Trưng bày – Thuyết minh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website