TƯ LIỆU VỀ KHOA THI HƯƠNG TRƯỜNG HÀ NAM NĂM 1894

Trong kho tư liệu ở Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang lưu giữ cuốn sách chữ Hán ghi chép về khoa thi Hương năm Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái 6 (1894) tại trường Hà Nam. Cuốn sách này sưu tầm được tại gia đình ông Đàm Thận Côn thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn vốn là hậu duệ nhiều đời của Tiến sĩ Đàm Thận Huy - nhà khoa bảng yêu nước đầu thế kỷ XVI.

Vào cuối triều Nguyễn nước ta có 5 trường thi Hương là Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Gia Định. Trường Hà Nam tiền thân là trường Nam Định được vua Thiệu Trị cho xây dựng mở rộng vào năm Ất Tỵ (1845) ở làng Năng Tĩnh, tổng Mỹ Trọng, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc thành phố Nam Định). Sau khi trường Hà Nội tổ chức khoa thi Hương cuối cùng vào năm Kỷ Mão (1879) thì bị lính Pháp chiếm phải đóng cửa từ năm 1882. Năm 1884 sĩ tử của hai trường Hà Nội và Nam Định phải vào trường Thanh Hóa hợp thí nên gọi là “khóa Thanh” do trường Hà bị đóng cửa, trường Nam bị đốt năm 1883 và sĩ tử Bắc Hà nổi loạn chống hòa ước Giáp Thân (Patenôtre năm 1884). Đến năm 1886 vua Đồng Khánh mới cho 2 trường Hà Nội và Nam Định hợp thí tại Nam Định lấy tên chung là “trường Hà Nam”, từ đó nhân vì loạn lạc thành lệ hợp thí ở Nam Định cho đến khoa thi cuối cùng tổ chức vào năm Ất Mão (1915) thì trường Hà Nam chấm dứt hoạt động.

Cuốn sách ghi chép về khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1894) tại trường Hà Nam có kích thước dài 24cm, rộng 15cm lòng viết chữ Hán thể chân phương trên giấy dó màu vàng sẫm, bìa ngoài trang trí hoa văn màu nhũ bạc đề tài tứ linh “long, lân, quy, phượng” xung quanh diềm vẽ hoa dây. Sách không ghi tên người biên soạn cũng như niên đại viết sách, tuy nhiên căn cứ vào đặc điểm hoa văn, kiểu chữ cho thấy sách được chép vào khoảng đầu thế kỷ XX. Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần:

Phần thứ nhất giới thiệu về Ban giám khảo kỳ thi gồm Tam Tuyên Tổng đốc Cao Xuân Dục (1843 – 1923) một nhà văn hóa lớn của đất nước ta vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX làm Chánh chủ khảo, Thị giảng học sĩ Nguyễn Gia Thoại làm Phó khảo, Đốc học Lê Bá Đôn và Tiến sĩ Đặng Như Vọng làm Giám khảo, Hoàng giáp Phạm Như Xương, Tiến sĩ Dương Thúc Linh, Phó bảng Nguyễn Đình Văn làm Phân khảo, Giám sát ngự sử chưởng ấn là Lưu Phương Hợp và Nguyễn Văn Quỳ.

Phần thứ hai ghi chép tên tuổi, quê quán của 60 vị đỗ Cử nhân (khoa thi này có hơn mười ngàn sĩ tử dự thi nhưng chỉ lấy đỗ 60 Cử nhân và 200 Tú tài). Dưới đây chúng tôi xin được nhấn mạnh một số điểm đáng chú ý về khoa thi này như sau:

Về số lượng các vị đỗ Cử nhân ở các tỉnh, nhiều nhất là Nam Định 19 vị (riêng làng Hành Thiện nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường có 8 vị đỗ), Hà Nội 14 vị, Bắc Ninh 10 vị, Sơn Tây và Thái Bình mỗi tỉnh 5 vị, Hải Dương 4 vị. Các tỉnh Hưng Hóa, Hà Đông, Hưng Yên mỗi tỉnh 1 vị.

Về độ tuổi trung bình thi đỗ Cử nhân của khoa này khoảng 32 – 33 tuổi, trong đó người đỗ trẻ nhất là Ngô Bích Lan (Hà Nội) khi mới 17 tuổi, già nhất là Vũ Duy Điền (Hải Dương) khi đã 51 tuổi.

Về số Cử nhân tiếp tục dự thi Hội đỗ cao hơn gồm Nghiêm Xuân Quảng (Hà Đông) đỗ Tiến sĩ, Nguyễn Thiện Kế (Bắc Ninh), Nguyễn Tái Tích (Sơn Tây), Trần Tán Bình (Hà Nội) đỗ Phó bảng.

Về người đỗ Tú tài nhiều khoa nhất là Nguyễn Tư (Nam Định) 4 khoa, Mai Công Hoán (Nam Định), Nguyễn Văn Giáp (Hải Dương) và Đoàn Thụy Giáp (Hưng Yên) đỗ 2 khoa.

Về các vị là Ấm sinh, Viên tử thi đỗ Cử nhân có Lương Ngọc Thụ (Hà Nội) và Nguyễn Tái Tích (Sơn Tây).

Tóm lại đây là tư liệu Hán Nôm quý có giá trị góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử khoa cử Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Thông qua tài liệu này cho thấy vào cuối thế kỷ XIX Bắc Ninh vẫn là một vùng đất có truyền thống hiếu học ở Bắc Kỳ (số lượng người đỗ Cử nhân đứng thứ 3 chỉ sau Nam Định và Hà Nội). Ngoài ra cuốn sách còn góp phần bổ sung tư liệu cho kho cở sở và phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu tới công chúng về truyền thống hiếu học, khoa bảng trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc văn hiến./.

Ngày đăng: 26-10-2018
Nguyễn Văn An – Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website