Đặc sắc bia đá chùa Tĩnh Quang

Trong khuôn viên trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh dựng một tấm bia đá mang số hiệu BTBN - 1253 khá lớn đặt trên lưng rùa. Tấm bia này có nguồn gốc từ chùa Tĩnh Quang, thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ.

Tấm bia hình chữ nhật, chế tác từ đá xanh nguyên khối có kích thước cao 102cm, rộng 65cm, dày 14cm đặt trên lưng rùa dài 119cm, rộng 69cm, dày 33cm. Lòng bia khắc chữ Hán cả hai mặt theo thể chữ chân, còn khá rõ nét, nội dung ghi chép về việc công đức tu sửa chùa Tĩnh Quang vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVII. Điều đặc biệt đáng chú ý ở tấm bia này là cách thức trang trí hoa văn mang phong cách nghệ thuật điêu khắc của hai thời kỳ lịch sử khác nhau.

Mặt trước có tiêu đề “Trùng tu Tĩnh Quang tự bi” (Bia ghi chép về việc tu sửa chùa Tĩnh Quang) khắc vào ngày tốt, tháng ba, năm Hoằng Định 13 (1613) đời vua Lê Kính Tông. Trán bia trang trí mặt nguyệt hình tròn xung quanh có nhiều đao lửa mảnh và nhỏ tỏa đều về hai phía, hai bên chạm một đôi rồng chầu thân mảnh gấp nhiều khúc giống hình yên ngựa. Hai cạnh diềm bia trang trí hoa văn tay mướp leo khắc chìm xuống nền đá, phía dưới cùng trang trí họa tiết cánh sen đứng mảnh gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau. Những mô típ hoa văn này thường thấy trên một số tấm bia khắc vào thời Mạc (thế kỷ XVI) ở Bắc Ninh.

Mặt sau có tiêu đề “Tĩnh Quang tự bi” (Bia chùa Tĩnh Quang) khắc ngày 25, tháng 4, năm Dương Hòa 4 (1638) đời vua Lê Thần Tông. Thời điểm khắc mặt bia này cách mặt bia trước đúng 25 năm nhưng cách thức trang trí trên trán và diềm bia lại mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII. Xung quanh mặt nguyệt trang trí đao lửa tỏa rộng, rồng được tạc với đầy đủ các bộ phận râu, tóc, sừng, chân 5 móng, thân mập mạp nhiều vảy, gấp khúc, đuôi hướng thẳng vào nhau trông rất dữ tợn. Diềm bia chạm nổi đề tài lá lật, hoa cúc dây, hoa sen, chim sẻ, phía dưới chạm cách sen đứng mập, bên trong gồm nhiều lớp xếp xen kẽ nhau. Cách thức trang trí này rất phổ biến trên các tấm bia đá khắc vào thế kỷ XVII.

Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy, bởi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nửa đầu thế kỷ XVII mà trên cùng một tác phẩm điêu khắc tồn tại phong cách nghệ thuật của hai thời điểm khác nhau. Điều này khẳng định sự ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc đá thời Mạc vẫn còn tồn tại sau khi bị triều Lê Trung Hưng lật đổ vào cuối thế kỷ XVI.

Ngày đăng: 19-08-2019
Nguyễn Văn An- Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website