Bệ thờ và đế bia đá ở chùa làng Quế Ổ.
Chùa Quế Ổ tên chữ là “Hưng Nghiêm tự” xưa nằm ở phía Tây Nam làng Quế Ổ (nay là khu vực trường THCS xã Chi Lăng, huyện Quế Võ). Chùa có lịch sử xây dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) được trùng tu, tôn tạo quy mô lớn gồm nhiều hạng mục kiến trúc. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp chùa bị phá hủy hoàn toàn, đến năm Canh Thìn (2000) nhân dân xây dựng lại ngôi chùa mới ở phía Đông của làng giáp với đê sông Đuống. Chùa có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Toàn bộ hệ thống tượng phật và đồ thờ tự đều mới được tạo tác sau này. Trong chùa hiện còn lưu giữ được 4 tấm bia đá có giá trị gồm: bia “Hưng Nghiêm tự bi” khắc năm Dương Đức 1 (1672), bia “Từ vũ bi ký” của Từ vũ tổng Đại Toán, huyện Quế Dương xưa, nội dung văn bia do Tán lý quân vụ Nguyễn Cao (1837 - 1887) người xã Cách Bi soạn năm Tự Đức 35 (1882) và hai tấm bia hậu phật thời Nguyễn hiện đã mờ hết chữ.
Tháng 6 năm 2011 trường THCS xã Chi Lăng tiến hành xây dựng tường bao xung quanh nhà trường, trong quá trình đào móng đã phát hiện một bệ thờ khá lớn bằng đá và phần đế của một tấm bia đá ở độ sâu cách mặt đất khoảng 50cm vốn là những hiện vật của chùa làng Quế Ổ trước đây. Thông tin về hai hiện vật trên cụ thể như sau:
* Bệ thờ đá hình chữ nhật có kích thước dài 135cm, rộng 87cm, dầy 30cm. Cạnh trước chia làm 3 ô, mỗi ô trang trí hoa văn giống hình chiếc khánh bên trong là một bông hoa sen (biểu tượng của nhà phật) cách điệu chạm nổi trên bề mặt đá. Xung quanh diềm trang trí mô típ cách sen đứng. Mặt trên phẳng và nhẵn, viền ngoài khắc 3 đường chỉ thẳng chạy quanh 4 cạnh, ở khoảng giữa các đường chỉ trang trí cánh sen đứng nhưng đã mờ hết. Ba cạnh còn lại không có dấu hiệu trang trí hoa văn. Căn cứ vào kiểu thức trang trí và mô típ hoa văn trên cho thấy chiếc bệ thờ này tạo tác vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII – XVIII.
* Đế bia có kích thước dài 120cm, rộng 60cm, dày 45cm, ở giữa tạo lỗ hình chữ nhật dài 64cm, rộng 23cm, sâu 15cm để lắp phần thân bia phía trên. Đế bia giật 3 cấp, bề mặt bằng phẳng không trang trí hoa văn. Hiện vật chế tác vào thời Nguyễn thế kỷ XIX (hiện tại vẫn chưa tìm thấy phần thân bia phía trên).
Ảnh: Bệ thờ đá ở chùa Quế Ổ có niên đại chế tác khoảng thế kỷ XVII-XVIII
hiện trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng Bắc Ninh.
Theo nhận định của chúng tôi cũng như ý kiến của các cụ cao niên tại địa phương thì trước đây bệ thờ được đặt tại nhà tổ dùng để bài trí tượng và đặt đồ lễ vật cúng phật, còn đế bia dùng đặt bia đá ở nhà bia. Sau này do chiến tranh loạn lạc chùa bị phá hủy cho nên bệ thờ cùng với bia đá đã bị vùi lấp hẳn dưới lòng đất cho đến khi phát hiện.
Qua những hiện vật thể khối lớn bằng đá này phần nào thấy được quy mô kiến trúc của chùa làng Quế Ổ dưới thời Lê – Nguyễn. Ngay sau khi phát hiện bệ thờ và đế bia đá nêu trên địa phương đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu và trưng bày giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc đá trong văn hóa phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng./.
Nguyễn Văn An - Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác
Hệ thống văn bia tại Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh 02-04-2025
Quán tẩy đá thế kỷ XVIII ở lăng Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn 02-04-2025
BỆ TƯỢNG PHẬT TRANG TRÍ CÁNH SEN Ở CHÙA DẠM 01-04-2025
Sưu tập rìu, giáo đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh 31-03-2025
ĐÈN ĐỒNG ĐÔNG SƠN 06-03-2025
ĐẦU RỒNG ĐẤT NUNG THỜI LÝ Ở CHÙA PHẬT TÍCH, XÃ PHẬT TÍCH, HUYỆN TIÊN DU 06-03-2025
Danh nhân Trương Hán Siêu và văn bia Khai Nghiêm bi ký 05-03-2025
Hệ thống tảng kê chân cột đình Đình Tổ, phường Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh 05-03-2025
Thuyền chải 25-02-2025
Lò gốm Đương Xá 25-02-2025