CHIẾC CHẬU HOA BẰNG ĐÁ THẾ KỶ XVIII Ở ĐỀN HỒI NGUYÊN ĐƯỜNG

Đền Hồi nguyên đường thuộc địa phận xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi đền được xây dựng là biểu hiện tấm lòng hướng về cội nguồn của tiến sĩ Lương Đức Uy (1472 - 1527). Ông quê gốc ở xã Mão Điền Đoài, huyện Siêu Loại, do quê nhà có biến ông phiêu bạt đến làng Đào Xá (nay thuộc xã Toàn Tiến, huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên) được một gia đình họ Đào cưu mang giúp đỡ nuôi ăn học thi đỗ đại khoa. Năm 22 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời Lê Thánh Tông. Ông từng được cử đi sứ nhà Minh, làm quan tới chức Thừa chính sứ. Sau khi cáo quan ông về sinh cơ lập nghiệp tại quê vợ làng Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Đền Hồi nguyên đường là công trình được khởi dựng đầu thế kỷ XIX với bình đồ kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, quay hướng Đông Nam. Tòa Tiền đường gồm 5 gian liên kết vì kèo kiểu kẻ truyền giá chiêng, 2 gian ngoài là vì ván mê. Nghệ thuật chạm khắc chủ yếu ở các bộ vì theo đề tài hoa lá, chạm nổi công phu. Phía trước 3 gian giữa là hệ thống cửa ván ghép, 2 hồi là cột đồng trụ. Nối liền tòa Tiền đường là tòa Hậu đường 3 gian kết cấu chịu lực khung gỗ lim theo kiểu thức giá chiêng. Qua tiến trình lịch sử đền được trùng tu sửa chữa nhiều lần, gần đây nhất vào những năm 50 thế kỷ XX.

Trong đền bảo lưu nhiều tài liệu hiện vật có giá trị bao gồm: hoành phi, câu đối, tượng thờ tiến sỹ Lương Đức Uy, bài minh văn khắc chữ Hán trên 2 biển gỗ nội dung ghi lại lời huấn thị của tiến sỹ Lương Đức Uy, bia đá “Ký điển bi ký” dựng năm 1870 ghi chép về lai lịch công trạng tiến sỹ Lương Đức Uy. Đặc biệt trong khuôn viên ngôi đền có một chiếc chậu hoa tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, cao 45cm, đường kính miệng 38,5cm, đường kính đáy 25,5cm, dày 7cm. Chậu hoa hình lục giác, 3 ô hạ lòng bên trong không trang trí hoa văn, 3 ô để phẳng bề mặt để trơn không chạm khắc hoa văn. Phần đế chậu hoa giật 3 cấp, giữa đế và thân tạo dáng kiểu thắt cổ bồng. Căn cứ vào kiểu dáng, kỹ thuật chế tác cho thấy chiếc chậu hoa bằng đá này có niên đại tạo tác vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII.

Hiện tại gia tộc họ Lương đã hiến tặng Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chiếc chậu hoa đá kể trên và đang được trưng bày tại khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng. Hiện vật góp phần phục vụ công tác nghiên cứu tìm hiểu về kỹ thuật chạm khắc đồ đá dưới thời Lê Trung Hưng và trưng bày giới thiệu về truyền thống hiếu học, khoa bảng trên vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc ngàn năm văn hiến./.

Ngày đăng: 23-09-2019
Vũ Viết Truyền- PGĐ Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website