CHIẾC KHÁNH ĐÁ NIÊN ĐẠI THỜI NGUYỄN TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH
Trong khuôn viên trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh hiện đặt một chiếc khánh đá khá lớn có niên đại tạo tác vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chiếc khánh đá này thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập cổ vật Dương Minh Chính (phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Khánh được làm từ đá xanh nguyên khối, hình bán nguyệt, hiện đã bị vỡ mất phần đầu hai bên. Chiều dài còn lại của chiếc khánh là: 151cm, điểm chính giữa khánh rộng: 60cm, dầy: 10,5cm, diềm bo nổi xung quanh khánh rộng 3cm, cao 0,7cm, bên trong lòng khánh hai mặt đều trang trí hoa văn hình dây xoắn, chính giữa có lỗ treo khánh hình tròn, đường kính rộng 7cm. Phần đầu phía bên phải hiện vẫn còn dấu vết của núm đánh hình tròn nhô cao lên so với bề mặt xung quanh. Trên thân khánh mặt phía trước khắc dòng lạc khoản bằng chữ Hán hiện đã bị mờ, nội dung chính cho biết như sau: “Hoàng triều Tự Đức Canh Ngọ niên, Đinh Dậu nguyệt, cốc nhật”. Tạm dịch là: “Khánh được tạo tác vào ngày tốt, tháng Đinh Dậu (tức tháng 8), năm Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức 23 (1870)”. Khánh được đặt trên giá treo hình chữ nhật, làm bằng gỗ lim nguyên khối.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh loại hình khánh đá cổ còn tồn tại là không nhiều, ngoài chiếc khánh đá có niên đại cổ nhất hiện ở chùa Tam Sơn (xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn) tạo tác vào năm 1674, còn lại các chiếc khánh đá khác đều tạo tác vào triều Nguyễn được lưu giữ tại các di tích nằm rải rác trên địa bàn các huyện (thị, thành phố) như: khánh đá chùa Khúc Toại (phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh), chùa Ngọc Xuyên (xã Đại Bái, huyện Gia Bình), đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình), đình, chùa làng Cổng (xã Đào Viên, huyện Quế Võ)…
Chiếc khánh đá của nhà sưu tập cổ vật Dương Minh Chính là hiện vật quan trọng giúp công chúng khách tham quan cũng như các nhà khoa học tới Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc các loại hình nhạc khí thờ tự bằng đá có niên đại tạo tác dưới thời Nguyễn hiện còn tồn tại trên vùng đất cổ Bắc Ninh – Kinh Bắc nói riêng cũng như các nơi khác trên cả nước nói chung./.
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác
Báo Người cùng khổ (Le Paria) 28-07-2023
BỨC THƯ BÁC HỒ GỬI THIẾU NIÊN HỢP TÁC XÃ MĂNG NON THÔN PHÚ MẪN 21-07-2023
Hũ gạo tiết kiệm 07-07-2023
Áo lụa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng AHLLVTND Vương Văn Trà 23-06-2023
Hiện vật Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” 15-07-2022
CHÂN TẢNG ĐÁ CHÙA PHẬT TÍCH LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH 30-05-2022
PHÁT HIỆN TẤM BIA “PHỤNG SỰ BI KÍ” DI VĂN CỦA TIẾN SĨ ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG 26-05-2020
Từ vũ tổng Đại Toán và tấm bia đá ghi khắc về ba vị Quận Công họ Nguyễn Đức 11-03-2021
CHIẾC CHẬU HOA BẰNG ĐÁ THẾ KỶ XVIII Ở ĐỀN HỒI NGUYÊN ĐƯỜNG 23-09-2019