Từ vũ tổng Đại Toán và tấm bia đá ghi khắc về ba vị Quận Công họ Nguyễn Đức
Từ vũ tổng Đại Toán, huyện Quế Dương được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX trên địa phận xã Quế Ổ (nay là thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ). Từ vũ thờ đức Khổng Tử ông tổ của đạo Nho cùng các vị đỗ Đại khoa, Trung khoa người bản tổng và ba trong số 18 vị Quận Công họ Nguyễn Đức nổi tiếng xứ Kinh Bắc dưới thời Lê - Trịnh.
Từ vũ nằm trên khu đất giữa làng Quế Ổ vốn là nơi đắc địa có núi Lãm sau lưng làm điểm tựa, dòng Thiên Đức án ngữ trước mặt, thế đất hồn hậu mà thoáng đãng. Từ vũ khởi công xây dựng từ năm Canh Thìn (1880) đến năm Nhâm Ngọ (1882) hoàn thành, gồm hai tòa: Tiền tế 5 gian, Hậu đường 3 gian, chính giữa sân xây dựng tòa Phương đình, hai bên xây Tả vu, Hữu vu. Tiếc thay trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ngôi Từ vũ bị phá hủy hoàn toàn, đến nay chỉ còn hai tấm bia đá có nội dung chính ghi chép về việc xây dựng Từ vũ và tên tuổi khoa danh của các vị đỗ Tiến sĩ, Hương cống người tổng Đại Toán cùng ba vị Quận Công tiêu biểu họ Nguyễn Đức. Hiện tại một tấm bia đang dựng ở chùa làng Quế Ổ (Hưng Nghiêm tự), tấm còn lại đã được sưu tầm đưa về trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh. Tấm bia có ký hiệu BTBN 1242 cao 145cm, rộng 78cm, dầy 23cm, hoa văn trang trí trên trán bia đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”, “hổ phù”, xung quanh diềm khắc dây lá và cánh sen cách điệu. Lòng bia khắc chữ Hán kiểu chữ chân phương ở cả hai mặt nét chữ chắc khỏe còn khá rõ ràng. Trong phần nội dung chính không đề cập tới niên đại dựng bia và tên người soạn văn bia nhưng căn cứ vào kích thước, kiểu dáng, hoa văn trang trí, kiểu chữ cho thấy tấm bia này có nội dung tiếp nối tấm bia đặt ở chùa Quế Ổ và đều được dựng khắc vào năm 1882.
Ảnh: Bia đá ghi khắc về 3 vị Quận Công họ Nguyễn Đức trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh
Mặt chính tấm bia có tiêu đề “Văn khoa, Võ khoa công điền, tiến điền bi” nội dung phần đầu ghi chép về các vị Tiến sĩ, Hương cống người tổng Đại Toán và 3 vị Quận Công họ Nguyễn Đức làng Quế Ổ. Phần sau ghi chép về việc công đức ruộng đất của bản tổng ở thôn Mai, xã Đại Toán và ruộng đất của xã Quế Ổ phục vụ cho việc tế lễ các vị Văn khoa, Võ khoa vào dịp Thu tế hàng năm. Nội dung phần đầu cho biết:
Các vị Văn khoa triều Lê người tổng Đại Toán gồm: Tứ nguyên Nguyễn Đăng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Dần (1602) từng đi sứ, giữ chức Tả thị lang, tước Đại Nham Hầu, gia phong Đại Vương. Nguyễn Ngạn Sảng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất (1562) làm quan tới chức Tham chính. Đào tướng công thụy Đôn Nhã đỗ Hương cống khoa Ất Dậu làm quan tới chức Án sát xứ tỉnh Hải Dương. Nguyễn Đức Hiệp (thuộc gia tộc Nguyễn Đức) còn có tên là Chính, tự Thỉ Văn, hiệu Hòa Trai cư sĩ đỗ Hương cống thời Lê làm quan tới chức Tri huyện Kim Hoa (gia phả chép: Nguyễn Đức Hiệp thuộc đời thứ 13 – chi Ất là con trai thứ 3 Phiến Vũ Hầu Nguyễn Đức Bá. Cụ đỗ Hương cống khoa Kỷ Mão (1759) đời Lê làm Tri huyện Kim Hoa, huyện Phú Xuân, Kiêm thủ Ngự sử chỉnh lý Tử).
Các vị Võ khoa triều Lê người họ Nguyễn Đức gồm: Ân Quận Công Nguyễn Đức Nhuận, tự Trung Lương, thụy Kiên Dũng làm quan tới chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Đô đốc Thiêm sự tặng tả Đô đốc Thái tể, gia phong: Nguyễn Đại Vương. Hiểu Quận Công Nguyễn Đức Uông, tự Địch Nghị, thụy Trung Dũng, năm Kỷ Dậu (1729) tại trường thi võ Bác cử trúng Đệ tam giáp đồng Tạo sĩ xuất thân, làm quan đến chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân hộ quân Bắc quân Đô đốc phủ Đại tư đồ, Thiếu bảo, truy phong: Đại Vương. Hội Quận Công Nguyễn Đức Thân, tự Điển, làm quan đến chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đô hiệu điểm, gia phong: Đại Vương.
Mặt sau có tiêu đề “Bản tổng quyên tiền bi ký” ghi chép về các vị Phó tổng, Lý trưởng, Phó Lý, cựu Phó tổng, cựu Lý trưởng, Chức dịch, Khóa sinh, Tư văn nội, Phó quản đoàn, Cai tổng, Hương thân, Hương trưởng… tất cả 56 vị là người các xã Quế Ổ, Đại Toán, Đức Tái, Mai Ổ, Ngâm Mặc cung tiền vào việc xây dựng Từ vũ.
Tóm lại tấm bia đá ở Từ vũ tổng Đại Toán là nguồn tư liệu Hán Nôm có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về các vị Tiến sĩ, Hương cống người tổng Đại Toán. Văn bia còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tên húy, tên thụy hiệu, chức tước của 3 vị Quận Công họ Nguyễn Đức được phong tước Đại Vương. Tấm bia góp phần vào công tác trưng bày, giới thiệu về truyền thống võ lược vẻ vang của gia tộc Nguyễn Đức nói riêng và xứ Bắc Ninh – Kinh Bắc nói chung tại Bảo tàng tỉnh./.
Nguyễn Văn An- Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác
Báo Người cùng khổ (Le Paria) 28-07-2023
BỨC THƯ BÁC HỒ GỬI THIẾU NIÊN HỢP TÁC XÃ MĂNG NON THÔN PHÚ MẪN 21-07-2023
Hũ gạo tiết kiệm 07-07-2023
Áo lụa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng AHLLVTND Vương Văn Trà 23-06-2023
Hiện vật Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” 15-07-2022
CHÂN TẢNG ĐÁ CHÙA PHẬT TÍCH LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH 30-05-2022
PHÁT HIỆN TẤM BIA “PHỤNG SỰ BI KÍ” DI VĂN CỦA TIẾN SĨ ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG 26-05-2020
CHIẾC KHÁNH ĐÁ NIÊN ĐẠI THỜI NGUYỄN TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH 24-10-2019
CHIẾC CHẬU HOA BẰNG ĐÁ THẾ KỶ XVIII Ở ĐỀN HỒI NGUYÊN ĐƯỜNG 23-09-2019