PHÁT HIỆN TẤM BIA “PHỤNG SỰ BI KÍ” DI VĂN CỦA TIẾN SĨ ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG
Trong khuôn viên trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh dựng tấm bia đá “Phụng sự bi kí” mang ký hiệu BTBN - 1243 khá lớn. Tấm bia này có nguồn gốc từ đình làng Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Điều đặc biệt đáng chú ý là nội dung văn bia do Tiến sĩ Đặng Đình Tướng soạn dưới thời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696).
Đặng Đình Tướng (1649 – 1735) người xã Lương Xá, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam (nay thuộc làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Ông là cháu 5 đời của Thái úy, Nghĩa Quốc công Đặng Huấn (hậu duệ Đặng Dung), và là con của Yên Quận công Đặng Tiến Thự (được ban tên là Trịnh Liễu). Đặng Đình Tướng thi đỗ giải nguyên năm 21 tuổi (1669), sau đó lại đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1670) đời vua Lê Huyền Tông. Vốn là dòng dõi công thần, Đặng Đình Tướng được chúa Trịnh để ý. Năm 1697, ông làm Phó sứ sang Trung Quốc cống nhà Thanh. Năm 1705, ông được phong làm Bồi tụng, Tả Thị lang bộ Lại, tước Nam.
Năm 1705, chúa Trịnh Căn thấy Đặng Đình Tướng biết việc quân sự, bèn đổi sang làm Đô đốc ra trấn thủ Sơn Nam, tước Ứng Quận công. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần Bản kỷ tục biên (1676 – 1740), có đoạn viết: “Ất Dậu, [Chính Hòa], năm thứ 26 [1705]… Tháng ba nhuận, sai Bồi tụng Đặng Đình Tướng làm Trấn thủ Sơn Nam. Từ khi Đình Kiên mất, đã từ lâu triều đình khó tìm được người thay thế. Chúa [Trịnh] thấy Đình Tướng là người có tâm cơ, biết việc binh, bèn đổi Tướng từ Tả Thị lang sang Đô đốc, cho ra trấn thủ ở ngoài, [và] ban tước Quận công…”. Về sau, ông lại được đổi làm Tả Thị lang ở phủ Đô đốc Tây quân, gia thăng Thiếu phó, Tá lý công thần, được mở dinh ở quân Tiền Hòa. Năm 1718, ông được thăng làm Thái phó, tham dự triều chính. Sau đó vì tuổi cao, ông được lên làm Quốc lão và nghỉ hưu. Năm 1730, chúa Trịnh Giang nhớ công lao của ông, mới đặc cách thăng lên làm Ngũ lão, sau đó lại cử ông ra giữ việc ở phủ Đô đốc.
Bấy giờ, chúa Trịnh Giang mới lên ngôi chúa. Đặng Đình Tướng dâng lên 8 thiên “Thuật cổ quy huấn”, nói về những điều khuyên răn và xin chúa Trịnh ban cho thế tử. Trịnh Cương khen ngợi ông và thỉnh thoảng mời ông vào phủ bàn việc. Lúc đó ông đã 82 tuổi, được gia phong làm Đại tư mã, rồi về hưu lần thứ hai.
Năm 1735 đời Lê Thuần Tông và chúa Trịnh Giang, Đặng Đình Tướng qua đời, thọ 87 tuổi. Ông được truy tặng là Đại tư không, phong làm phúc thần.
Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau: “Ông tuổi trẻ làm quan, lên đến ngôi cao quý vẻ vang. Trong khoảng gần 70 năm là một bậc kỳ cựu trải qua mấy triều, công danh phẩm giá hơn cả các quan. Người đương thời gọi ông là “Tiên quốc lão”. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần Bản kỷ tục biên (1676 – 1740), cũng đã có lời khen rằng: “…Đình Tướng là người giản dị, rộng rãi, ôn hòa, nên dân được yên”.
Tiến sĩ Đặng Đình Tướng để lại nhiều di văn hiện còn tồn tại đến đến ngày nay. Ngoài bộ “Chúc Ông phụng sứ tập”, “Thuật cổ quy huấn” và cuốn gia phả “Đặng tộc đại tông phả” được chính ông viết tiếp vào năm 1686… Đặc biệt vào tháng 4/2020 trong quá trình nghiên cứu hệ thống văn bia trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chúng tôi tình cờ phát hiện ra tấm bia “Phụng sự bi kí” (Bia ghi chép việc phụng thờ) do chính Tiến sĩ Đặng Đình Tướng là người soạn nội dung. Tấm bia hình trụ tứ diện được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, kích thước khá lớn cao 175cm, rộng 64cm, đỉnh bia tạo dáng kiểu mái long đình (riêng phần búp sen đã bị vỡ), trán bia chạm nổi đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”, diềm bia trang trí chim, hoa cúc dây, cánh sen, vân mây, đao lửa. Lòng bia 4 mặt đều khắc chữ Hán thể chân phương còn khá rõ nét, tất cả khoảng hơn 1200 chữ. Nội dung chính cho biết tại phường Nam, xã Lạc Nhuế, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn khắc bia ghi chép sự việc phụng thờ vị Thực nghĩa hầu người họ Nguyễn làm hậu thần tại đình làng. Phần đầu văn bia ca ngợi công ơn to lớn của ông đối với dân làng, đoạn mở đầu viết: “… Kính nghĩ: Tư Thái giám thiên Thái giám quản kim ngô vệ tri Thị nội thư Tả hộ phiên Thực nghĩa hầu Nguyễn Công(1) sinh ra đã vốn thông minh, được thừa hưởng nền nhân do tổ tông tích lũy bồi đắp, ngắm nhìn cảnh thanh bình trong trời đất. rồng mây gặp gỡ, ân nghĩa vô bờ. Nhân giúp việc cơ mật bên trong, chinh chiến dẹp giặc bên ngoài. Đồng kim ngô vệ sĩ tri thư tả hộ phiên đầu tiên được phong Đề điểm, sau được thăng Đồng tri, trải nắm chức Thái giám tước lớn, trật cao, bổng lộc hậu hĩ, ơn huệ càng nhiều. Nhà vinh hiển, gia thất thơm tho. Phu nhân Trịnh Thị Nghi là con nhà dòng dõi khuê môn nổi tiếng, thực là phượng hoàng phơi phới vui vẻ ấm êm. Sân đình vui vẻ, ân huệ khắp nơi. Đại phàm được hưởng sóng thừa, ánh sáng thừa ai mà không mến mộ. Bản phường từ lâu được đội ơn, đã báo đền sâu sắc. Cùng nhau nói rằng: ông đối với chúng ta như cây kiều mộc đã lụi, nhưng ơn trạch to lớn vẫn ngấm dần dần. Nhận quả đào báo trả lại quả mận, từ cổ xưa vẫn như vậy… nay ông lại ban ân huệ cho 13 thửa ruộng tốt, 1 con lợn, 100 quan tiền sử để thành công việc, ấp vui vẻ làm giải vũ, dựng bia đá, làm bài kí để ghi lại sự thực này…”
Phần sau cho biết văn bia được dựng vào ngày lành, tháng trọng xuân (tháng 2) năm Chính Hòa thứ 17 (1696). Người soạn nội dung là Đặng phủ(2) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1670), giữ chức Hoằng tín đại phu, Bồi tụng Thái bộc tự khanh, Tri thủy sư thự trung thư giám, quê ở xã Lương Xá, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam.
Vị họ Lê(3), đỗ khoa Ất Mão, giữ chức Thư toán ưu phần, sung Thị nội thư Tả hộ phiên cai hợp, tước Như khê tử, người xã Châu Khê, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng viết chữ.
Bùi Công Nho người Gia Đức, huyện Thủy Đường khắc chữ.
Tấm bia “Phụng sự bi kí” chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Tấm bia góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc đá vào thời Lê Trung Hưng còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Đối với Tiến sĩ Đặng Đình Tướng đây là lần đầu tiên phát hiện nội dung văn bia do ông soạn hiện còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra bài văn bia này là di văn quý hiếm của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Đặng ở làng Lương Xá có nhiều nhân tài nổi tiếng trấn Sơn Nam dưới triều Hậu Lê. Văn bia còn cung cấp thêm nhiều thông tin chính xác về khoa danh, chức tước, địa vị của Tiến sĩ Đặng Đình Tướng ở kinh thành Thăng Long vào giai đoạn cuối thế kỷ XVII./.
Chú thích:
– (1): tức Nguyễn Diên Thọ
– (2): tức Tiến sĩ Đặng Đình Tướng (1649 – 1735)
– (3): trong văn bia chỉ ghi họ chưa rõ tên vị này
Nguyễn Văn An- Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác
Báo Người cùng khổ (Le Paria) 28-07-2023
BỨC THƯ BÁC HỒ GỬI THIẾU NIÊN HỢP TÁC XÃ MĂNG NON THÔN PHÚ MẪN 21-07-2023
Hũ gạo tiết kiệm 07-07-2023
Áo lụa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng AHLLVTND Vương Văn Trà 23-06-2023
Hiện vật Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” 15-07-2022
CHÂN TẢNG ĐÁ CHÙA PHẬT TÍCH LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH 30-05-2022
Từ vũ tổng Đại Toán và tấm bia đá ghi khắc về ba vị Quận Công họ Nguyễn Đức 11-03-2021
CHIẾC KHÁNH ĐÁ NIÊN ĐẠI THỜI NGUYỄN TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH 24-10-2019
CHIẾC CHẬU HOA BẰNG ĐÁ THẾ KỶ XVIII Ở ĐỀN HỒI NGUYÊN ĐƯỜNG 23-09-2019