CHÂN TẢNG ĐÁ CHÙA PHẬT TÍCH LƯU GIỮ TẠI
BẢO TÀNG BẮC NINH
Trong khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh hiện nay đang trưng bày chân tảng đá chùa Phật Tích. Đây là hiện vật ghi dấu ấn lịch sử của ngôi cổ tự, đại danh lam thắng cảnh thời Lý- chùa Phật Tích.
Chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) thuộc địa phận thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Chùa nằm trên dãy núi Phật Tích (hay còn gọi là núi Lạn Kha) với phong cảnh “Sơn thủy hữu tình” đã trải qua những thời kỳ hưng thịnh, rực rỡ từ buổi đầu kỷ nguyên độc lập của dân tộc. Tấm bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” khắc năm Chính Hòa 7 (1686) cho biết chùa do vị vua thứ 3 nhà Lý xây dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057). Chùa được đại trùng tu tôn tạo nhiều lần dưới triều Lê - Nguyễn. Khu đại danh lam thắng cảnh này đã bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn vào năm 1947 chỉ còn trơ lại nền móng.
Chùa hiện nay đã được trùng tu, tôn tạo lại với quy mô to lớn gồm nhiều hạng mục kiến trúc như: tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách, nhà tăng… Đặc biệt tại chùa Phật Tích còn lưu giữ nhiều cổ vật có niên đại thời Lý như: bảo vật quốc gia tượng phật Adiđà, hệ thống tượng linh thú, gạch “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”, chân tượng bằng đá xanh trạm trổ tinh xảo, tượng đầu người mình chim, đầu rồng, đầu phượng, vịt đất nung, gạch ngói, tháp đất nung… cùng với nhiều cổ vật có niên đại Lê - Nguyễn khác như: bia đá khắc năm 1686, 1891, khu vườn tháp cổ….
Chân tảng đá hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh
Năm 2015, trong quá trình sưu tầm tài liệu, hiện vật ở thôn Phật Tích cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh đã phát hiện tại khuôn viên gia đình bà Nguyễn Thị Thực có lưu giữ một chân tảng đá của chùa Phật Tích. Theo bà Thực cho biết, chân tảng đá này nằm trên khu vực đất nhà bà đã khá lâu, có thể do trước đây mưa lớn làm cho khu vực núi chùa bị lở khiến chân tảng đá này đã lăn xuống địa phận của gia đình bà.
Theo nhận định ban đầu, chân tảng này có niên đại tạo tác thời Lý (TK XI), làm bằng đá sa thạch màu xám vàng có kích thước dài 73cm, rộng 70cm, dày 27cm. Bề mặt bên trên chân tảng hình vuông chạm nổi một vòng tròn lớn với đường kính 46cm, xung quanh trang trí 16 cánh sen kép, cánh sen mập mạp, có độ dài trung bình 10cm, rộng 9cm, cánh sen để trơn không trang trí hoa văn. Đây là hiện vật có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học góp phần phục vụ khách tham quan, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh.
Trần Thị Thủy
Phòng Kiểm kê- Bảo quản
Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác
Báo Người cùng khổ (Le Paria) 28-07-2023
BỨC THƯ BÁC HỒ GỬI THIẾU NIÊN HỢP TÁC XÃ MĂNG NON THÔN PHÚ MẪN 21-07-2023
Hũ gạo tiết kiệm 07-07-2023
Áo lụa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng AHLLVTND Vương Văn Trà 23-06-2023
Hiện vật Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” 15-07-2022
PHÁT HIỆN TẤM BIA “PHỤNG SỰ BI KÍ” DI VĂN CỦA TIẾN SĨ ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG 26-05-2020
Từ vũ tổng Đại Toán và tấm bia đá ghi khắc về ba vị Quận Công họ Nguyễn Đức 11-03-2021
CHIẾC KHÁNH ĐÁ NIÊN ĐẠI THỜI NGUYỄN TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH 24-10-2019
CHIẾC CHẬU HOA BẰNG ĐÁ THẾ KỶ XVIII Ở ĐỀN HỒI NGUYÊN ĐƯỜNG 23-09-2019