Hũ gạo tiết kiệm

         Hũ gạo tiết kiệm là một trong gần 300 tài liệu, hiện vật đang được trưng bày trong chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh”. Hiện vật là một minh chứng lịch sử sinh động cho phong trào “nhường cơm sẻ áo” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động nhằm đầy lùi nạn đói trong giai đoạn khó khăn khi nước ta mới giành được chính quyền.

        Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta đã trở thành một nước độc lập. Chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài”, ngân khố cạn kiệt, đặc biệt là nạn đói hoành hành.… tất cả đều đe dọa đến sự tồn vong của đất nước. Trước tình hình đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách trong đó quan trọng nhất là giải quyết nạn đói. Ngày 28/9/1945, Bác Hồ viết bài kêu gọi “sẻ cơm nhường áo” đăng trên tờ Cứu quốc: “Hỡi đồng bào yêu quý, từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào”.

        Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã tích cực tổ chức phong trào quyên góp,  “Ngày đồng tâm” , “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Hũ gạo kháng chiến” được phát động mạnh mẽ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch và phong trào “nhường cơm sẻ áo” của địa phương, gia đình bà Trần Thị Quýnh (khu Chương Xá, phường Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã dùng “Hũ sành” của gia đình làm “Hũ gạo tiết kiệm” từ năm 1946 đến năm 1947. Hũ có màu nâu, chất liệu sành, cổ cao, miệng loe, cao 25,5cm, chu vi thân 64cm, nặng 2,1kg. Bà Quýnh cho biết, mỗi ngày đến bữa thổi cơm, gia đình bà lại bớt một nắm gạo bỏ vào trong hũ, mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 2- 2,5 kg gạo, sau một thời gian, gia đình bà đã tiết kiệm được hàng chục kilôgam gạo để cứu giúp người nghèo đói, khó khăn góp phần đẩy lùi nạn đói đang hoành hành tại địa phương.

Hũ gạo tiết kiệm của gia đình bà Trần Thị Quýnh (khu Chương Xá, phường Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

Du khách thích thú khi nghe cán bộ thuyết minh kể chuyện về “Hũ gạo tiết kiệm” tại Bảo tàng Bắc Ninh

        Hũ gạo tiết kiệm là hiện vật có giá trị lịch sử, minh chứng sinh động về một giai đoạn lịch sử khó khăn của nhân dân Việt Nam nói chung và của người dân Bắc Ninh nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó tiếp tục bồi đắp tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ khi đến tham quan trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng. 

 

Ngày đăng: 07-07-2023
Phòng Nghiệp vụ

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website