Tổ hợp tên lửa S-75M và Xe Anten Radar P12V trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh

Trong không gian trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang trưng bày rất nhiều hiện vật thể khối lớn, độc đáo và tiêu biểu. Trong đó phải kể đến tổ hợp tên lửa S-75M và xe ăngten Radar P12V. Đây là một loại phương tiện và vũ khí chiến tranh có vai trò chủ chốt trong thế trận phòng không nhân dân của Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

1. Tên lửa S-75M (thường được gọi là SAM2) là loại tên lửa đất đối không tầm cao được điều khiển bằng Rađa 3 tác dụng do Liên Xô sản xuất vào năm 1957. Năm 1965, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 54 quả tên lửa SAM2 cùng toàn bộ khí tài, trang bị kỹ thuật kèm theo để thành lập 2 Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việt Nam đã cử sĩ quan đến Liên Xô để học về hệ thống tên lửa phòng không S-75M, đồng thời xây dựng 10 trung tâm huấn luyện Lực lượng Phòng không Quốc gia (PVO-Strany) ở miền Bắc Việt Nam, trở thành nòng cốt của các Trung đoàn tên lửa phòng không. Trung đoàn Tên lửa phòng không có thể tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng với các cụm lực lượng phòng không và không quân khác để bảo vệ các trung tâm chính trị, kinh tế, cụm lực lượng vũ trang và các mục tiêu quan trọng khác của đất nước.

Các cháu học sinh mầm non rất hào hứng khi đi tham quan Tên lửa và Xe ăngten Rađa tại Bảo tàng Bắc Ninh

Trong kháng chiến chống Mỹ, tổ hợp tên lửa S-75M này được giao cho Tiểu đoàn 18, Sư đoàn Phòng không 365 sử dụng để bảo vệ các mục tiêu cố định là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu dân cư, các căn cứ quân sự, sở chỉ huy cố định và các yếu địa khác. Ngày 24/7/1965, bộ đội tên lửa Việt Nam lần đầu ra quân, bắn rơi máy bay F-4C xâm phạm bầu trời miền Bắc tại Sơn Tây. Các mảnh văng từ hai quả tên lửa cũng làm hư hại 3 chiếc máy bay F-4 khác. Chiến thắng này mở đầu cho chuỗi thành tích chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tên lửa phòng không được mệnh danh là “Rồng lửa Thăng Long” đã giáng cho kẻ địch những đòn chí mạng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

 Cấu tạo tên lửa S-75M gồm 2 phần chính là bệ phóng tên lửa và đầu đạn cùng các thành phần hỗ trợ khác. S-75M sử dụng là loại đầu đạn 2 tầng V-750. Tầng đầu là động cơ phóng sử dụng nhiên liệu rắn và tầng tiếp theo là động cơ chính để duy trì quỹ đạo sử dụng nhiên liệu lỏng. Tầng động cơ phóng được lắp bốn cánh tam giác lớn dùng để điều khiển chống xoay tròn. Tiếp theo là khớp nối tầng với cụm 4 cánh hình tam giác nhỏ hơn nằm gần giữa thân. Tầng động cơ chính cũng có 4 cánh hình tam giác lớn hơn tầng đầu, cùng lúc vừa làm nhiệm vụ chống xoay tròn, vừa làm nhiệm vụ lái đạn. Khi khởi động, động cơ hoạt động trong khoảng 4-5 giây và duy trì trong khoảng 20 giây.

Đạn có tầm bắn tối đa 45 km, độ cao bay diệt mục tiêu 25 km, có khả năng đánh chặn mục tiêu bay thấp 400m, bán kính tiêu diệt 65m – 250m. Các đầu đạn tên lửa được dẫn đường bằng tín hiệu điều khiển radio từ các máy tính dẫn đường ở trận địa. Các đầu nổ của đạn V-750 được lắp hai hệ thống ngòi nổ: hệ thống ngòi nổ sát thương và hệ thống ngòi nổ tự hủy. Hệ thống ngòi nổ tự hủy có chế độ tự động và chỉ được kích hoạt ở độ cao trên 23 km khi ngòi nổ sát thương không hoạt động. Ở độ cao dưới 1.000 m, ngồi nổ tự hủy hoàn toàn không hoạt động.

Tên lửa SAM-2 thường sử dụng radar cảnh báo sớm Spoon Rest với tầm hoạt động khoảng 275 km. Radar Spoon Rest cung cấp thông tin thám sát sớm về máy bay đang tới và sau đó chuyển nó cho radar thu nhận Fan Song. Những radar Fan Song có tầm hoạt động khoảng 65 km (40 dặm), gồm hai ăng ten hoạt động ở các tần số khác nhau, một cung cấp thông tin về độ cao, tốc độ và chiếc kia thu thập thông tin về góc phương vị của máy bay địch. Trụ sở Trung đoàn tên lửa cũng có một radar Spoon Rest, và một radar tầm xa băng C Flat Face và thiết bị dò tìm cao độ Side Net. Thông tin từ các radar này được gửi từ Trung đoàn xuống những người điều khiển radar Spoon Rest tại các Tiểu đoàn để cho phép họ phối hợp tìm kiếm sau đó mới chuyển tín hiệu đến tên lửa S-75M để bắn vào các mục tiêu.

Tổ hợp tên lửa S-75M trở nên nổi tiếng khi lần đầu tiên bắn hạ một chiếc máy bay do thám U-2 của CIA do thám trên không phận của Liên Xô vào năm 1960. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, S-75M đã bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc, bắn rơi hàng trăm máy bay địch, trong đó có “Pháo đài bay B-52 – niềm tự hào của Không quân Mỹ, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.

2. Xe ănten Ra đa P12V là một hệ thống thiết bị sử dụng để thực hiện nhiệm vụ dò tìm phát hiện các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển để phối hợp với các đơn vị phòng không tiêu diệt các khí cụ bay của đối phương ở trên không. Với những tính năng trên, ra đa được gọi nôm na là “mắt thần cảnh giới” hay “kính chiếu yêu”.

Ở Việt Nam, Binh chủng Ra đa được thành lập ngày 23/3/1967 là một trong 8 binh chủng của Quân chủng Phòng không Không quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đơn vị này có nhiệm vụ dò tìm các mục tiêu xâm phạm vùng trời, vùng biển – hải đảo và vùng lãnh thổ Việt Nam để kịp thời thông báo cho các lực lượng phòng vệ như biên phòng, không quân và hải quân ngăn chặn đúng lúc, bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Một trong những sự kiện trọng đại đánh dấu sự ra đời, trưởng thành của lực lượng Ra đa phòng không Việt Nam là, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đúng 00 giờ 00 ngày 1/3/1959, các trắc thủ thuộc Trung đoàn Ra đa 260 nhận lệnh mở máy phát sóng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Việt Nam cảnh giới quản lý bầu trời Tổ quốc bằng sóng Ra đa. Và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội Ra đa phòng không Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chiếc xe ăngten Ra đa P12V này được giao cho đơn vị Ra đa 24 sử dụng để chống nhiễu điện từ, xác định các mục tiêu, giúp tên lửa S-75M tiêu diệt các phương tiện, vũ khí, sở chỉ huy của địch. Sau chiến tranh, xe ăngten ra đa P12V được chuyển về sư đoàn Phòng không 365 và năm 2011 Bộ Quốc phòng đã trao tặng 2 thiết bị này cho Bảo tàng Bắc Ninh phục vụ công tác trưng bày.

Ngày đăng: 09-05-2019
An Ngọc – Phòng Trưng bày Thuyết minh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website