BỆ TƯỢNG PHẬT TRANG TRÍ CÁNH SEN Ở CHÙA DẠM

Chùa Dạm (còn có tên chữ là Đại Lãm tự, Thần Quang tự) được xây dựng ven sườn núi phía Nam của dải núi Dạm, thuộc địa bàn khu Tự Thôn, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh; cách trung tâm thành phố khoảng 7 km và nằm vị trí phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Ninh. Đây vốn là trung tâm Phật giáo lớn và cũng là một trung tâm của thần thoại, cổ tích, dân ca và lễ nghi tín ngưỡng. Chùa Dạm được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số 29 -VH/QĐ ngày 13/01/1964.

Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi nhà Lý - Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa, và cho khởi công xây dựng từ năm 1086 - 1094, được coi là “Trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước Đại Việt”.  Năm sau, 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Sau gần mười năm xây dựng, năm 1094 chùa Dạm mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu ruộng tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và các gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng - mở cửa chùa. Năm 1105, lại xây ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn. Khi ấy, chùa có quy mô vô cùng nguy nga theo kiểu “chùa trăm gian”. Dấu tích của  quy mô nền móng chùa thời Lý có chiều dài 120m, rộng 70m, tổng cộng diện tích ngôi chùa lên đến 8.400m2. Bên dưới 4 lớp nền được bó ghép bằng đá tảng, mỗi viên có kích thước 50x60cm được đặt choãi chân, chếch khoảng 700 và cao 5 - 6m. Dân gian lưu truyền, ngôi chùa lớn đến mức triều đình phải cắt cử 7 gia đình chuyên trông coi, đóng mở cửa chùa. Sau ngày Rằm hàng tháng, muốn đóng hết cửa chùa phải bắt đầu từ tối đến lúc trăng lên cao mới xong.

Từ năm 2011 đến năm 2014, để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và công tác trùng tu, tôn tạo, phục hồi khu di tích chùa Dạm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tổng thể khu di tích chùa Dạm có diện tích hơn 6000m2 trên cả 4 cấp nền. Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tổng thể chùa Dạm của Viện Khảo cổ học đợt này cho thấy: Tại cấp nền 4 (cấp nền cao nhất có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan) với diện tích khai quật là 1242m2 (không kể diện tích bờ kè đá 204,8m2) đã phát hiện được dấu vết nền móng của một hệ thống công trình kiến trúc liên hoàn có niên đại thời Lý bao gồm một kiến trúc chính ở trung tâm cấp nền và hai kiến trúc nhỏ hơn ở hai phía Đông và Tây đóng vai trò như hai hành lang Đông - Tây dẫn vào kiến trúc trung tâm. Các dấu tích này cho phép hình dung được cấu trúc mặt bằng tổng thể của toàn bộ kiến trúc trên cấp nền 4.

Tương tự như cấp nền 4, kết quả khai quật khảo cổ ở các cấp nền 1, 2, 3 cũng được phân tích theo cấu tạo địa tầng, di tích và di vật. Về cấu tạo địa tầng, cơ bản các cấp nền có sự tương đồng, phủ lên trên những dấu vết kiến trúc thời Lý là lớp vật liệu kiến trúc thời Lý - Trần và trên đó lại là những lớp văn hóa muộn hơn thời Lê, Nguyễn và hiện đại. Ở một số khu vực có sự đan xen, cắt phá của hoạt động thời sau vào lớp văn hóa Lý, Trần. Dự đoán, các cấp nền 1, 2, 3 có thể có cấu trúc cơ bản như cấp nền 4. Nghĩa là, sẽ bao gồm một kiến trúc trung tâm ở giữa và hai kiến trúc mở ở hai bên. Hiện đã phát hiện tương đối rõ ràng dấu vết của hai công trình kiến trúc phía Đông và phía Tây thuộc cấp nền 2, 3.

Dựa vào dấu vết kiến trúc phát hiện qua đợt khảo cổ lần này có thể đưa ra một vài nhận định về lịch sử kiến trúc chùa Dạm là: Thời Trần vẫn sử dụng những công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Lý nhưng có trùng tu, xây dựng lại. Đến cuối thời Trần đầu thời Lê sơ, những dấu vết kiến trúc thời Lý không còn nữa với bằng chứng qua tài liệu phân tích địa tầng. Mặt bằng kiến trúc thời Lý được phủ lên bởi một lớp vật liệu kiến trúc thời Trần là chủ yếu lẫn một số mảnh vật liệu kiến trúc thời Lê Sơ. Đến thời Lê Trung Hưng với sự phục hưng của phật giáo, chùa Dạm được trùng tu xây dựng lại nhưng thu nhỏ hơn về quy mô và chủ yếu tập trung ở các cấp nền. Số lượng di vật thu được ở các cấp nền là rất lớn, loại hình phong phú, đa dạng và được xếp vào ba nhóm cơ bản là: Vật liệu kiến trúc, đồ gốm, sứ, sành và đồ kim loại…           

                       Bệ tượng Phật chạm đài sen hiện đang trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh                                                        

Bệ tượng Phật chạm đài sen hiện đang trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh có nguồn gốc từ chùa Dạm vốn được đặt ở tòa Tam bảo của chùa trước khi hạ giải phục vụ khai quật khảo cổ học tổng thể. Bệ tượng hình trụ tròn, kích thước cao 29cm, đường kính mặt 66cm, đường kính đáy 43cm được chế tác bằng đá sa thạch nguyên khối màu vàng xám. Thành xung quanh bệ tượng chạm nổi 3 tầng cánh sen xếp so le nhau, xen kẽ các cánh sen to có các cánh sen nhỏ, bên ngoài viền cánh sen trang trí đường chỉ khắc sâu xuống đá, bên trong lòng cánh sen để mộc không trang trí hoa văn. Căn cứ vào mô típ hoa văn, cách thức trang trí cho thấy bệ tượng Phật này có niên đại vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Tuy nhiên chất liệu đá tạo tác thành bệ tượng Phật là loại đá được sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc thời Lý (thế kỷ XI - XII), bệ tượng Phật này được người xưa “tận dụng” từ vật liệu còn lại của thời Lý, có thể là “chân tảng kê cột” để tạo tác thành bệ tượng Phật!

Năm 2014, bệ tượng Phật cùng toàn bộ hiện vật khai quật khảo cổ học của chùa Dạm đưa về lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng. Trong đó, bệ tượng Phật được trưng bày tại không gian ngoài trời của Bảo tàng và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh. Hiện vật là di sản văn hóa độc đáo, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của chùa Dạm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc./.

Ngày đăng: 01-04-2025
Lê Hồng Ngân (Phòng Hành chính - tổng hợp)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website