Quán tẩy đá thế kỷ XVIII ở lăng Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn
Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn người làng Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông là một võ quan cao cấp dưới triều Lê Trung Hưng, lập nhiều công lao to lớn trong việc bảo vệ triều đình và đất nước trước bối cảnh rối ren, loạn lạc thời vua Lê Hiển Tông trị vì (nửa cuối thế kỷ XVIII). Trong suốt thời gian làm quan và khi nghỉ hưu tại quê nhà, ông luôn ban tiền của, ruộng đất, giúp nhân dân sửa sang đền chùa, duy trì và mở mang tập tục, hội lệ. Sau khi mất Nguyễn Đình Diễn được phối thờ làm hậu thần ở đình làng Đình Cả và một số làng khác thuộc tổng Nội Duệ.
Nội dung văn bia “Hồng Vân từ ký” dựng ở lăng Nguyễn Đình Diễn đặt trên núi Hồng Vân vào năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769) cho biết: Ông là người nhân từ, giàu lòng quảng ái và sùng đạo Phật, ông cúng 100 quan tiền và 3 mẫu đất cho chùa Hồng Ân để dùng vào việc làm phúc và sửa chữa chùa. Chính vì vậy, ông đã được toàn bản tổng suy bảo làm hậu Phật và tạc tượng thờ ở chùa Hồng Ân. Cũng theo văn bia, các làng trong tổng Nội Duệ xưa thờ Nguyễn Đình Diễn là Đình Cả, Nội Duệ, Duệ Đông, Duệ Khánh, Lũng Sơn, Lũng Giang.
Hằng năm, vào ngày 14 tháng 7, là ngày giỗ cụ Nguyễn Đình Diễn, con cháu trong dòng họ cùng tập trung tề tựu đông đủ tại đền thờ để ôn lại truyền thống vẻ vang của gia tộc. Ngoài ra, vào ngày 13 tháng Giêng (hội làng), nhân dân Đình Cả còn sửa lễ vật (xôi, gà, rượu) vào đền thờ làm lễ, rồi sau tổ chức rước từ đền thờ về đình làng nơi cụ được thờ làm hậu thần để tế lễ mở hội, xong hội mới rước bình hương về an vị tại nhà thờ. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm kéo dài từ ngày 10 đến hết ngày 16 tháng Giêng. Trong ngày hội, nhiều trò vui được tổ chức, nhất là hát Quan họ giữa các Quan họ bạn với nhau. Riêng ở Đình Cả, có tục cướp chiếu và tế trâu thui trong dịp lễ hội khá độc đáo. Ngày nay, các lệ tục trên không còn nhưng lễ hội vẫn được duy trì, thể hiện lòng ngưỡng vọng và sùng kính của toàn dân Đình Cả và tổng Nội Duệ với các vị Thượng đẳng thần và đối với Tướng công Nguyễn Đình Diễn.
Đền thờ Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn được nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1994. Công trình thờ tự này nằm ở xóm Giữa, thôn Đình Cả được xây dựng từ thời Lê - Trịnh gồm 5 gian theo lối “đầu hồi bít đốc”, bộ khung nhà làm bằng gỗ lim, diện tích nền là (13.35m x 5.50m), vì kèo kẻ truyền giá chiêng, đa số các cấu kiện gỗ được bào trơn đóng bén. Trong đền thờ còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: 1 bức đại tự “Nguyễn đại vương từ” tạo tác năm Nhâm Tý (1912), 1 sập gỗ kiểu chân quỳ thời Hậu Lê, lư hương đá, hương án, ngai thờ… Đặc biệt là 1 cuốn gia phả ghi về thân thế cụ Nguyễn Đình Diễn như sau: Nguyễn Đình Diễn (còn gọi là cụ Trấn Thanh) làm quan Trấn thủ Thanh Hoá, chức Yến trị an tràng phủ, Đốc lĩnh Bình nhung Tướng quân, Chính thủ hiệu, Nội trấn Đô đốc đồng tri, tước phong Cảnh trung Hầu, gia phong làm Phụ quốc, vì có công đánh dẹp giặc trong cuộc khởi nghĩa nông dân do Lê Duy Mật lãnh đạo (1738 - 1770).
Ngoài đền thờ tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, lăng mộ Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn còn gọi là lăng Hồng Vân, được xây dựng năm 1769 dưới thời vua Lê Hiển Tông trên đồi Lim (ngày nay thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du). Lăng có hai khu vực trong và ngoài: Sinh từ, phần mộ, được xây dựng đăng đối theo một trục, chính giữa là đường thần đạo, hai bên có 2 dãy tượng (võ sĩ, nghê, ngựa, chó…). Trên trục chính có hương án đá, quán tẩy đá, ngai đá. Phần mộ phía sau là khu đất được đắp cao, xung quanh xây gạch. Nhà bia 2 bên có kết cấu kiểu nhà tháp với 2 tầng mái, 4 phía để trống. Khu lăng mộ vốn là công trình kiến trúc điêu khắc đá rất đồ sộ, nghệ thuật chạm khắc đẹp, nhưng bị tàn phá nặng nề vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay khu lăng mộ Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn đã được xây dựng lại nhưng quy mô không được như xưa, nhiều hiện vật đã bị thất lạc.
Quán tẩy đá niên đại thế kỷ XVIII ở lăng Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn hiện trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh
Đặc biệt, vào tháng 3/2014 trong quá trình xây dựng trạm BTS của Viettel ở phía sau khu vực nhà làm việc của Bộ chỉ huy quân sự huyện Tiên Du trên khu vực đồi Lim đã phát hiện ra chiếc Quán tẩy đá vốn được dựng ở lăng mộ của Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn. Quán tẩy nằm ở độ sâu cách mặt đất khoảng 1,5m, được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, hình trụ vuông kích thước cao 99cm, 4 cạnh rộng 36cm. Quán tẩy chia làm 3 phần: phần trên được khoét lõm sâu xuống tạo hình lòng chảo, phía sau có đục lỗ thoát nước, phần giữa thắt lại trang trí ô hình chữ nhật ở 3 mặt (trước và hai bên hồi), phần dưới được trang trí chạm khắc đường viền gờ chỉ nổi chạy xung quanh, bên trong ô thùng trang trí nổi vân mây xoắn hình lá đề. Qua kỹ thuật chế tác, trang trí hoa văn cho thấy chiếc Quán tẩy đá này có niên đại thời Lê Trung Hưng (khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII).
Quán tẩy theo tiếng Hán Nôm có nghĩa là cái giá để đựng chậu nước cho các viên chủ tế, bồi tế, chấp sự rửa tay trước khi hành tế. Đây là một trong những đồ vật không thể thiếu trong các buổi tế lễ ở đình làng. Quán tẩy thường được làm bằng gỗ, bề mặt sơn son thiếp vàng, trang trí đục chạm công phu tỷ mỉ, đề tài thường là tứ linh “long, ly, quy, phượng”, tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, hoa sen, dây lá cách điệu… Chiếc quán tẩy đá ở lăng Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn là di vật cổ tiêu biểu, độc bản (1) chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật. Hiện vật góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc trang trí các loại hình đồ thờ tự bằng đá niên đại thời Lê Trung Hưng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện còn tồn tại đến ngày nay.
Với những giá trị đặc biệt kể trên, ngày 8/4/2014 Bộ chỉ huy quân sự và Phòng Văn hóa thông tin huyện Tiên Du đã bàn giao lại chiếc Quán tẩy đá ở lăng Cảnh trung hầu Nguyễn Đình Diễn cho Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh lưu giữ phục vụ công tác trưng bày giới thiệu về di sản văn hóa của quê hương đất nước./.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Theo nhà nghiên cứu Lê Viết Nga cho biết: Quán tẩy đá là hiện vật gốc, độc bản lần đầu tiên phát hiện được ở lăng Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn, đây là địa điểm duy nhất trong hệ thống lăng đá thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) ở xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa (nay là 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) có loại hình hiện vật độc đáo này.
Nguyễn Văn An (Phòng Bảo tàng)
Các bài viết khác
Hệ thống văn bia tại Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh 02-04-2025
BỆ TƯỢNG PHẬT TRANG TRÍ CÁNH SEN Ở CHÙA DẠM 01-04-2025
Sưu tập rìu, giáo đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh 31-03-2025
ĐÈN ĐỒNG ĐÔNG SƠN 06-03-2025
ĐẦU RỒNG ĐẤT NUNG THỜI LÝ Ở CHÙA PHẬT TÍCH, XÃ PHẬT TÍCH, HUYỆN TIÊN DU 06-03-2025
Danh nhân Trương Hán Siêu và văn bia Khai Nghiêm bi ký 05-03-2025
Hệ thống tảng kê chân cột đình Đình Tổ, phường Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh 05-03-2025
Thuyền chải 25-02-2025
Lò gốm Đương Xá 25-02-2025
Mộ Hán 25-02-2025