BỘ TƯỢNG 10 LINH THÚ CHÙA PHẬT TÍCH

Bộ tượng 10 linh thú hiện lưu giữ tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự), thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6 theo quyết định số 2090/QĐ-TTg, ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ tượng linh thú gồm 5 cặp (mỗi cặp 2 con): Sư T, Voi, Trâu,Giác, Ngựa được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tiền đường của chùa Phật Tích. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo bậc nhất nước ta, được tạo tác từ một khối đá liền, duy có tác phẩm tượng Trâu dãy bên phải được ghép từ hai khối đá. Tất cả đều có cùng khung niên đại tạo tác vào thời Lý (thế kỉ thứ XI). Tượng thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, kích thước tương đối lớn được bài trí ở không gian ngoài trời. Phong cách tạo hình không thiên vào việc đặc tả chi tiết, chủ yếu chú trọng đến các mảng khối lớn, chắc, khỏe theo xu hướng tả thực, sinh động, toát lên vẻ gần gũi, vui hòa, an nhiên theo đúng tinh thần Phật giáo. Chủ đề sáng tác cũng rất độc đáo, tất cả các linh thú là những con vật có thực trong cuộc sống như: Trâu, Ngựa, Voi… những con vật rất đỗi quen thuộc với cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam.

Bộ linh thú này đều có trong tích nhà Phật, mang ý nghĩa bảo vệ và quy y Phật pháp: Sư Tử biểu trưng của sức mạnh, Voi được coi là sức mạnh tinh thần, Tê Giác biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát, Ngựa biểu tượng cho năng lượng và sức lực trong việc hành pháp, Trâu mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, t tại trong thế giới của Phật. Việc giải mã ý nghĩa biểu tượng linh thú gắn với thuyết “vật linh” của Phật giáo cho thấy nét đặc trưng tư tưởng triết học Phật giáo và sự phong phú về đề tài cũng như chủ đề sáng tác trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng, lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam nói chung.

Cặp tượng Sư Tử:

Cặp tượng Sư Tử có kích thước rất lớn cao 115cm, dài 170cm, rộng 90cm, được tạo tác bởi hai khối đá sa thạch gồm phần bệ sen và tượng.

Bệ sen có dáng khối hộp chữ nhật, chia thành ba cấp: dưới cùng trang trí lớp cánh sen úp gồm 30 cánh (cạnh dài 20 cánh, cạnh rộng 10 cánh; ở giữa thu hẹp lại và được trang trí nổi hình rồng uốn khúc uyển chuyển nối tiếp nhau; trên cùng là hai  lớp cánh sen chng lên nhau (cạnh dài 18 cánh, cạnh rộng 9 cánh).

Trên bệ sen là tượng Sư Tử liền khối, hai chân trước chống thẳng, hai chân sau quỳ như đang chầu phục. Đầu Sư Tnhìn về hướng lối lên tòa Tam bảo, cổ nghểnh cao, miệng há rộng như đang cười, mắt lồi, mũi nở, trán dô có khối tròn biểu tượng ngọc báu Mani, bờm tóc là những cuộn xoắn nổi hình dấu hỏi, ở các khuỷu chân có lông cuộn xoắn, phần đuôi liền với khối thân. Thân mình có khối tròn đầy đặn, không trang trí hoa văn và họa tiết, đường nét chủ yếu là những đường khắc rạch dải cuộn lượn cong ở phần râu, bờm.

Cặp tượng Voi:

Tượng Voi được làm bằng chất liệu đá sa thạch, kích thước lớn cao 117cm, dài 170cm, rộng 80cm, tạo tác theo lối tả thực, rất giống với thực tế trong tư thế quỳ phủ phục nằm trên bệ sen. Đầu voi hướng về phía trước, hai tai to rủ xuống cổ, trán dô, mắt mở to, vòi cuộn cong lại trước ngực, thân tượng tròn đều, không trang trí hoa văn.

Bệ hình hộp chữ nhật được tạo tác với ba cấp dưới cùng là một lớp cánh sen úp, phần cấp ở giữa được thu lại và trang trí nổi các hình rồng uốn khúc uyển chuyển nối tiếp nhau, cấp trên cùng trang trí hai lớp cánh sen tròn mập.

Theo thuyết nhà Phật: Voi là con vật biểu trưng cho sức mạnh tinh thần, đã quy y phật pháp.

Cặp tượng Trâu:

Cặp tượng Trâu được làm bằng chất liệu đá sa thạch (loại đá cát), có màu ghi xám. Tượng cao 114cm, dài 155cm, rộng 88cm thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, bài trí tôn tượng ở không gian ngoài trời, kích thước tượng tương đối lớn.

Về mặt tạo hình, tượng Trâu được ghép từ hai khối đá, có cấu trúc tổng thể gồm hai phần, bệ sen và phần thân tượng.

Bệ sen có dáng khối hộp hình chữ nhật, nằm ngang chia thành ba cấp: dưới cùng trang trí một lớp cánh sen úp gồm 30 cánh (cạnh dài 20 cánh, cạnh rộng 10 cánh; ở giữa hơi thu lại, trang trí nổi các hình rồng uốn khúc uyển chuyển nối tiếp nhau; trên cùng là hai lớp cánh sen xen kẽ nhau, mỗi lớp 27 cánh (cạnh dài 18 cánh, cạnh rộng 9 cánh).

Nằm trên bệ sen là tượng Trâu trong tư thế bốn chân quỳ nằm sát mặt bệ như đang chầu phục trang nghiêm. Đầu tượng nghểnh cao hướng về lối lên Tam bảo chùa, phần đuôi được tạo liền với khối thân. Thân tượng được tạo tác tròn đầy đặn, không trang trí hoa văn. Tượng Trâu được tạo hình theo khuynh hướng hiện thực, hình khối và đường nét đơn giản.

Cặp tượng Tê Giác:

Cặp tượng Tê Giác được làm bằng chất liệu đá sa thạch, màu ghi xám, tượng cao 114cm, dài 150cm, rộng 185cm thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, kích thước tượng tương đối lớn. Cũng tương tự như tượng Sư Tử, tượng Tê Giác được tạo tác bởi hai khối đá gồm phần bệ sen và phần thân tượng.

Bệ sen có dáng khối hộp hình chữ nhật với ba cấp: dưới cùng là một lớp cánh sen úp gồm 30 cánh (cạnh dài 20 cánh, cạnh rộng 10 cánh); ở giữa hơi thu lại, trang trí nổi các hình rồng uốn khúc uyển chuyển nối tiếp nhau; trên cùng là hai lớp cánh sen xen kẽ nhau, cạnh dài 18 cánh, cạnh rộng 9 cánh.

Nằm trên bệ sen là tượng Tê Giác trong tư thế quỳ phủ phục, đầu ngẩng cao, miệng khép, trên đầu có dấu vết vỡ của một sừng, phần đuôi liền với khối thân. Thân tượng tròn đầy đặn được phủ kín họa tiết hoa mai, các khối được tạo hình theo lối tả thực.

Cặp tượng Ngựa:

Cặp tượng Ngựa được làm bằng chất liệu đá sa thạch (loại đá cát), có màu ghi xám thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn.

Tượng cao 120cm, dài 160cm, rộng 70cm được tạo tác liền khối, có cấu trúc tổng thể gồm hai phần: phần bệ sen và phần thân tượng. Phần bệ sen có dáng khối hộp hình chữ nhật dẹt, nằm ngang, khối bệ chia thành ba giật cấp trong đó, dưới cùng là một lớp cánh sen úp (cạnh dài: 20 cánh, cạnh rộng: 10 cánh (tính cả cánh sen ở cạnh góc).

Phần giật cấp ở giữa thu lại và trang trí nổi các hình rồng uốn khúc uyển chuyển nối tiếp nhau. Giật cấp trên cùng là hai lớp cánh sen, mỗi lớp đều có (cạnh dài: 18 cánh và cạnh rộng: 9 cánh).

Trên phần bệ sen là tượng Ngựa liền khối, bốn chân quỳ gập nằm sát mặt bệ như đang chầu phục trang nghiêm trên tòa sen, đầu tượng không hướng cao mà quay đầu về hướng bậc lên, phần đuôi có hình dải cuộn nổi cao liền với khối thân. Thân mình có khối đầy đặn, đường nét chủ yếu là đường khắc rạch lượn cong mềm mại ở phần bờm. Tượng Ngựa được tạo hình theo khuynh hướng hiện thực. Về mặt kỹ thuật, tổng thể thân tượng Ngựa và phần bệ được tạo tác bằng tay thủ công, bề mặt mài nhn.

Theo các nhà nghiên cứu, việc đặt tượng các con vật này ở chùa Phật Tích thể hiện nét đặc trưng của tư tưởng triết học Phật giáo thời cổ, đó là phổ độ chúng sinh, giác ngộ muôn loài. Các linh thú ở chùa Phật tích đều có trong điển tích nhà Phật, mang ý nghĩa bảo vệ và quy y Phật pháp. Có thể nói, hệ thống tượng linh thú đá kết hợp với nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ cùng thời đã tạo nên nét cổ kính, độc đáo hiếm có của chùa Phật Tích.

Với những giá trị đặc biệt kể trên, bộ tượng linh thú chùa Phật Tích được phiên bản lại tỷ lệ 1/1 trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh, góp phần tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa độc đáo này đến công chúng khách tham quan trong nước và quốc tế./.

Ngày đăng: 11-04-2025
Nguyễn Văn An (Phòng Bảo tàng)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website