BỘ ĐÀI GỐM THỜI LÝ (THẾ KỶ XI - XII)
Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh hiện đang lưu giữ 22.382 tài liệu, hiện vật, trong đó có 16.418 hiện vật gốc, 163 hiện vật phục chế và 5.801 tài liệu (1.892 ảnh, phim, đĩa; 3.909 tư liệu gồm: hồ sơ di tích, sách báo, tạp chí, tài liệu...). Trong số này có 02 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia (Bia xá lợi tháp minh và mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh). Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị đang lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng. Một trong số các cổ vật, hiện vật tiêu biểu chính là bộ đài gốm tạo tác vào thời Lý (thế kỷ XI - XII).
Tổng thể mặt chính diện của Bộ đài
Bộ đài gồm hai phần: phần bệ và đài.
- Phần bệ: có kích thước cao 7,4cm, rộng 20cm, dài 26cm. Mặt trước với kỹ thuật đắp nổi hoa văn trang trí hình thủy ba sóng nước, mặt trên bệ trang trí cánh sen và vân mây, có 3 điểm tròn đặt 3 đài.
- Đài gốm có 3 chiếc hình tròn, có nắp, giữa nắp là một núm hình tròn xung quanh tạo hình cánh hoa cách điệu, vai có 4 tai, thân chia làm 11 múi có dáng quả bí ngô. Đài có kích thước cao 8cm, đường kính 9cm;
Nét đặc sắc nổi bật của bộ đài gốm được thể hiện thông qua đề tài trang trí: Hoa văn mặt chính hình sóng nước, mặt trên hoa văn cánh sen, vân mây phản ánh mỹ thuật Phật giáo thời Lý. Đồ án sóng nước uốn lượn theo hình “sin”, gồm các ngọn sóng lừng và sóng dải. Mỗi ngọn sóng có ba lớp to nhỏ bao nhau, mỗi lớp có ba tầng bởi những chỗ thắt gẫy của đường cong pa-ra-bôn, cuối thân sóng bẻ gấp cong vào tạo cho chân sóng thắt lại rồi uốn hơi cong lên để bắt sang chân sóng kế tiếp.
Bộ đài có giá trị nghiên cứu khoa học, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu dòng gốm thời Lý - một bằng chứng quan trọng về bước tiến đặc biệt trong lịch sử gốm cổ Việt Nam. Sở dĩ khẳng định bộ đài gốm có niên đại thế kỷ XI - XII không chỉ bởi dòng gốm men trắng ngà mà hình dáng, chất liệu, kỹ thuật chế tác, tô điểm men và hoa văn trang trí đều thể hiện rõ nét đặc trưng văn hoá thời Lý. Cách đây cả nghìn năm nhưng những người thợ gốm xưa đã sử dụng kỹ thuật nung một lần với nhiệt độ nung đạt từ 1.100 - 1.2000C. Sản phẩm gốm có độ chín đồng đều trên cả xương, men và màu, các dị tật cũng ít thấy đã chứng tỏ sự phát triển trong kỹ thuật sản xuất gốm thời Lý.
Căn cứ vào cấu trúc, hình dáng, kích thước, hoa văn trang trí được tạo tác công phu, tỷ mỷ bộ đài gốm được dùng trong việc thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo thời Lý. Đây là đồ dùng của tầng lớp quyền quý, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình (miếu/đường) hoặc đời sống tôn giáo (chùa) thời Lý. Trải qua các giai đoạn lịch sử sau, bộ đài gốm này có thể vẫn tiếp tục được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ nên mức độ bảo quản đến ngày nay còn rất tốt, đánh dấu một bước phát triển đỉnh cao của kỹ - mỹ - nghệ thuật sản xuất gốm thời Lý. Đây là bộ đài gốm độc đáo có giá trị kỹ, mỹ thuật cao - một sản phẩm gốm men trắng ngà đặc trưng thời Lý minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của dòng gốm cổ Việt Nam trên vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh góp phần phục vụ trưng bày chuyên đề “Cổ vật tiêu biểu thời Lý trên vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh ngàn năm văn hiến”.
Nguyễn Hồng Minh (Phòng Bảo tàng)
Các bài viết khác
Súng máy phòng không (súng cao xạ) 14.5mm 12-04-2025
BỘ TƯỢNG 10 LINH THÚ CHÙA PHẬT TÍCH 11-04-2025
Hệ thống văn bia tại Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh 02-04-2025
Quán tẩy đá thế kỷ XVIII ở lăng Cảnh trung Hầu Nguyễn Đình Diễn 02-04-2025
BỆ TƯỢNG PHẬT TRANG TRÍ CÁNH SEN Ở CHÙA DẠM 01-04-2025
Sưu tập rìu, giáo đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh 31-03-2025
ĐÈN ĐỒNG ĐÔNG SƠN 06-03-2025
ĐẦU RỒNG ĐẤT NUNG THỜI LÝ Ở CHÙA PHẬT TÍCH, XÃ PHẬT TÍCH, HUYỆN TIÊN DU 06-03-2025
Danh nhân Trương Hán Siêu và văn bia Khai Nghiêm bi ký 05-03-2025
Hệ thống tảng kê chân cột đình Đình Tổ, phường Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh 05-03-2025