Hệ thống sắc phong tại Bảo tàng Bắc Ninh

Bảo tàng Bắc Ninh là Bảo tàng khảo cứu địa phương, hiện lưu giữ hơn 20 nghìn tài liệu, hiện vật có giá trị phản ánh về mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh từ xưa đến nay. Trong số hàng nghìn tài liệu, hiện vật đó có 21 đạo sắc phong gốc, là nguồn tài liệu quí hiếm có giá trị về nhiều mặt, không chỉ là những hiện vật giàu tính khoa học, sắc phong còn phản ánh tín ngưỡng thờ thần của cư dân ở các địa phương, là hiện vật linh thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng làng xã.

Trong số các đạo sắc trên có 4 đạo được phong vào thời Lê và 17 đạo sắc phong vào thời Nguyễn, đều là sắc phong cho các vị Thành hoàng làng .

*Sắc thời Lê:

Sắc có niên đại “Chính Hòa tứ niên nhuận lục nguyệt nhị thập tứ nhật” (tức sắc phong ngày 24 tháng 6 nhuận năm Chính Hòa thứ 4 – 1683)

Sắc có niên đại “Vĩnh Thịnh lục niên bát nguyệt sơ thập nhât” (tức sắc phong vào ngày 10 tháng 8 năm Vĩnh Thịnh 6 – 1710)

Đây là hai đạo sắc phong cho Thành hoàng làng Lễ Xuyên (xưa thuộc tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn; nay là phường Đồng Nguyên, Thị xã Từ Sơn).

Sắc phong ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng 44 (1783). Đây là sắc phong cho Thành hoàng làng Lâm Thao (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài).

Sắc phong ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng 44 (1783). Đây là sắc phong cho Thành hoàng làng Trà Lâm, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành)

*Sắc thời Nguyễn:

Sắc phong ngày 20 tháng 12 năm Tự Đức 3 (1850) phong cho “Đông Hải” xã Vân Hợp, huyện Quế Dương (nay thuộc thôn Hai Vân, xã Vân Dương, thành phố Bắc Ninh)

Sắc phong ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880) phong sắc cho 5 vị thần ở Phương Vỹ xã, Vũ Giàng huyện, Bắc Ninh tỉnh (nay là thôn Phương Vỹ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh)

7 đạo sắc phong do các đời vua triều Nguyễn phong tặng cho tam vị Thành hoàng xã Hoàng Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành (nay là thôn Hoàng Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành). Sắc được phong vào các năm (1880, 1887, 1909, 1917 – 2 đạo, 1924 – 2 đạo)

Sắc phong ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) phong cho Thành hoàng làng Đình Kỳ thôn, Hương mạc xã, Đông Ngàn huyện, Bắc Ninh tỉnh (nay là thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn).

Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 – 1924: Cho 3 vị xã Hương Vinh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; 2 đạo sắc phong cho thánh Cao Sơn ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; sắc phong cho Thành hoàng làng Y Na, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh; sắc phong cho tướng Cao Lỗ tại đền Đại Than xã Cao Đức, huyện Gia Bình; sắc phong cho Thành hoàng làng Tĩnh Xá, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài; sắc phong cho 3 vị: Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát và Đông Hải) tại đền Vân Mẫu, xã Vân Dương, thành phố Bắc Ninh.

Tóm lại, hệ thống sắc phong ở Bảo tàng Bắc Ninh là một di sản văn hóa độc đáo, có ý nghĩa quan trọng về khoa học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật. Đây đều là những văn bản gốc, độc bản có niên đại tuyệt đối về ngày, tháng, năm. Thông qua nội dung sắc phong chúng ta biết được nhiều thông tin về tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, những thông tin về nhân vật, sự kiện, địa danh, địa giới đương thời. Đồng thời sắc phong cũng thể hiện đặc trưng của thư pháp Hán Nôm, kỹ thuật làm giấy dó, giấy lụa, giấy sắc… truyền thống Việt Nam.

Một số ảnh sắc phong thời Nguyễn tại Kho cơ sở Bảo tàng Bắc Ninh:

Ngày đăng: 03-01-2019
Phòng Kiểm kê- Bảo quản Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website