HỘI NGHỊ BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT DI TÍCH THÀNH CỔ LUY LÂU NĂM 2022

Sáng ngày 10 tháng 5 năm 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Đông Á (Nhật Bản) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu năm 2022. Đến dự buổi báo cáo có ông Trịnh Hữu Hùng- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia; Lãnh đạo các đơn vị: Bảo tàng Bắc Ninh, Ban quản lý di tích tỉnh, Phòng Văn hoá thông tin huyện Thuận Thành, UBND xã Thanh Khương, thôn Lũng Khê và đông đảo người dân địa phương.

Đợt khai quật được tiến hành từ ngày 26/3 đến ngày 13/5/2022 tại hai vị trí, đó là khai quật cắt tường thành phía Bắc và khai quật khu vực bên ngoài tường thành Ngoại phía tây giáp với bờ sông Dâu. Hiện vật thu được trong đợt khai quật này chủ yếu là vật liệu xây dựng gạch ngói có niên đại từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 19. Đặc biệt thu được các đồng tiền Ngũ Thù, tiền Trung Quốc thời Tống. Từ kết quả trong các hố thám sát và khai quật lần này, tham khảo đối sánh các tài liệu của các lần khai quật trước, đoàn khai quật đưa ra một số nhận xét bước đầu:

- Tường thành Ngoại phía bắc được đắp trên mặt bằng cư trú, kỹ thuật đắp đơn giản theo cách đắp của người bản địa, khác hẳn với cách đắp trình tường của các di tích thành cùng thời kỳ ở Trung Quốc. Các lớp đắp không bằng phẳng, đất đắp lấy chủ yếu trong lớp cư trú của thành, lẫn nhiều mảnh gạch ngói, mảnh đồ dùng sinh hoạt, tro than, bên cạnh đó xen lẫn một ít lớp đất màu nâu sẫm lấy ở lớp đất gần sinh thổ.

- Qua kết quả 2 đợt khai quật tường thành ngoại (2019, 2022), nghiên cứu liệu của các đợt khai quật những năm 1970, 1986, 2001, cho biết tường thành ngoại Luy Lâu được bắt đầu xây dựng vào khoảng cuối thời Lục Triều (thế kỷ 5 - 6) và liên tục được tu bổ đắp thêm vào thời Tùy - Đường (thế kỷ 7 - 9) và đến thời Lý - Trần (thế kỷ 11 - 14). Trong các lớp đất đắp thành lẫn nhiều đồng tiền Ngũ Thù cho thấy đây có thể liên quan đến lễ nghi trong quá trình đắp tường thành.

- Đây là lần đầu tiên tại thành cổ Luy Lâu phát hiện được lò nung gạch ngói có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 trong khu vực gần chùa Phi Tướng. Việc phát hiện lò trong khu vực các di tích tôn giáo đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tìm thấy như ở miếu Đồng Cổ (Từ Liêm, Hà Nội), Lam Kinh Thanh Hóa, là lò nung vật liệu xây dựng (gạch ngói), nung vôi có niên đại thế kỷ 18. Phải chăng, đây là các lò nung vật xây dựng liệu phục vụ cho các đợt trùng tu sửa chữa lớn của di tích? Vấn đề này sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm.[1]

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

[1] Theo Báo cáo kết quả Sơ bộ khai quật khảo cổ học

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh hội nghị.

 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh thăm quan thực địa hố khai quật.

Một số hiện vật thu được tại các hố khai quật

                                                                                     

 

[1] Theo Báo cáo kết quả Sơ bộ khai quật khảo cổ học

Ngày đăng: 01-06-2022
BẢO TÀNG BẮC NINH

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website