Phát hiện nhiều di vật quý qua cuộc khai quật khảo cổ học chùa Tĩnh Lự

Sáng ngày 9/8/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích chùa Tĩnh Lự thuộc thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình.

Dự hội nghị có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Cục Di sản Văn hóa; Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Các nhà khoa học ngành lịch sử và khảo cổ học; Đại diện Giáo hội phật giáo tỉnh Bắc Ninh.

Theo các tài lịch lịch sử, chùa Tĩnh Lự  được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1055 trên núi Đông Cứu (núi Thiên Thai) nay thuộc thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Như vậy chùa Tĩnh Lự được khởi dựng trước chùa Phật Tích (1057) hai năm, chùa Dạm (1086) là 31 năm và trở thành một đại danh lam thắng cảnh, trung tâm phật giáo lớn ở thời kỳ nhà Lý. Trải qua nhiều lần trùng tu đến khoảng đầu thế kỷ XIX, chùa dần trở nên hoang phế, đổ nát, chỉ còn nền móng. Năm 1992-1993, người dân địa phương xây dựng một ngôi chùa nhỏ trên nền xưa gồm Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Tăng. Năm 2002, UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng di tích cấp tỉnh cho bia đá Tĩnh Lự thiền tự bi, niên đại 1648.

Tháng 4-2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai quật khảo cổ tại di tích chùa Tĩnh Lự trên diện tích 360 m2. Chủ trì khai quật là PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau 4 tháng triển khai thực hiện, Đoàn khai quật (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) đã mở 4 hố khai quật và 2 hố thám sát, qua đó đã phát hiện các dấu tích móng cột, bó nền, khoảng sân, tường gạch, đường đi....đặt biệt là hàng trăm hiện vật có niên đại từ thời Đông Hán ( TK I – III), Lý- Trần, Lê sơ, Mạc, Trung hưng và Nguyễn.

Các hiện vật được chia thành 3 loại:

-Vật liệu kiến trúc: chiếm số lượng lớn với các loại hình gạch, ngói và trang trí trên mái kiến trúc, chân tảng và cối cửa đá cát. Trong số này, tiêu biểu là 5 mảnh lớn có thể thuộc 4 tiêu bản đầu đao gốm men trắng có niên đại thời Lý kích thước lớn. Đầu đao dài còn lại là 54-70 cm, rộng nhất 30-30cm và cao 29cm, nặng còn lại khoảng 23kg; có dáng vân mây cuộn tròn, uốn cong hai lớp ở phần đuôi rất độc đáo; xương gốm màu trắng đục, rất mịn, không có tạp chất; bên ngoài được quét một lớp men trắng, phần bụng đao để mộc không có men. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, đầu đao gốm men trắng kích thước lớn phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ học chùa Tĩnh Lự lần này rất hiếm gặp trong các di tích kiến trúc thời Lý nói riêng và thời đại Việt nói chung.

-Gốm sành sứ: Bao gồm các loại gốm đất nung, gốm men và sành thuộc các loại hình đồ gia dụng (bát, đĩa, âu, bình, vò, chén, lon…), đồ thờ (đĩa đèn, chân đèn, lư hương…) và đồ tuỳ táng (mô hình nhà, bình vò…) có niên đại từ thời Đông Hán (TK I – III) đến thời Nguyễn. Số lượng di vật gốm sành sứ nhiều, trải dài mọi giai đoạn khác nhau của thời Đại Việt, nhiều nhất là giai đoạn Lý- Trần và Lê Trung hưng. Trong số các di vật này đặc biệt là bức tượng đất nung in dấu chìm với dòng chữ “Khai thiên Thống vận Hoàng đế” còn khá rõ nét, là miếu hiệu của vua Lý Thái Tông (1000-1054);

-Kim loại: gồm tiền đồng, đinh sắt, dao sắt. Tiền đồng có từ tiền Ngũ thù thời Đông Hán phát hiện trong mộ gạch; tiền đông thời Đại Việt phát hiện rải rác trong các hố khai quật trong đó có 01 đồng tiền thưởng lớn, đường kính 6cm. Ngoài ra còn phát hiện một Phật khí (Kim cang chuỳ) bằng đồng.

Từ kết quả nghiên cứu các nguồn tư liệu thư tịch, bi ký, kết hợp với hiện trường, hiện vật cùng với kết quả khai quật khảo cổ học trên phạm vi cấp nền 3 từ năm 2014, có thể khẳng định đây chính là chùa Tĩnh Lự được khởi dựng năm 1055 (thời vua Lý Thánh Tông) và kéo dài 800 năm lịch sử qua các giai đoạn lịch sử Lý - Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và đầu thời Nguyễn. Quy mô kiến trúc của chùa được hình thành trên 3 cấp nền hướng về phía Đông Nam. Đây là mô hình khá quen thuộc trong các chùa tháp thời Lý như chùa Phật Tích, chùa Dạm... Phía Đông thông qua sông Địa thẳng tiến ra sông Đuống, kết nối Tĩnh Lự với Thăng Long và các khu vực khác.

(Nguồn tham khảo: Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích chùa Tĩnh Lự Thiền tự)

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị 

Đầu đao gốm men thời Lý

Dòng chữ “Khai thiên Thống vận Hoàng đế” in nổi phía sau bức tượng

Ngày đăng: 10-08-2022
Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website