NGHỀ GỐM PHÙ LÃNG NGÀY CÀNG KHỞI SẮC

Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề thủ công đặc sắc. Trong số các làng nghề đó không thể không nói đến làng Phù Lãng. Làng Phù Lãng thuộc huyện Võ, nằm bên bờ sông Cầu có nghề làm gốm nổi tiếng từ lâu đời.

        Xứ Bắc xưa kia có ba làng làm gốm nổi tiếng đó là làng Bát Tràng, làng Thổ Hà và làng Phù Lãng. Theo cuốn sách “Lịch sử nghề gốm ở Thổ Hà”- (Ty VHHB), và cuốn “Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng”- (Viện Mỹ thuật 1964) thì vào khoảng thời Lý-Trần có ba người đỗ Thái học sinh đó là các ông: Hứa Vĩnh Kiều, Đào Trí Tiến, Lưu Phong Tú được cử đi sang Tàu học nghề gốm, khi về nước ba ông lập đàn thờ làm lễ bên sông Hồng truyền nghề cho ba làng Bát Tràng, Thổ Hà và Phù Lãng. Làng Bát Tràng được truyền làm gốm sắc trắng, làng Thổ Hà được truyền làm gốm sắc đỏ, làng Phù Lãng được truyền làm gốm sắc vàng sẫm, các loại gốm không men, hoặc gốm sành có màu đỏ, nâu, vàng, vàng nâu, vàng đen và men da lươn. Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm từ năm 1963 đã cắt về Hà Nội. Làng Thổ Hà đã thất truyền nghề gốm từ những năm 80 thế kỷ XX. Rất may mắn làng Phù Lãng vẫn kế tiếp và phát triển được nghề gốm truyền thống.

        Muốn làm ra một sản phẩm gốm trước hết phải chọn được chất đất, kế đến là kỹ thuật nhào trộn đất cũng hết sức quan trọng. Đất với nước hòa trộn với nhau sao cho thật nhuyễn, đến khi đất dẻo quánh, không lẫn một hạt sạn nhỏ nào mới đạt yêu cầu. Bàn xoay là dụng cụ sản xuất gốm cơ bản nhất. Bàn xoay được định vị dưới nền nhà xưởng qua một trục đứng cố định có vòng bi. Khi tạo tác xương gốm, người thợ một chân đạp vào bàn xoay cho quay theo chiều nhất định, đôi bàn tay vuốt chuốt nắm đất đặt trên bàn xoay tạo hình tạo dáng ra những mặt hàng ấm, nồi, vò chum, trĩnh, lọ, bình… Chỉ với đôi bàn tay của người thợ và con mắt ước lượng, thao tác theo thói quen nghề nghiệp mà các loại chum, chĩnh, vò, nồi, chậu…chính xác đến tuyệt vời, kích thước trăm cái như một, chẳng cần phải cân đong đo đếm số lượng đất gì hết cả, mà sản phẩm được chuốt  “nặn” ra đều tăm tắp không cái nào nhỉnh hơn cái nào, không cái nào nhỏ hơn cái nào, nom cứ như được đúc ra từ một cái khuôn. Thật là “hòn đất mà vật nên nồi”, từ xa xưa dân gian đã ví von các sản phẩm gốm thủ công là “hoa của đất” là như vậy. Phơ gốm làm ra phơi cho thật khô kiệt, trước khi cho phơ gốm vào lò nung đốt người ta nhúng gốm vào tráng men.

         Kỹ thuật xây lò cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm gốm. Lò nung phải giữ được nhiệt độ ở mức khoảng từ 900 đến 1000 độ. Khi nung gốm đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm thúc lửa (tức là gia tăng nồng độ) ra sao?  Hạ lửa (tức là hạ nhiệt) thế nào? Và bao giờ thì om lửa, hãm lửa?… Nhất dáng nhì da là hai tiêu chuẩn để đánh giá một sản phẩm gốm. Dáng là hình dáng, là cách tạo hình, da là chất men. Gốm Phù Lãng từ xưa đã nổi tiếng về men da lươn, đó là loại men tro, được chế ra từ tro của rơm rạ, vỏ trấu, hay tro của các loại cây cỏ nào đó rồi trộn với vôi hoặc vỏ sò, vỏ hến sau đó trộn với đất sét lấy từ đất làm xương gốm và một lượng nước vừa đủ. Trong đó phải pha chế thêm một lượng “ đá thối” tức là đá đã bị phong hóa. Cũng có thể pha thêm đá son, phù sa nếu muốn làm men nâu. Ngoài ra còn có loại gốm được làm dưới dạng mộc, không phủ men nhưng được bao bọc bên ngoài một lớp áo gốm. Áo gốm là một dung dịch được chế ra từ đất và chay. Chay là một loại bột đá có lẫn gỉ sắt, nghiền giã nhỏ, sàng lọc kỹ pha với tỷ lệ 4 đất 1 chay.. Đất và chay đều pha với nước thành một thứ dung dịch loãng. Phơ gốm khi đã khô kiệt được đem nhúng vào dung dịch ấy rồi cho vào lò nung, khi ra lò bề mặt gốm được phủ một lớp áo gốm bóng nhẵn, trơn đẹp.

         Đối với người Việt đồ gốm là vô cùng gần gũi, thân thiết. Xưa kia ngay từ thủa lọt lòng con người ta đã phải cần đến những lon gốm để cho cái nhau thai vào đó, đem chôn dưới gốc cây khế, gốc cây na, hay gốc cây bưởi…trước sân nhà. Các bé thơ từ lúc mới sinh ra, đã được các bà, các mẹ…tắm rửa trong những chiếc chậu sành thô mộc. Trong cuộc sống hằng ngày từ những cái ấm đun nước, cái nồi đất kho cá, cái lon đựng muối, cái chum đựng mắn, đựng tương, cái ấm sắc thuốc,  cái ang nước, cho đến cái vại muối dưa, cái chõ thổi xôi, rồi những âu, vò, bình, chĩnh, chậu…tất cả đều luôn gắn bó đối với mỗi gia đình. Nào là cái lọ sành cắm hoa, nào là cái bát hương trên ban thờ. Nào cái chậu đãi gạo, chậu rửa rau nơi bờ giếng, cái trĩnh làm giá đỗ…Sống nhờ đất, chết lại trở về với đất, từ lúc chào đời đến khi từ trần trở về cõi vĩnh hằng đồ gốm luôn gắn bó mật thiết với con người. Con người ta khi chết đi, tới lúc “sang cát” hài cốt lại được đưa vào trong chiếc tiểu sành đem chôn sâu dưới lòng đất. Đồ gốm với những công năng sử dụng khác nhau, mỗi cái mỗi hình dáng, không cái nào giống cái nào, rất giản dị mộc mạc, có thể đêm đặt bất cứ ở đâu, dù ở trên một ban thờ trong ngôi nhà đại khoa, hay đặt trên một chiếc chõng tre trong căn nhà gianh  vách đất đều hết sức hài hòa, không bị đối chọi, bởi chính sự đơn giản của hình khối và màu sắc mộc mạc của chúng.

        Vẫn gạo ấy, vẫn khoai ấy nhưng sẽ ngon hơn nhiều khi ta nấu cơm hoặc hầm khoai bằng nồi đất nếu so với nấu, hầm bằng nồi kim loại.  Nhất là kho cá, nếu kho bằng nồi đất miếng cá sẽ chín nục hơn, vì nồi đất giữ nhiệt tốt hơn nồi nhôm, nồi gang…Nếu dùng chậu rửa bát đĩa là các loại chậu kim loại hay bằng nhựa, khi rửa xong mỡ màng sẽ bám vào thành chậu, nhưng khi ta dùng chậu gốm có men để rửa bát đĩa thì mỡ màng bám không thấy vào thành chậu, đó là ưu điểm của đồ gốm so với đồ nhựa hoặc đồ kim loại. Có điều đồ gốm trọng lượng thường nặng hơn đồ nhôm, đồ nhựa.

         Làng Phù Lãng khoảng hơn 30 năm trở lại đây, từ khi các giảng viên khoa gốm trường ĐHMTCN Hà Nội đưa sinh viên về đây về thực tập, người làng đã học tập thêm được một số kỹ năng mới về tạo dáng và trang trí trên bề mặt gốm. Người đầu tiên thổi vào đồ gốm Phù Lãng một luồng sắc thái mới đó là anh Vũ Hữu Nhung. Là người con của làng nghề truyền thống, vốn có lòng yêu nghề gốm cha ông truyền lại, cùng với sự khát khao đổi mới cho các sản phẩm gốm của quê hương, anh thi vào trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, được đào tạo bài bản tại khoa gốm. Từ khi còn là sinh viên, anh đã có những tác phẩm gốm đạt giải thưởng khi đưa đi triển lãm. Ra trường trở về quê hương lập nghiệp, anh là người đầu tiên tạo cho gốm Phù Lãng có một diện mạo mới, một sắc thái mới, truyền thống mà hiện đại. Theo xu hướng đổi mới Vũ Hữu Nhung nhiều lứa trai gái trẻ làng Phù Lãng đã cho ra đời các lò gốm có sự tiếp thu vốn cổ truyền thống kết hợp với tư duy tạo hình hiện đại. Đó là những chị Hòa, anh Thiều, anh Ngọc, chị Thủy… Người ta gọi nôm na là Gốm Nhung, gốm Hòa, gốm Thiều, gốm Ngọc… Chính đội ngũ trẻ này đã và đang làm cho các sản phẩm gốm Phù Lãng khởi sắc. Hiện nay gốm Phù Lãng không chỉ đơn giản là các đồ đựng thực dụng, mà còn là những sản phầm mang nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật dân gian đương đại như bình hoa, tranh gốm, đèn gốm, tượng gốm, bình phong, xen hoa gốm… dùng để trang trí các công trình xây dựng, kiến trúc, trang trí nhà cửa, sân vườn trong các tư gia cũng như các cơ quan, trường học, bệnh viện… Sản phẩm gốm Phù Lãng ngày nay khá phong phú về kiểu dáng, vừa có có yếu tố thực dụng, vừa có chức năng trang trí được nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài ưa chuộng, đặt hàng hàng loạt.

       Sản phẩm gốm của làng Phù Lãng xưa và nay thực sự đã và đang có vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật dân gian của dân tộc.

Ngày đăng: 20-04-2018
Thạc sỹ- họa sỹ: Đỗ Hữu Bảng

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website