XU HƯỚNG NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO THỜI LÝ- TRẦN

Vào khoảng thế kỷ III Đạo Phật đã có mặt ở nước ta và phát triển khá mạnh mẽ xung quanh thủ phủ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đây là một trung tâm Phật giáo lớn ở nước ta vào thời kỳ đó, (có sớm hơn Lạc Dương và Bành Thành- hai trung tâm Phật giáo lớn ở Trung Quốc). Nhiều tăng ni người Ấn Độ như Khâu Đà La, Chi Cương Lương, Chi Tăng Hộ…đã đến vùng Dâu xây dựng chùa và trụ trì ở đó. Đầu thế kỷ VI nhà sư Vinitaruci (Tì Ni Đa Lưu Chi) người Ấn Độ sang nước ta lập ra thiền phái Mật tông, dung hội đạo Phật - với tín ngưỡng thờ Mẫu (một tín ngưỡng bản địa), đó là Tứ Pháp (gồm Pháp Vân/ Thần mây; Pháp Vũ/ Thần mưa; Pháp Lôi/ Thần sấm; Pháp Điện/ Thần chớp) được đông đảo Phật tử tin theo.

Đến thế kỷ VI nước ta đã trở thành một quốc gia độc lập mang tên là Vạn Xuân (544) với những vị đế vương là Phật tử như Lý Nam Đế (503-548), Lý Phật Tử (571-603). Thời Đinh – tiền Lê có tổ chức tăng quan, là tổ chức tôn giáo luôn quan hệ chặt chẽ với triều đình. Năm 820 nhiều nhà sư người Trung Quốc sang nước ta tu hành. Trong số đó có nhà sư tên là Vô Ngôn Thông (Tức là thông hiểu những điều không nói). Ông tu ở chùa Kiến Sơ, nay thuộc xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội, với phương pháp “thiền thông quán tưởng”, nghĩa là day mặt vào bức tường màu trắng tập trung nhìn vào một điểm.

Thời Lý (1010-1225), có gốc gác tại làng Dương Lôi, Từ Sơn, Bắc Ninh, một triều đại quân chủ Phật giáo hùng mạnh của nước ta, đã làm nên những trang sử huy hoàng của dân tộc. Lý Thái Tổ (974-1028) vị vua khởi đầu nhà Lý là một Phật tử, được nuôi dạy từ nhỏ ở trong nhà chùa. Dưới triều Lý nhiều nhà sư được phong danh hiệu là Quốc sư (tức thày dạy vua) như Vạn Hạnh (? -1025), Viên Chiếu (999-1090), Thông Biện (?-1134) Viên Thông (1080-1151)… Đó là những thiền sư có nhiều công lao đóng góp cho nền giáo dục Phật giáo, đồng thời là các chuyên gia, cố vấn về văn hoá, chính trị, ngoại giao, quân sự…có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với các vị vua – quan trong triều, cũng như đối với các tầng lớp Phật tử.

Thời Lý một tông phái Phật giáo mới tên là Thảo Đường ra đời. Phật phái này luôn gắn bó với tầng lớp trí thức của triều đình, đã dung hội được hai tư tưởng lớn là Nho giáo với Phật giáo. Đưa các nhà Nho đến với đạo Phật. Lý Thánh Tông (1054 -1072) vị hoàng đế thứ ba của triều Lý đã cho xây dựng Văn miếu (năm 1070) làm nơi thờ Khổng Tử và 72 vị tiên hiền –  học trò của Khổng Tử. Năm 1075 mở khoa thi đầu tiên; năm 1076 lập Quốc tử giám (nơi dạy học cho các sỹ tử).

Đạo Phật thời Lý -Trần mang tính quốc giáo. Lý Thánh Tông (1023-1072) ngài là một minh quân có công phá Tống (1060), bình Chiêm (1069), và cho xây dựng nhiều chùa chiền qui mô bề thế. Mỗi ngôi chùa thời Lý còn kiêm luôn chức năng hành cung (dùng làm nơi đón tiếp và nghỉ ngơi khi nhà vua vi hành, kinh lý). Các ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi tu học của các tăng sĩ và được chia làm ba loại: Chùa lớn gọi là Đại danh lam; Chùa trung bình gọi là Trung danh lam; Chùa nhỏ gọi là Tiểu danh lam.

Chùa chiền thời Lý – Trần đồng thời là những cơ sở đào tạo nhân tài cho đất nước, những người được học tập trong nhà chùa khi ra làm quan thấm nhuần đạo đức nhà Phật, hầu hết đều biết thương dân, luôn lấy dân làm gốc, và làm theo những ý muốn chính đáng của dân, được dân tin yêu, nước nhà thịnh trị.

Trong khi đạo Phật ở Trung Hoa chủ trương xa lánh cõi tục (xu hướng xuất thế), thì đạo Phật thời Lý – Trần lại có xu hướng nhập thế, luôn quan tâm đến việc chính sự của đất nước, đạo không lánh đời và đời không xa đạo. Phật giáo thời Lý- Trần mang tính tổng hợp, nhưng căn bản là giáo dục về đạo lý. Chủ trương này xuất phát từ triết lý “Đạo thánh vương”, nghĩa là “sáng suốt ở nội giới,  làm chủ ngoại giới”, không quan tâm nhiều đến văn chương cú pháp.

Triều đại nhà Trần, một triều đại hiển hách của dân tộc, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông. Quân đội của nhà Nguyên Mông khi đó rất hùng mạnh, đã đánh bại nhiều nước thuộc châu Âu, đánh thắng nhà Nam Tống của Trung Hoa.

Thiền Trúc Lâm thời Trần hình thành trên cơ sở dòng thiền Yên Tử, trong khi dòng thiền Yên Tử lại có sự kế thừa ba dòng thiền thời Lý đó là các dòng: Tì ni đa lưu chi, Vô ngôn thông và Thảo đường. Trúc Lâm tức là rừng trúc, hàm ý đông cây ấm bụi, tập hợp đông đảo Phật tử, chống lại xu hướng chia rẽ, bè phái…Cây trúc luôn mọc thẳng dù ở điều kiện nào, biểu tượng của người quân tử. Thân cây trúc lòng rỗng, biểu hiện trạng thái “tâm không” của nhà Phật. Đạo Phật thời kỳ này vẫn luôn có sự bảo trợ của của triều đình. Dòng thiền Trúc Lâm gồm ba vị tổ (gọi là Trúc Lâm tam tổ) gồm: Vua Trần Nhân Tông (1258 -1308) – vị tổ thứ nhất; Pháp loa Đồng Kiên Cương (1284 -1330) –  vị tổ thứ hai; thiền sư Huyền Quang- Lý Đạo Tái (1254 – 1334) – tổ thứ ba.  Mỗi ngôi chùa thời Trần là một Tự Viện. Các Tự Viện được triều đình cấp ruộng đất, các tăng ni Phật tử phải tự lao động sản xuất, theo định hướng “Bất tác bất thực” (không làm không ăn). Các tăng môn ai ai cũng phải cầy cấy, trồng trọt, chăn nuôi…nhằm  tự cấp, tự túc. Thời Lý có Ni sư Diệu Nhân là một thiền sư nổi tiếng dòng Tỳ ni đa Lưu Chi.

Thời Trần có Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ… là những nhà Phật học uyên bác, thông tuệ. Nền giáo dục thiền tông thời Lý -Trần mang đậm tinh thần từ bi, nhân bản và nhập thế, lấy phương pháp “tự giác, giác tha” làm mục tiêu, lấy tâm (tâm ấn tâm), không dùng lời nói để giao giảng đạo lý mà lấy sự yên lặng truyền tâm pháp, để môn sinh tự giác đạo, khi đã tự giác rồi thì dùng phương pháp này ngộ cho những người khác. Quan điểm của vua Trần Thái Tông là: “Nhà chính trị phải thực hiện đạo Phật trong xã hội”… Tuệ Trung Thượng Sỹ cũng bày tỏ: “Sống trong lòng thế tục, hoà ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm”…

Thường thường các vị vua trên thế giới mà chúng ta biết đến, đều không bao giờ chịu từ bỏ ngai vàng khi còn sung sức, họ chỉ từ bỏ ngai vàng khi sức đã tàn, lực đã kiệt, làm vua đến hơi thở cuối cùng. Thì vua Trần Thái Tông (1218-1277) đã nhường ngôi khi mới 40 tuổi . Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua thứ ba của thời Trần, sau Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, đã từ bỏ ngai vàng, nhường ngôi khi mới 35 tuổi (1293), năm 40 tuổi lên núi Yên Tử tu và trụ trì ở đó. Ở độ tuổi 35, 40 còn đang sung sức, thế mà các ngài không tham đắm vào quyền lực. Các vị vua này không những tu tâm, thực hành thiền định, hiểu sâu sắc qui luật vô thường, vô ngã, sống cuộc đời ung dung tự tại mà khi Tổ quốc bị lâm nguy bởi giặc giã xâm lược, các ngài còn hăng hái xông pha giữa chốn trận tiền. Khi đất nước yên hàn các ngài không say sưa chiến thắng, không ham hưởng thụ lầu son gác tía, sắc dục, cung tần mỹ nữ…Đức vua Trần Nhân Tông đã dày công nghiên cứu đạo Phật và vi hành khắp làng nọ xóm kia khuyên bảo dân chúng thực hành năm giới, mười điều thiện nghiệp.

Trong cuốn “ Việt Nam cổ học văn sử” của Nguyễn Đổng Chi trích một đoạn lời của Quốc sư Viên Thông khi nói với Lý Thần Tông về phép trị nước : “Thiên hạ cũng như một đồ vật, để nó vào nơi yên thì yên, vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà vua; nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ…Trị và loạn ở tại trăm quan, được người thì trị, mà không được người thì loạn…Bậc vua chúa không làm hưng hay vong liền mà dần dần ở sự thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết như thế nên mới bắt chước để yên người…Yên dân là kính kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm cây cương mục. Theo lối đó thì hưng, trái lại thì vong. Sự hưng vong là dần dần sinh ra thôi.

Tư tưởng Phật giáo thời Lý- Trần luôn có xu hướng nhập thế, nghĩa là muốn khai mở nhân tâm, hướng thiện, mọi suy nghĩ và hành động hành đạo của các vị vua đều hoàn toàn vì dân vì nước, vì vậy toàn dân tộc có được sự đoàn kết, đồng lòng, đồng sức. Cho nên thời Lý-Trần là thời cực thịnh trong lịch sử dân tộc. Tiếc rằng các thời sau đó Nho giáo lấn át Phật giáo, quan trường sách nhiễu nhân dân vô tội vạ, làm mất lòng tin trong dân chúng, vả lại trừ một số nhà sư chân tu, còn  không ít tăng ni trong các  nhà chùa là “bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa bồ đề mà nương thân…Tiếng là đi tu, mình mặc áo cà sa, đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà bụng dạ thì như rắn như rết; nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quàn áo xà ích. Nam mô một bồ dao găm, hổ mang, hổ lửa, sự ấy mới lại ghê gớm nữa.” (tác giả Phan Kế Bính từ năm 1915 đã nhận xét như vậy trong cuốn Việt Nam phong tục). Có người bảo xã hội nào thì sư sãi đấy, chẳng biết thật hư ra sao, song chắc chắn rằng những điều đó cho thấy đạo đức xã hội suy giảm, xuống cấp, tha hoá nhanh chóng…

Ngày đăng: 26-10-2018
Họa sỹ, thạc sỹ: Đỗ Hữu Bảng, Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website