ĐỘC ĐÁO PHO TƯỢNG THÀNH HOÀNG TRIỆU ĐÀ Ở CHÙA LÀNG HỮU BẰNG

Hữu Bằng có tên Nôm là làng Bùng (Bùng Cát) xưa thuộc tổng Phù Lương, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Chùa làng Hữu Bằng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng làng xã xưa và nay. Tại tòa Tam bảo chùa làng Hữu Bằng hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ giá trị, trong đó độc đáo nhất là pho tượng Thành hoàng Triệu Đà tạo tác vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết Triệu Đà tự Bá Uy, hiệu là Nam Hải lão phu quê ở huyện Chân Định, quận Hằng Sơn (ngày nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Ông xuất thân là một võ tướng từng theo lệnh nhà Tần dẫn quân xuống chinh phạt miền Nam, khi nhà Tần sụp đổ Triệu Đà sáng lập nên nhà nước Nam Việt trên chính vùng đất mà ông chiếm được. Sau thất bại của Thục phán An Dương Vương, Triệu Đà tiến hành sát nhập toàn bộ đất đai Âu Lạc vào nước Nam Việt, ông chia Âu Lạc ra làm hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân đặt dưới sự thống trị của chính quyền Nam Việt ở Phiên Ngung (Quảng Đông, Trung Quốc) cai trị trong suốt giai đoạn từ năm 207 – 136 TCN. Nhà Triệu là một triều đại chính thống của Việt Nam được thể hiện qua các sử gia thời phong kiến, từ Lê Văn Hưu (thế kỷ XIII) đến Trần Trọng Kim (đầu thế kỷ XX), coi đó là thời kỳ độc lập của Việt Nam, bởi vì họ Triệu cai trị Nam Việt độc lập với nhà Hán cho tới tận năm 111 TCN, khi quân nhà Hán xâm lược nước Nam Việt đã bị sát nhập vào đế chế Hán đổi tên thành bộ Giao Chỉ mở đầu thời kỳ Bắc thuộc ở nước ta kéo dài gần 1000 năm. Trong “Đại Việt sử ký” nhà sử học Lê Văn Hưu viết: “Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được”. Với công lao to lớn như vậy Triệu Đà được nhiều nơi ở miền Bắc nước ta thờ làm Thành hoàng làng, riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay có 10 làng thờ ông tập trung chủ yếu trên địa phận huyện Quế Võ và thị xã Từ Sơn. Pho tượng Thành hoàng Triệu Đà ở chùa làng Hữu Bằng đang trong tình trạng hư hỏng nặng, tượng đã mất toàn bộ phần chân, một bên cánh tay và bệ bên dưới. Chiều cao còn lại của tượng là 104cm, rộng ngang vai 36cm. Tượng được tạc trong tư thế ngồi hai chân buông thõng, đầu đội mũ trang trí lưỡng long chầu nguyệt, phần ngực, vai chạm nổi hổ phù, rồng, phần bụng chạm nổi long mã, cổ áo cao, viền điểm hoa chanh. Căn cứ vào kiểu dáng hoa văn trang trí cho biết tượng có niên đại tạo tác dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Pho tượng Thành hoàng Triệu Đà ở chùa làng Hữu Bằng chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Đồng thời pho tượng còn là một di vật cổ độc đáo, quý hiếm đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về tục thờ Triệu Đà làm Thành hoàng làng trên vùng đất cổ Bắc Ninh – Kinh Bắc văn hiến...

Ngày đăng: 28-11-2019
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website