GIAI THOẠI VỀ TÀI NGOẠI GIAO KIỆT XUẤT CỦA TIẾN SĨ NGUYỄN CÔNG HÃNG

Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng (1680 - 1732) tự là Đại Thành, hiệu Tĩnh Trai quê ở xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thôn Roi Sóc, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) đời vua Lê Hy Tông, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại, hàm Thái tử Thái phó, thăng Thái bảo, xếp vào hàng Tá lý công thần.

Nguyễn Công Hãng là một vị quan tài năng đức độ, nắm giữ nhiều chức vụ cao và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của triều đình Lê – Trịnh giai đoạn đầu thế kỷ XVIII. Về sau chúa Trịnh Giang nghe lời rèm pha bèn giáng chức và điều ông đi làm Thừa chính sứ Tuyên Quang, sau đó bắt ép ông phải uống thuốc độc tự tử vào năm Nhâm Tý (1732) khi mới 53 tuổi. Đến đầu đời vua Lê Hiển Tông ông được minh oan và ban tặng sắc phong vào năm Cảnh Hưng thứ 2 – 1741.

Sắc phong ban cho Nguyễn Công Hãng năm 1741 hiện đang lưu giữ tại đình làng Rích Gạo, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn

Sắc phong ban cho Nguyễn Công Hãng năm 1741 hiện đang lưu giữ tại đình làng Rích Gạo, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn.

Di văn của Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng còn lại đến ngày nay là tập thơ “Tinh sà thi tập” bao gồm những bài thơ tả tình, vịnh cảnh, thù tiếp sứ bộ Triều Tiên… thơ ông đề cập đến trách nhiệm của người cầm quyền, truyền thống văn hiến và vận mệnh của đất nước cùng nếp sống chất phác, thật thà, ca ngợi đức tính giàu nhân nghĩa của người dân quê hương ông. Trong khoảng thời gian làm quan cho nhà Lê – Trịnh Nguyễn Công Hãng được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) tuế cống. Tương truyền trong chuyến đi sứ lần này bằng tài năng ứng đối kiệt xuất Nguyễn Công Hãng đã xóa bỏ cho dân tộc được “cái vạ” chém đầu Liễu Thăng cùng lệ “cống người vàng” và “nước giếng Cổ Loa”. Giai thoại phản ánh về sự việc này như sau:

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi chỉ huy ở trận Chi Lăng (nay thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn) quân ta đã giết chết An viễn hầu Liễu Thăng ở núi Mã Yên (thuộc châu Ôn). Khi giảng hòa người Minh bắt đền mạng, vì muốn cho công việc giảng hòa nhanh chóng kết thúc Lê Lợi sai đúc một người vàng để thay thế gọi là “đãi thân kim nhân” tức (người bằng vàng thay cho người thật). Sau khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh sai bọn Mao Bá Ôn và Cửu Loan đem quân đến cửa Nam Quan hỏi tội, hạch sách đòi đồ cống, nhà Mạc sợ sảy ra chiến tranh lại phải đúc người bằng vàng để “đút lót” cầu hòa. Sang thời Lê Trung Hưng, nhà Minh vin vào cớ tự tiện giết công thần là Mạc Mậu Hợp (vị vua cuối cùng của nhà Mạc) bắt phải đúc người vàng để tạ lỗi, từ đấy thành ra thường lệ của lễ cống. Thời kỳ Nguyễn Công Hãng sang sứ, ông đề nghị triều đình ta thôi không làm người vàng nữa. Khi đoàn sứ bộ nước ta sang đến Trung Quốc các quan tiếp sứ của thiên triều xét đồ cống phẩm không thấy có người vàng bèn tâu lên vua nhà Thanh, các quan triều Thanh đem việc cũ ra hỏi, Công Hãng trả lời: Quốc vương tôi ngày nay giữ gìn nghiệp cũ, không dám bỏ khoáng việc tuế cống (biếu vật phẩm 3 năm một lần) còn các việc thu thành, nạp khoán hay bồi thường thì sứ thần này không dám biết. Họ lại mang câu chuyện Liễu Thăng ra hạch sách, ông cười mà trả lời: Liễu Thăng là tên bại tướng của nhà Minh, nhà hoàng Thanh ta ngày nay bao gồm cả muôn nước, lại đi khư khư đòi món “của đút” của kẻ thua trận để trả thù cho người xưa, như vậy sao đủ để làm gương cho các triều đại sau này?

Ngoài lệ cống người vàng, từ thời vua Lý Thái Tổ nước Đại Việt còn phải cống một hũ nước để rửa ngọc trai lấy từ giếng nước trước đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) vì tương truyền nước ấy dùng rửa hạt ngọc trai mới sáng. Nguyễn Công Hãng bèn sai người đổ đi (có thuyết cho là dọc đường đi sứ đánh vỡ cái hũ) múc nước giếng ở Ba Sơn đem theo. Khi người Thanh đem thử rửa ngọc trai không thấy sáng mới kỳ kèo, ông nói: đó là tại khí mạch lâu ngày đã biến đổi đi. Cả hai thứ đồ tuế cống đó được miễn là bắt đầu từ đó là nhờ vào tài ngoại giao khôn khéo của quan Chánh sứ Nguyễn Công Hãng.

Những giai thoại về tài năng ngoại giao kiệt xuất của Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng cũng như tên tuổi của ông đã góp phần làm rạng danh vùng đất văn hiến Đông Ngàn vốn là nơi có truyền thống hiếu học khoa bảng nổi tiếng đứng đầu xứ Kinh Bắc xưa./.

Ngày đăng: 15-01-2020
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website