PHÁT HIỆN TẤM BIA “TỪ CHỈ BI KÝ” DI VĂN CỦA HOÀNG GIÁP NGUYỄN ĐĂNG SỞ

Tại đình làng Lam Cầu xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiện còn lưu giữ 11 tấm bia đá cổ tạo tác dưới thời Lê - Nguyễn, trong đó đặc biệt giá trị nhất là tấm bia “Từ chỉ bi ký” khắc năm Minh Mệnh 6 (1825) nội dung văn bia do Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở người xã Hương Triện, huyện Gia Định (nay là thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đăng khoa năm 1787 soạn.

Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở hiệu Kiên Trai sinh năm Giáp Tuất (1754). Từ nhỏ ông đã có tướng mạo khôi ngô, thông minh tài giỏi, thông hiểu kinh sử, nổi tiếng là người hiếu nghĩa. Năm 34 tuổi ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), tên đứng thứ 2 khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời vua Lê Mẫn Đế (khoa thi này mở vào tháng 10 âm lịch, đây là khoa thi Hội cuối cùng của nhà Lê, khoa này lấy đỗ tổng số 14 người trong đó có 3 Tiến sĩ xuất thân và 11 đồng Tiến sĩ xuất thân). Ông làm quan đời vua Lê Chiêu Thống đến chức Hàn lâm viện hiệu lý, tước Hương Lĩnh bá. Sau vì nhà Lê suy vong, loạn lạc ông về quê dạy học. Một thời gian sau lại ra làm quan cho triều Tây Sơn, giữ chức Lại bộ Tả thị lang, tước Gia Định hầu. Năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh nguyên niên (1820) ông được bổ chức Tư nghiệp Quốc tử giám Huế. Năm Minh Mệnh 8 (1827) ông về trí sĩ và tiếp tục mở trường dạy học, học trò 4 phương kéo về theo học rất đông. Ông tạ thế năm Canh Tý niên hiệu Minh Mệnh 21 (1840), hưởng thọ 87 tuổi. Đương thời Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở là người giỏi văn chương, hay chữ nghĩa, am tường đạo Nho, đạo Phật, nên được rất nhiều địa phương trong vùng tín cẩn nhờ soạn văn để khắc bia, khắc chuông lưu lại hậu thế, tiêu biểu như: bia “Sùng tu bi ký” khắc năm 1828 tại chùa Bảo Phúc (thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú), bia “Sùng đức bi ký” khắc năm 1832 tại nhà thờ họ Nguyễn Đăng, minh văn “Cổ Am tự chung” khắc năm 1826 trên chuông chùa Linh Ứng (thôn Du Tràng, xã Giang Sơn)… trong đó có tấm bia“Từ chỉ bi ký” khắc năm 1825 vừa mới phát hiện được vào tháng 10/2019.

Tấm bia “Từ chỉ bi ký” khắc năm 1825

Tấm bia “Từ chỉ bi ký” khắc năm 1825

Tấm bia dựng bên hồi phía tay trái tòa đại đình làng Lam Cầu, bia cao 105cm, rộng 62cm, dầy 23cm. Mặt trước trán chạm chìm 1 vòng tròn kép, khắc nổi 4 chữ Hán lớn “Từ chỉ bi ký” nghĩa là (bia ghi chép Từ chỉ) trong ô hình vuông, diềm bia không trang trí hoa văn. Mặt sau để mộc không trang trí. Lòng bia khắc chữ Hán cả hai mặt (mặt trước 18 dòng, mặt sau 20 dòng) thể chữ chân phương còn khá rõ nét, tất cả gần 1500 chữ. Nội dung văn bia phần đầu cho biết diễn biến quá trình xây dựng và di chuyển Từ chỉ làng Lam Cầu như sau: “…người trước đã xây dựng nên ngôi Từ chỉ ở về phía Nam của bản thôn thuộc xứ Chùa Lân, gần đây theo về xây dựng tại xứ Ngõ Ba, sau lại theo về xây dựng tại xứ Đình Tây. Vào năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long (1808) các vị Kỳ lão trong thôn cùng nhau bàn bạc thăm hỏi ý kiến, các vị đều nhất trí quay về xây dựng tại xứ Chùa Lân cũ, bởi đây là vùng đất của đức thánh, thời mọi người đều kính trọng vùng đất đó mà cùng nhau tái lập lại ngôi Từ chỉ tỏ lòng sùng kính bề trên…”. Phần sau ghi chép toàn bộ tên họ 34 người trong hội Tư văn đứng ra lập bia Từ chỉ, đầu tiên là quan Tri huyện Đỗ Cát Thường đỗ Hương cống khoa Quý Mão cùng tên thụy hiệu những người cung đức tiền, ruộng vào việc lập hậu hiền tại Từ chỉ. Bia được lập vào ngày tốt, tháng Giêng, năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mệnh 6 (1825), nội dung văn bia do Nguyễn Kiên Phủ (tức Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở) người xã Hương Triện, huyện Gia Bình đỗ chánh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi giữ chức Đốc học trấn Nam Định soạn. Khoa tràng Đỗ Duy Dần viết chữ.

Tấm bia “Từ chỉ bi ký” tuy không mang giá trị về mặt mỹ thuật nhưng chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Nội dung văn bia cung cấp những thông tin quan trọng đóng góp vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống hiếu học, khoa bảng ở các làng xã của Bắc Ninh đầu thế kỷ XIX, thời kỳ này Nho giáo phần nào được “phục hưng” sau những biến động kéo dài xảy ra cuối thời Lê Trung Hưng. Đối với Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở bài văn bia này là tư liệu quý góp phần bổ sung thêm số lượng di văn khá đa dạng còn lại đến ngày nay của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Nguyễn Đăng ở xã Hương Triện. Văn bia còn cho biết thêm nhiều thông tin chính xác về con đường quan lộ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở vào đầu triều Nguyễn./.

Ngày đăng: 11-02-2020
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website