Đình Thọ Đức – Nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và những cổ vật giá trị

Thọ Đức xưa còn có tên gọi khác là xã Thụ Triền thuộc tổng Phong Xá, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn (nay là thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong). Tương truyền đình làng Thọ Đức được xây dựng trên khu đất Trại Chĩnh vốn là địa điểm tập kết quân đội do Lý Thường Kiệt lãnh đạo trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống ở thế kỷ XI của quân dân nhà Lý.

Theo nội dung tấm bia “Hậu thần bi ký” khắc ngày 15, tháng 7, năm Tự Đức 32 (1879) cho biết đình làng Thọ Đức được xây dựng từ thời Lê tại địa phận phường Đại Đình (xưa làng Thọ Đức có 4 phường: Trung Thị, Đông Phú, Long Tỉnh và Đại Đình) đến năm Thiệu Trị 5 (1845) thì bị hư hỏng nặng, bản xã đồng lòng rỡ về dựng lại ở phường Đông Phú để thờ phụng. Từ đó về sau người và vật đều không mát mẻ bản xã bèn cho rỡ về dựng lại ở vị trí cũ.

Đình Thọ Đức hiện nay tọa lạc phía Tây Bắc làng, quay hướng Đông Nam có mặt bằng kiến trúc theo kiểu “tiền chữ Nhất (-) hậu chữ Công (I)” gồm 2 tòa Tiền tế và Đại đình. Tòa Tiền tế mặt bằng hình chữ Nhất gồm 5 gian 2 chái được xây dựng vào cuối thời Nguyễn, hiện tại trên câu đầu còn khắc dòng chữ Hán ghi chép về việc đặt nóc đình vào giờ Thân ngày 16, tháng 8, năm Canh Thìn niên hiệu Tự Đức 33 (1880). Bộ khung đình làm bằng gỗ lim, kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường giá chiêng” trang trí chạm khắc chủ yếu tập trung trên các bức cốn, đầu dư, nghé kẻ, bẩy, con rường… đề tài “tứ linh”, “tứ quý” và hoa lá cách điệu. Điểm đáng chú ý ở đây là nghệ thuật trang trí trên hai bức cốn tại gian giữa. Bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong người nghệ sĩ dân gian thỏa sức thể hiện tài nghệ của mình với đề tài “long, lân, quy, phượng” trong đó nổi bật nhất là một con rồng lớn được chạm khắc công phu trong tư thế đang bay gấp khúc uốn lượn. Theo các cụ cao niên cho biết tòa Tiền tế đình Thọ Đức xưa do hai hiệp thợ làm. Nhìn vào đề tài trang trí thấy rằng hiệp thợ làm đình phía bên tay phải (nhìn từ ngoài vào) có tay nghề giỏi hơn, các mảng chạm được tạo tác tỷ mỷ cẩn thận đến từng chi tiết, kỹ thuật điêu luyện với các đường nét tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Phía sau tòa Tiền tế cách một khoảng sân nhỏ là tòa Đại đình mặt bằng hình chữ Công là sự liên kết của 3 gian 2 chái Tiền đình, dải ống muống và 3 gian Hậu cung theo lối kiến trúc thế kỷ XIX. Toàn bộ khung tòa Đại đình làm bằng gỗ lim kết cấu vì kèo theo kiểu “chồng rường giá chiêng” các cấu kiện gỗ đa số được soi gờ thẳng bào trơn đóng bén.

Căn cứ vào nội dung thần tích, sắc phong cho biết đình làng Thọ Đức thờ 5 vị thần là: Cường Bạo đại vương, Thánh Tam Giang, Nghiêm Công, Lễ Công, Đức Công vốn là các vị thần có công cùng với Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân dưới thời Hùng Vương thứ VI. Hiện tại đình làng còn lưu giữ hai bản thần tích chữ Hán ghi chép về sự tích Cường Bạo đại vương và 4 vị thần còn lại do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao chính bản năm Vĩnh Hựu 3 (1737). Bản xã phụng sao lại chính bản vào ngày tốt tháng 10 năm Tự Đức 10 (1857) và năm Quý Dậu niên hiệu Bảo Đại 8 (1933).

Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật điêu khắc, giá trị của đình làng Thọ Đức còn được thể hiện ở hệ thống tài liệu Hán Nôm và cổ vật đang lưu giữ tại di tích. Tại đình Thọ Đức hiện còn 17 tấm bia đá cổ có niên đại thời Lê và Nguyễn nội dung ghi chép về việc tu sửa và việc lập hậu thần ở đình cùng nhiều bia ghi công đức, bia gửi giỗ, bia Văn chỉ… trong đó bia có niên đại dựng sớm nhất là năm 1682 và muộn nhất năm 1931. Tư liệu sắc phong ở đình có 6 đạo của 3 triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn phong cho 5 vị thần vào các năm 1730, 1767, 1793 (2 đạo), 1924. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự giá trị nghệ thuật khác tạo tác vào thế kỷ XVIII – XIX như: 4 chiếc hương án gỗ chạm trổ “tứ linh”, “tứ quý”, kiệu bát cống, long đình, bức hoành phi “Mỹ tục khả phong” được ban tặng vào thời Nguyễn, câu đối, bát bửu, bảng văn, bát hương sành Thổ Hà, ngai thờ, bài vị…đặc biệt trong Hậu cung đình còn lưu giữ một đôi hạc thờ cổ bằng gỗ khá lớn độc đáo hiếm thấy trong các ngôi đình khác trên địa bàn huyện Yên Phong.

Hàng năm làng Thọ Đức tổ chức lệ truyền thống tại đình từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch). Ngày lệ là dịp nhân dân Thọ Đức tưởng niệm công lao đánh giặc cứu nước của các vị thần được thờ tại đình làng. Đây vốn là nét đẹp văn hóa của một ngôi làng cổ trên vùng quê Kinh Bắc văn hiến.

Đình làng Thọ Đức được Bộ VHTT xếp hạng là Di tích lịch sử theo Quyết định số 34-VH/QĐ ngày 09/01/1990.

Ngày đăng: 11-02-2020
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website