ĐÌNH LÀNG NHƯ NGUYỆT

Đình làng Như Nguyệt xã Tam Giang, huyện Yên Phong là nơi thờ gia đình đức thánh cả Trương Hống (đức thánh Tam Giang) người có công phò giúp Triệu Việt Vương đánh giặc Lương ở thế kỷ thứ VI sau Công nguyên.

Đình làng Như Nguyệt nằm bên cạnh đường liên xã, cách bến đò Như Nguyệt – nơi diễn ra trận quyết chiến của quân và dân nhà Lý với giặc Tống năm 1077 khoảng 100m về phía Bắc. Theo các cụ cao niên ở địa phương cho biết vào đầu những năm 1940 của thế kỷ trước đình làng Như Nguyệt là một công trình kiến trúc cổ có mặt bằng tổng thể hình chữ Công (I). Tòa Đại đình và tòa Tiền tế liên kết với nhau bằng nhà chuyển bồng kiến trúc kiểu lòng cầu 2 tầng 8 mái, chạm trổ đẹp. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn (1946 – 1954) đình bị phá huỷ, khi hòa bình lập lại nhân dân địa phương xây dựng một ngôi đình nhỏ làm nơi thờ Thành hoàng, đến năm 1994 xây dựng ngôi đình với quy mô kiến trúc lớn trên nền đất cũ. Đình làng Như Nguyệt hiện nay có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian 2 chái Đại đình và một gian Hậu cung được xây dựng theo phong cách nghệ thuật kiến trúc truyền thống gồm 4 mái, 4 đao cong. Toàn bộ các cấu kiện gỗ đều to khoẻ, mập mạp. Hệ thống vì kèo kết cấu theo kiểu “thượng chồng dường giá chiêng, hạ kẻ trường”. Trang trí trên các cấu kiện gỗ phổ biến là đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, hoa lá cách điệu… được đục chạm mềm dẻo, sinh động và điêu luyện.

Bên cạnh những giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc truyền thống, đình làng Như Nguyệt còn lưu giữ được hệ thống di vật cổ giá trị tiêu biểu như: tượng đức thánh cả Trương Hống và đức thánh Bà (phu nhân của Trương Hống) đặt giữa cung cấm, 4 ngai thờ (các vị con của Trương Hống được đưa vào phối thờ), một đạo sắc phong niên đại Khải Định 9 (1924), 2 cỗ kiệu bát cống đục chạm tinh xảo, 3 nồi hương gốm sứ, một bức đại tự “Thánh cung vạn tuế” và 3 đôi câu đối cổ lòng khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng, tất cả đều có niên đại tạo tác dưới hai triều đại Lê – Nguyễn. Trong đó đặc biệt đáng chú ý nhất là chiếc thuyền thờ bằng gỗ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có liên quan đến việc thờ tục “hèm” độc đáo của vị Thành hoàng hiện đang được thờ tại đình làng Như Nguyệt. Thuyền có chiều dài tổng cộng 75cm, điểm rộng nhất là 17,5cm, lòng thuyền rộng 14cm, đầu và đuôi thuyền cao 20cm, điểm giữa cao 10cm. Thuyền hình bán nguyệt cong về 2 phía, tạo dáng hình một con rồng đang trong tư thế bay. Toàn bộ bề mặt được sơn son thiếp vàng. Đầu thuyền hơi uốn cong, hai bên chạm hình đầu rồng với đầy đủ các bộ phận như bờm, râu, tóc, miệng ngậm ngọc, thân có vẩy lẫn vân mây. Đuôi thuyền chạm hình đuôi rồng xoắn tổ tò vò đặc trưng rồng thời Nguyễn. Lòng thuyền trũng, đầu và đuôi thuyền cao, thành thuyền có đóng mỗi bên 3 chốt (cá) gỗ, phía đầu và đuôi trang trí hoa văn chữ triện. Điểm đáng lưu ý ở đây là phía dưới đáy thuyền chính giữa có đục một lỗ nhỏ đường kính khoảng 1cm, điều này minh chứng cho sự kiện gia đình đức thánh Tam Giang khi chèo thuyền về tới ngã Ba Xà thì cả nhà cùng rút lõ thuyền tự vẫn quyết không hợp tác với Lý Phật Tử, một lòng trung thành với Triệu Việt Vương, thể hiện rõ khí tiết của một bầy tôi “quân tử” quyết không phụng sự hai vua. Chiếc thuyền thờ này không những mang ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc gỗ dưới triều Nguyễn (thế kỷ XIX) và tục thờ “hèm” độc đáo, hiếm thấy của một trong 372 làng dọc theo bờ sông Cầu huyền thoại cùng thờ đức thánh Tam Giang làm Thành hoàng. Di sản văn hóa vật chất độc đáo, quý báu này cần phải được bảo tồn và phát huy đúng giá trị vốn có của nó.

Tóm lại với những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đình làng Như Nguyệt được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa – Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 21/12/2012. Việc xếp hạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đình làng trên vùng đất cổ Yên Phong nói riêng và quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc văn hiến nói chung./.

Ngày đăng: 24-03-2020
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website