TIM HIỂU MỘT SỐ ĐIỂN CỐ VĂN HỌC TRONG LỜI CA QUAN HỌ
Dân ca quan họ truyền thống là loại dân ca trữ tình không dùng nhạc đệm. Có người gọi là thể loại hát thơ, vì hầu hết nội dung các bài hát của dân ca quan họ là những bài thơ và ca dao. Thơ ca của người xưa thường dùng nhiều điển cố.
Chúng ta gặp rất nhiều điển cố văn học, thi ca cổ trong các bài dân ca Quan họ. Bài: “Dưới giời mấy kẻ ra” có câu :
Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ
Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh
Yêu nhau trở lại xuân đình
Nghề chơi quan họ có tinh mới tường.
Hai chữ “xuân đình” ở trong bài ca này là nói tới cảnh trí vui vẻ của mùa xuân, nơi gặp gỡ của những đôi trai thanh, gái lịch. Thơ Lương Giản Văn Đế có câu: “Xuân đình lạc cảnh” có dụng ý như vậy.
Tiễn đưa một chén quan hà
Xuân đình thoắt đã dạo ra Cao đình
(Nguyễn Du)
Cổ thi có câu “Cao đình tương biệt xứ”, Cao đình là một cái đình, một cái trạm để dừng chân ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc). Cao đình là nơi tiễn biệt, chia tay nhau.
Bài “Kẻ bắc người nam” có câu:
Bây giờ kẻ Bắc người Nam
Ngựa Hồ, chim Việt biết làm sao đây?
Thơ của người xưa: “Hồ mã tệ Bắc phong/ Việt điểu sào Nam chi” (ngựa Hồ hí theo gió Bắc/ Chim Việt làm tổ cành Nam). Đất Hồ ở phương Bắc lắm ngựa quý, nước Việt ở phương Nam có nhiều chim lạ, ngựa và chim đó bị đưa vào Trung Quốc vẫn nhớ nước cũ, ý nói lòng nhớ thương khi phải chia xa.
Người nhìn kẻ lại trông theo
Ngựa Hồ chim Việt nhiều điều nhớ nhau”
(Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện)
Bài: “Duyên kim lá thắm chỉ hồng” có câu:
Duyên kim lá thắm chỉ hồng
Thuyền quyên còn đợi anh hùng nên chăng.
Trong Kinh Dịch có viết: “Không phải chỉ có những vật đồng loại mới có sự tương cảm, mà có cả những sự tương cảm đối với những vật khác như thạch hút kim, hổ phách hút hạt cải…” Duyên kim (cải) là ý nói vì tính tình hòa hợp mà tìm đến nhau, ý nói tình chồng vợ gắn bó.
Kể từ kim cải duyên ưa
Dây leo cây bách mong chờ về sau
Ngoài từ kim cải ra, chúng ta còn gặp nhiều chữ kim gắn với một chữ khác nữa, như Kim ngư (cá vàng), Kim chi ngọc diệp (Cành vàng lá ngọc), Kim mã (ngựa vàng), Kim ô (quạ vàng), Kim thằng (dây bằng vàng), Kim phong (Gió vàng, gió mùa thu)…
Bài : “Đôi bên bác mẹ sinh thành,” có câu:
Người đi đâu mà chẳng gieo cầu
Để tôi luống những chịu sầu chiêu đăm
Theo “Tam hợp bảo kiếm” Vua Hán Vũ Đế mỗi khi kén rể, thường cho công chúa ngồi trên lầu cao, nhìn xuống dưới sân, tìm chọn trong đám vương hầu, công tử thấy người nào vừa ý thì cầm quả cầu gieo xuống chỗ người ấy đứng
Ba chàng kinh sử dùi mài
Mặc ai kết chỉ, mặc ai gieo cầu.
(Nữ tú tài)
Bài “Thiết tha” có câu:
…Sợ sau mang tiếng ở đời
Không nghe thì nể lòng người xiết bao…!
Tôi chẳng dám tiếc công nào
Còn e lòng khách Động Đào sớm chăng…!
Nguyên là bên Trung Quốc, tại tỉnh Hồ nam, trên ngọn núi ở phía tây nam huyện Đào Nguyên, dưới quả núi này có một cái động gọi là động Đào Nguyên. Tích này lấy trong bài Đào hoa nguyên ký, Đào Tiềm có kể rằng: “ Có một người đánh cá ở Vũ Lăng, bơi thuyền ngược dòng suối, thấy hai bên bờ suối mọc đầy hoa đào. Đi mãi sâu vào trong người đó thấy một bản làng có dân cư ăn mặc theo trang phục đời Tần. Hỏi ra mới biết để tránh chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên họ đến đó ở ẩn, sống ở đó rất tự do, sung túc và yên bình. Người đánh cá ra về kể lại chuyện đó với mọi người, về sau người đánh cá mấy lần muốn trở lại động Đào Nguyên nhưng không còn tìm được lối vào cửa động. Văn học cổ nhắc tới tới động Đào Nguyên (gọi tắt là Động Đào) để nói đến nơi có cảnh đẹp, người đẹp và có cuộc sông yên bình như cõi tiên.
Bài “Nhớ mãi khôn nguôi”, một bài trong hệ thống làn điệu giã bạn có lời ca thiết tha, đẹp đẽ, có câu: Chợp mắt thiu thiu, hồn mai phảng phất, đứng bên bạn vàng…Chữ hồn mai các nghệ nhân xưa đã lấy từ sách: “Long thành lục” kể chuyện Triệu Sư Hùng người đời Tùy, một buổi chiều đi qua núi La Phù, vào một cái quán bên đường, được chủ quán là một người phụ nữ dọn rượu cho uống. Triệu say rượu nằm ngủ, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy mình nằm ở dưới gốc một cây mai. Lúc tỉnh dạy mới biết việc mình vào quán được một người đẹp cho uống rượu chỉ là một giấc chiêm bao.
Mơ màng phách quế hồn mai
Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.
(Nguyễn Du)
Bài “Sầu đong càng lắc càng đầy” có những câu thơ sau:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao
Ba thu: Trong Kinh Thi có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không được gặp mặt người yêu, thấy dài như ba thu). Sách Thi Sớ cho rằng: Mỗi mùa thu ba tháng, ba thu là chín tháng. Còn một cách hiểu khác là: Tháng chín là tháng thứ ba của mùa thu. Theo Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu có câu: “Thủy thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu”, (nước trời một sắc, phong cảnh ba thu) – tức là cảnh tháng chín .
Mây Tần: Là đám mây trên đỉnh núi Tần Lĩnh. Thơ Hàn Dũ, đời nhà Đường: “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại”, (Mây che nganh núi Tần Lĩnh, quê nhà ở nơi nào?), nói tới lòng nhớ quê nhà.
Bụi hồng: Tiếng Hán có chữ hồng trần. bài phú của Ban Cố đời Hán có câu: “Hồng trần tú hợp” (Đám bụi hồng bốn bên hợp lại). Thơ của Trần Đoàn có câu: ‘Thập niên tung tích tẩu hồng trần” (Tung tích mười năm nay chạy vạy ở cõi hồng trần). Như vậy bụi hồng chỉ trốn trần gian, hay nơi phồn hoa đô hội.
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi
(Nguyễn Du)
Bài “Sở cầu như ý” là một bài dùng nhiều điển cố:
Sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Nguyện trăm năm duyên bén sắt cầm.
Chén son để lưu nhang mãi mãi,
Để muôn đời từ cổ chí kim.
Cả đôi bên tâm đầu ý hợp,
Chén rượu quỳnh một hớp nên say.
Khách kim lan Châu Trần là ngãi,
Để đi tìm nguỵên ước ba sinh.
Chiếc kim thoa gửi vào cõi ấy,
Sợi xích thằng từ đấy kíp se.
Hỏi đôi ba người đợi đến bao giờ.
Sắt cầm: Là đàn sắt và đàn cầm. Đàn sắt thời xưa có 50 dây, về sau điều chỉnh lại còn 25 dây. Đàn cầm thời cổ có 5 dây, sau sửa lại thành 7 dây. Hai loại đàn này thường hòa tấu với nhau. Trong Kinh Thi có câu: “Yểu điệu thục nữ, cầm sắt vĩ chi” (Người thục nữ yểu điệu, làm bạn sắt cầm), chỉ sự hòa hợp vợ chồng.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh dứt, phím loan ngại ngùng.
(Chinh phụ ngâm).
Rượu quỳnh: Chỉ một thứ rượu quý, ngon:
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng
(Nguyễn Du)
Châu Trần: Là tên một thôn, nay thuộc huyện Phong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, chỉ có hai họ Châu và họ Trần đời nối đời làm thông gia với nhau. Thơ Bạch Cư Dị: “Từ Châu cổ Phong huyện/ Hữu thôn viết Châu Trần/ Nhất thôn duy lưỡng tính/ Thế thế vi hôn nhân” (Huyện Phong xưa ở đất Từ Châu/ Có một thôn gọi là Châu Trần/ Một thôn chỉ có hai họ/ Đời đời làm thông gia với nhau). Trong văn học cổ, khi nhắc tới Châu Trần là ý muốn nói tới việc kết hôn cho xứng đôi vừa lứa.
Thực là tài tử giai nhân
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
(Nguyễn Du)
Tôi với người Châu Trần là ngãi/nghĩa
Xin người đừng kén chọn vàng thau
(DCQH Bắc Ninh)
Xích thằng là sợi dây màu đỏ. Theo “Tục u quái lục”, Vi Cố một người đời Đường, đi sang Tống Thành chơi, gặp một cụ già ngồi dưới bóng trăng đang kiểm sổ sách và nhìn thấy trong chiếc túi của cụ già có cuộn dây đỏ. Vi Cố hỏi, cụ già cho biết: “ Đây là cuốn sổ hôn nhân và cuộn dây đỏ dùng để buộc chân nam nữ. Dẫu cho gia đình đôi bên có những mâu thuẫn, bất hòa với nhau, hoặc phải ở xa nhau, một khi đã lấy sợi dây đỏ đó buộc chân đôi nam nữ lại với nhau thì tất sẽ trở thành vợ chồng gắn bó mãi mãi.”
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không
(Nguyễn Gia Thiều)
Những cụm từ: Xích thằng, tơ hồng, tơ đỏ, chỉ hồng, chỉ thắm, nguyệt lão, trăng già, ông tơ bà nguyệt… đều có hàm ý chỉ việc mai mối, kết nhân duyên vợ chồng.
Ba sinh: Theo giáo lý của nhà Phật, khi con người ta chết đi rồi lại luân hồi ở kiếp khác (sống lại). Ba sinh là ba kiếp: Kiếp trước, kiếp này, và kiếp sau. Văn học cổ nói đến ba sinh là nói đến duyên nợ ràng buộc giữa hai người, mối duyên nợ từ kiếp trước truyền lại.
Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi.
(Nguyễn Du)
Trong bài: “Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu”, có câu:
…Từ khi đá biết tuổi vàng
Lòng càng thắm thiết, dạ cành ngẩn ngơ…
Đây là một câu lấy từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, đá thường dùng để khắc bia, vàng là một thứ kim loại quý, dùng làm đồ trang sức, hay còn để đúc chuông, đúc khánh. Đá vàng chỉ sự bền vững không thay đổi, gắn bó mãi mãi, thủy chung vẹn toàn.
Đã lòng quân tử đa mang
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung
(Nguyễn Du)
Đá vàng ở đây không nói về giá trị vật chất mà nói về giá trị tinh thần, giá trị tâm hồn, về tình cảm mặn nồng, son sắt. Đá vàng cũng được nhắc tới như sự lưu truyền tên tuổi:
Được thua mấy cõi chiến tràng
Nghìn năm tiết nghĩa đá vàng lưu danh
(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái)
Bài “Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu” thấy “lẩy” một câu Kiều:
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
Chữ đồng tâm ở đây chỉ sự gắn bó thân yêu giữa vợ với chồng. Do tiếng Hán có các từ: Đồng tâm đới, hoặc đồng tâm kết. Đó là cái nút thắt bằng hai dải lụa, ngày xưa dùng để bày tỏ tình nghĩa khăng khít. Theo “Tùy Thư”, vua Tùy Dượng Đế sai lấy lụa ngũ sắc kết thành nút gọi là đồng tâm kết ban cho người vợ yêu của mình
Bấy lâu khăng khít dải đồng
Thêm người, người cũng chia lòng riêng tây
(Nguyễn Du)
Trong bài: “Vui bốn mùa”, trổ cuối có câu: “Đông ngâm bạch tuyết ngâm nga chơi bời”. Bạch Tuyết ở đây là một khúc hát cổ do Sư Khoáng, một nhạc công nổi tiếng của Trung Quốc xưa sáng tác ra. Trong bài :”Đối Sở vương vấn” (trả lời câu hỏi của vua Sở) của Tống Ngọc đời Chiến Quốc có câu: “Kỳ vi dương xuân bạch tuyết, quốc trung nhi họa giả ,bất quá sổ thập nhân” (Khi hát mừng những khúc dương xuân bạch tuyết thì người trong nước hòa theo, được bất quá chỉ vài mươi người), ý nói khúc hát hay nhưng rất khó hát, vì sự tinh tế của âm nhạc, do đó rất ít người hát được.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ tìm hiểu một số điển cố văn học trong mấy bài hát dân ca Quan họ. Còn rất nhiều điển cố nữa chúng tôi xin được trình bày vào dịp khác. Ngày nay nhiều người không hiểu các điển cố này cho nên đã hát sai, làm cho mất đi vẻ đẹp vốn có của các bài hát. Chẳng hạn: Xuân đình thì hát thành Xuân tình; Duyên kim hát thành duyên kia; Gieo cầu hát thành giao cầu; Động Đào hát ra Đông Đào; Bụi hồng liệu nẻo lại hát thành bụi hồng lẽo đẽo…Đông ngâm thì hát thành đông âm… Qua đây hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ đang học hát dân ca Quan họ nếu đã từng hát sai thì sẽ hát cho đúng bài bản vốn có của Quan họ.
Đỗ Hữu Bảng (Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác
Di tích Quốc gia chùa Tam Sơn 07-03-2024
Đình Đạo Tú - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia 16-02-2024
TƯ LIỆU, HIỆN VẬT LIÊN QUAN TỚI TỤC THỜ TRIỆU ĐÀ LÀM THÀNH HOÀNG LÀNG Ở BẮC NINH 25-08-2022
Độc đáo chốn tổ Bảo Quang tự 02-06-2022
TẤM BIA ĐÁ “CỔ TÍCH THẦN BI” – DI VĂN CỦA TIẾN SĨ NGÔ NHÂN TRIỆT Ở ĐỀN LÀNG VỌNG NGUYỆT 06-04-2021
PHÁT HIỆN TẤM BIA “SÁNG LẬP HẬU THẦN” – DI VĂN CỦA BẢNG NHÃN ĐÀO CÔNG CHÍNH 06-04-2021
ĐỘC ĐÁO HAI CÂY CẦU ĐÁ CỔ Ở THUẬN THÀNH 01-03-2021
DẤU TÍCH KIẾN TRÚC CHÙA KHAI QUANG LÀNG VỌNG NGUYỆT 27-01-2021
ĐÌNH NGHĨA VI 27-01-2021
Từ chỉ huyện Yên Phong và tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” 10-10-2020