CHUÔNG CHÙA LÀNG PHÙNG XÁ

Tại tòa Tam bảo chùa làng Phùng Xá, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hiện còn lưu giữ được một quả chuông đồng lớn (đại hồng chung) đúc năm 1839. Trên thân chuông khắc bài minh chữ Hán ghi chép về việc đúc chuông cùng toàn bộ tên họ những người công đức. Đặc biệt có sự hưng công đóng góp của đại gia đình Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở (1754 - 1840) người xã Hương Triện đăng khoa năm 1787.

Chùa làng Phùng Xá (tên chữ là Khánh Linh tự) tọa lạc gần đền Côn Nương, có niên đại khởi dựng từ lâu đời, dưới thời Lê – Nguyễn chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Vào năm 2012 chùa được đại trùng tu với quy mô lớn theo phong cách nghệ thuật kiến trúc truyền thống gồm nhiều hạng mục công trình như: Tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách… Công trình kiến trúc chính là tòa Tam bảo mặt bằng hình chữ Đinh xây dựng theo kiểu “tàu đao lá mái” gồm Tiền đường 5 gian và 3 gian Thượng điện, mặt chính quay theo hướng Tây Nam. Hệ thống di vật cổ ở chùa hiện còn bảo lưu được gồm: 13 pho tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy, 01 bức hoành phi “Khánh Linh tự”, câu đối, bát hương… trong đó giá trị nhất là quả đại hồng chung đúc dưới thời Nguyễn – năm 1839.

Chuông chùa làng Phùng Xá đúc năm 1839.

Chuông chùa làng Phùng Xá đúc năm 1839.

Chuông có kích thước khá lớn cao toàn bộ 98cm (riêng quai cao 22cm), đường kính miệng 42cm, chu vi thân 115cm. Quai chuông là một đôi bồ lao đấu lưng vào nhau 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía trên đỡ quả hồ lô. Bồ lao có đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, vây, đao lửa, mũi to, miệng há rộng ngậm ngọc, thân và chân có vẩy. Vai chuông hơi vuông, thân phình, miệng loe rộng, gờ miệng giật cấp. Toàn thân chia làm 8 ô (4 ô trên khắc chữ Hán, 4 ô dưới chạm nổi đề tài tứ quý “long, lân, quy, phượng”), ngăn cách giữa các ô là những đường chỉ nổi (gân chuông) gồm 5 đường ngang và 5 đường dọc, đường ở giữa to hơn hai đường bên cạnh. Xung quanh thân chuông (vị trí đường gân ngang) có 4 núm đánh đối xứng nhau hình tròn nổi cao, đường kính 12cm, mỗi núm đính 30 hạt tròn (hạt lựu). Trên vai chuông khắc nổi 4 chữ Hán lớn trong khung hình lá đề cân (mỗi chữ 1 ô) nội dung: ‘‘Khánh Linh tự chung’’ có nghĩa là: chuông chùa Khánh Linh. Ngoài ra toàn bộ 4 ô lớn phía trên thân chuông khắc kín bài minh chữ Hán, tất cả khoảng hơn 1000 chữ, kiểu chữ chân phương còn rất rõ nét. Nội dung bài minh ghi khắc lý do đúc chuông cùng toàn bộ tên họ những người công đức tiền của dùng vào việc đúc chuông. Phần đầu bài minh cho biết: “Tại xã Phùng Xá, huyện Gia Bình, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh gồm các vị: nhà sư trụ trì tự Phổ Tri, Hương lão Nguyễn Đình Quyền, Nguyễn Gia Truyền, Phùng Văn Đễ, Phùng Bá Đường, Trần Trọng Pháp cùng toàn xã trên dưới lớn nhỏ cùng hiệp lực với các vị Cử nhân Lê Đình Công người xã Gia Phú, Tú tài Nguyễn Đăng Kiêm người xã Hương Triện, Tú tài Nguyễn Thời Phẩm người xã Vạn Ty, Tú tài Lê Bá Tán người xã Bảo Triện cùng nhau tập hợp lại những người có tấm lòng thiện khắp thập phương mua đồng, thuê thợ đổ khuôn đúc chuông đến nay sự việc đã hoàn thành trọn vẹn. Bèn ghi khắc lại tên các vị hưng công hội chủ tùy duyên công đức…”. Trong đó đứng đầu danh sách những người công đức đúc chuông là đại gia đình Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở người xã Hương Triện gồm: Chánh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787) làm quan tới chức Quốc tử giám Tư nghiệp chính nhậm quan cúng tiền 1 quan (tức Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở khi đó đã 86 tuổi) cùng các con cháu là Nguyễn Đăng Châu Cử nhân khoa Tân Tỵ giữ chức Huấn đạo huyện Nam Trân cúng tiền 3 quan và Nguyễn Đăng Lăng cúng tiền 3 quan. Chuông đúc hoàn thành vào ngày mùng 4, tháng 12 năm Minh Mệnh 20 (1839).

Tóm lại chuông chùa làng Phùng Xá là cổ vật quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình chuông đồng đúc vào đầu thời Nguyễn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh – một trong những địa phương có mật độ phân bố chuông thời Nguyễn khá nhiều so với các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Thông qua nội dung bài minh chữ Hán khắc trên thân chuông phần nào phản ánh được truyền thống hiếu học, khoa bảng cùng địa vị của đại gia đình Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở trên vùng đất Gia Bình những năm đầu thế kỷ XIX./.

Ngày đăng: 24-04-2020
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website