ĐÌNH VỌNG NGUYỆT VÀ TỤC “GIÁO PHÁO BÌNH THƠ”.

Đình Vọng Nguyệt thuộc thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong. Đây là một ngôi đình cổ còn bảo lưu được khá nguyên sơ nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Xưa kia vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm tại đình Vọng Nguyệt diễn ra lễ hội truyền thống và tục “Giáo pháo bình thơ” nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Sự kiện này được chép trong sách “Bắc Ninh phong thổ tạp ký” viết vào khoảng cuối thế kỷ XIX.

Trước đây đình Vọng Nguyệt được xây dựng ở ngoài đê sông Cầu, trải qua thời gian, thiên tai lụt lội ngôi đình cũ bị đổ nát, đến cuối đời vua Tự Đức dân làng chuyển về vị trí như hiện nay. Theo dòng niên đại chữ Hán “Hoàng triều Tự Đức Canh Thìn niên Quý Đông” khắc trên câu đầu cho biết đình Vọng Nguyệt được xây dựng lại vào tháng 12 năm Canh Thìn niên hiệu Tự Đức 33 (1880) cho đến nay đã trải qua một vài lần tu sửa nhỏ nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Đình Vọng Nguyệt quay hướng Đông tọa lạc ở giữa làng có mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhất (-) gồm một tòa Đại đình 3 gian 2 chái (phần Hậu cung bị dỡ bỏ lấy gỗ làm trường học của xã vào những năm 1960). Bộ khung đình làm bằng gỗ lim to khỏe, kết cấu vì kèo theo kiểu thượng con chồng giá chiêng hạ kẻ trường. Nghệ thuật chạm khắc ở đình Vọng Nguyệt mang đậm phong cách thời Nguyễn tập trung chủ yếu trên các kết cấu kiến trúc như: cốn, con rường, đầu dư, bẩy hiên, đề tài trang trí “tứ linh” và hoa lá cách điệu. Đặc biệt là hai bức cốn tại gian giữa bằng kỹ thuật chạm nổi người nghệ sỹ dân gian thỏa sức thể hiện tài nghệ của mình với đề tài “rồng ngậm ngọc”, “long cuốn thủy”, “quy đồ thư”, “phượng vũ kỳ lân”, “phượng hàm thư”. Theo các cụ cao niên cho biết, đình Vọng Nguyệt xưa do hai hiệp thợ làm, một là người trong làng và một là do làng mời từ nơi khác đến. Nhìn vào đề tài trang trí thấy rằng hiệp thợ làm đình phía bên tay trái (nhìn từ ngoài vào) có tay nghề giỏi hơn, các mảng chạm được tạo tác tỷ mỷ cẩn thận đến từng chi tiết, kỹ thuật điêu luyện với các đường nét tinh xảo.

Ảnh: Đình Vọng Nguyệt

Ảnh: Đình Vọng Nguyệt

Hiện nay đình Vọng Nguyệt không có tài liệu nào như thần tích, sắc phong nói về nhân vật được thờ ở đây. Theo truyền thuyết tại địa phương thì đình thờ Lý Đông Chinh thời Lý. Sau này nhân dân phối thờ 8 vị đỗ đại khoa và 54 vị liệt sĩ là người làng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hệ thống cổ vật ở đình Vọng Nguyệt còn một bức hoành phi “Vạn thọ vô cương” và một ngai thờ niên đại thời Nguyễn, còn lại là các đồ thờ mới tạo tác.

Bên cạnh giá trị về kiến trúc và điêu khắc, giá trị của đình Vọng Nguyệt còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống. Trước kia cứ vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm đình Vọng Nguyệt lại tổ chức mở hội vui xuân. Xưa hội đình kéo dài trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày mồng 3 đến hết ngày mồng 4 tháng Giêng. Để lo công việc đình đám, từ trong năm làng cử 2 trong 8 giáp chuẩn bị mọi công việc cho ngày hội. Vào đám, ngày mồng 3 làm lễ mở cửa đình. Ngày mồng 4 chính hội, dân làng tổ chức tế lễ các vị thần tại đình, đội tế gồm có 2 ông quan đám làm chủ tế, 8 ông quan trung làm bồi tế và 20 quan viên tế. Mâm lễ tế có xôi, lợn, trầu, rượu, hoa quả và được tổ chức trang nghiêm. Trong những ngày hội, ngoài phần lễ là phần hội với nhiều tục trò như: đánh đáo, chọi gà, cờ người… nhưng đặc biệt nhất là tục “Giáo pháo bình thơ”. Tục này như sau:

Vào ngày mồng 4 chính hội, sau khi tế lễ xong, 2 ông chủ tế và 8 ông bồi tế chia làm hai hàng ngồi hai bên tại gian giữa đình, cả 10 ông đều được chùm chăn ướt để tránh pháo nổ vào người, có một người đánh trống ngũ liên ngồi ở gian bên cạnh. Khi tiếng trống bắt đầu vang lên, dân làng ai có pháo thì mắc lên cần tre, châm lửa đốt và đi từ ngoài sân vào trong đình, hết người này đến người khác không dứt. Tiếng pháo nổ, tiếng trống cùng với tiếng reo hò làm cho không khí lễ hội ở đình vô cùng đông vui náo nhiệt. Khi đã hết người đốt pháo, hai ông chủ tế (lúc này được gọi là ông Giáo) ra ngoài sân, vái tứ phương rồi một ông đọc bài thơ “đệ nhất”, một ông đọc bài thơ “đệ nhị”, nội dung là những lời chúc toàn thể dân làng sẽ gặp được nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, học hành đỗ đạt trong năm. Sau khi hai “ông Giáo” đọc thơ xong, 4 người đại diện cho 2 giáp phụ trách tổ chức lễ hội năm đó ra đọc thơ “tứ dân” (sỹ, nông, công, thương). Nội dung các bài thơ là lời chúc cho các nghề: sỹ, nông, công, thương trong năm sẽ gặp được nhiều điều tốt lành, may mắn.

Ảnh: Hội làng Vọng Nguyệt (năm 2012)

Ảnh: Hội làng Vọng Nguyệt (năm 2012)

Ngày nay lễ hội và tục “Giáo pháo bình thơ” ở đình Vọng Nguyệt không còn được tổ chức nhưng nội dung những bài thơ “đệ nhất”, “đệ nhị”, “tứ dân” vẫn được nhân dân Vọng Nguyệt gìn giữ và bảo tồn. Vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm dân làng Vọng Nguyệt tổ chức lễ cầu thọ tại đình vẫn đọc các bài thơ kể trên với ước vọng cầu mong cho toàn thể dân làng một năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn tấn tới, mùa màng bội thu. Đây là nét đẹp của một làng khoa bảng giàu truyền thống nhân văn trên vùng đất cổ Kinh Bắc.

Với những giá trị nêu trên đình Vọng Nguyệt được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 15/1/2009.

Ngày đăng: 24-04-2020
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website