HỆ THỐNG BIA ĐÁ Ở NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN ĐĂNG
Nhà thờ họ Nguyễn Đăng thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIX để thờ cúng tổ tiên và tưởng niệm hai danh nhân khoa bảng (hai ông cháu) của gia tộc là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Giai (đăng khoa năm 1721) và Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở (đăng khoa năm 1787) cùng nhiều vị đỗ Cử nhân, Tú tài của dòng họ.
Nhà thờ họ Nguyễn Đăng xưa đã bị phá hủy hoàn toàn do thời gian, chiến tranh loạn lạc, đến năm Tân Mùi (1991) gia tộc Nguyễn Đăng tiến hành xây dựng lại nhà thờ trên nền đất cũ (vốn là nhà ở của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở lúc sinh thời). Hiện nay nhà thờ họ Nguyễn Đăng có mặt bằng kiến trúc tổng thể hình chữ nhất (-) gồm 3 gian, quay hướng chính Đông, khung nhà làm bằng gỗ lim và gỗ sến, kết cấu vì kèo theo kiểu “quá giang gác tường” các cấu kiện gỗ đều được bào trơn đóng bén. Mái lợp ngói vảy cá, phía trước có hai cột trụ lồng đèn đắp câu đối chữ Hán. Tại nhà thờ họ Nguyễn Đăng còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: ngai thờ, bài vị niên đại thời Nguyễn, hoành phi, câu đối phục chế theo lối cổ vào năm Bính Tý (1996) nội dung ca ngợi truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ cùng nhiều đồ thờ tự mới tạo tác như: sập thờ gỗ, bát hương gốm, chân đèn… đặc biệt còn bảo lưu được hệ thống bia đá tương đối phong phú đa dạng về mặt thể loại và nội dung thông tin. Toàn bộ hệ thống bia đá ở nhà thờ họ Nguyễn Đăng đều được tạc bằng đá xanh nguyên khối, dáng dẹt, trán và diềm bia không trang trí hoa văn, xung quanh chỉ soi gờ thẳng. Kích thước các tấm bia ở mức trung bình, trong đó tấm có kích thước lớn nhất cao 108cm, rộng 56cm, dầy 18cm, tấm có kích thước nhỏ nhất cao 86cm, rộng 48cm, dầy 16cm. Lòng bia đều khắc chữ Hán cả hai mặt, thể chữ chân phương còn khá rõ nét. Ngoài ra ở khu lăng mộ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở còn dựng tấm bia “Hương Triện lưu thạch” dáng long đình. Bia cao 125cm, rộng 46cm, dầy 17cm nội dung ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở. Tất cả 6 tấm bia đá đều được dựng khắc đầu thời Nguyễn vào các năm 1832, 1839, 1841, 1844, 1849 (2 tấm) thời điểm trước và sau khi Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở qua đời. Trong đó duy nhất có tấm bia “Sùng đức bi ký” khắc năm 1832 ghi chép về thế thứ của dòng họ do đích thân Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở là người thuật lại nội dung. Còn lại 5 tấm bia khác do con cháu và môn sinh của ông cùng nhân dân 2 xã Hương Triện, Khoái Khê lập sau khi ông mất. Hệ thống bia đá ở nhà thờ họ Nguyễn Đăng tuy trang trí chạm khắc đơn giản nhưng lại chứa đựng khá nhiều nội dung thông tin quan trọng về gia đình Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở cùng với việc phân chi của dòng họ Nguyễn Đăng (bắt đầu từ các con trai của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở) và tình hình phân chia ruộng đất phục vụ cho việc tế lễ của các chi họ Nguyễn Đăng. Ngoài việc xây dựng từ đường và phân ruộng cho các chi canh tác, phu nhân cùng các con, cháu của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở còn cung đức tiền của, ruộng đất vào việc xây dựng từ vũ, đình xã Hương Triện và đình xã Khoái Khê cho nên nhân dân hai xã đó mãi nhớ công ơn của gia tộc, hàng năm đều sửa lễ đến tế tại từ đường, điều này được khắc vào bia đá để lưu truyền mãi mãi. Nội dung văn bia còn cho biết chính xác lai lịch, thân thế, sự nghiệp, quan tước, năm sinh, năm mất của hai ông cháu Tiến sĩ Nguyễn Đăng Giai và Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở đều thi đỗ đại khoa vào thế kỷ XVIII.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu nội dung và ý nghĩa của hệ thống bia đá ở nhà thờ họ Nguyễn Đăng là một trong những việc làm thiết thực, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các tư liệu văn từ Hán Nôm hiện còn trong các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Nội dung văn bia cung cấp nhiều thông tin giá trị về lịch sử của dòng họ Nguyễn Đăng một trong những gia tộc có truyền thống hiếu học, khoa bảng nổi tiếng dưới thời Lê Trung Hưng. Các tác phẩm văn bia còn hàm chứa giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống hiếu học, khoa bảng của xứ Bắc Ninh – Kinh Bắc văn hiến nói chung và dòng họ Nguyễn Đăng làng Hương Triện nói riêng.
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác
Di tích Quốc gia chùa Tam Sơn 07-03-2024
Đình Đạo Tú - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia 16-02-2024
TƯ LIỆU, HIỆN VẬT LIÊN QUAN TỚI TỤC THỜ TRIỆU ĐÀ LÀM THÀNH HOÀNG LÀNG Ở BẮC NINH 25-08-2022
Độc đáo chốn tổ Bảo Quang tự 02-06-2022
TẤM BIA ĐÁ “CỔ TÍCH THẦN BI” – DI VĂN CỦA TIẾN SĨ NGÔ NHÂN TRIỆT Ở ĐỀN LÀNG VỌNG NGUYỆT 06-04-2021
PHÁT HIỆN TẤM BIA “SÁNG LẬP HẬU THẦN” – DI VĂN CỦA BẢNG NHÃN ĐÀO CÔNG CHÍNH 06-04-2021
ĐỘC ĐÁO HAI CÂY CẦU ĐÁ CỔ Ở THUẬN THÀNH 01-03-2021
DẤU TÍCH KIẾN TRÚC CHÙA KHAI QUANG LÀNG VỌNG NGUYỆT 27-01-2021
ĐÌNH NGHĨA VI 27-01-2021
Từ chỉ huyện Yên Phong và tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” 10-10-2020