VĂN HÓA LÀNG XÃ CỦA NGƯỜI VIỆT

Làng của người Việt là một khối dân cư ở nông thôn, có địa vực, cơ sở hạ tầng, cơ cấu tổ chức, phong tục tập quán, tâm lý, quan niệm, tính cách và “hương âm”; “thổ ngữ” riêng, hoàn chỉnh và khá ổn định trong quá trình lịch sử. Làng cũng là một đơn vị cư trú do dòng họ tự nguyện lập nên, chẳng hạn: Đặng Xá, Đỗ Xá, Niềm Xá, Đông Xá, Lê Xá, Dương Xá, Trần Xá…

Trong làng, mỗi dòng họ gồm nhiều gia đình. Gia đình là nền tảng của đất nước, nhiều gia đình hợp lại thành đất nước. Mọi người ai cũng biết nước (quốc gia) thì có Vua, ở nhà (gia đình) thì có ông bà, cha mẹ. Dòng tộc là hình thức gia đình mở rộng, quan hệ huyết thống, có vai trò giúp đỡ, uốn nắn những hành vi lệch lạc, không hợp với đạo lý. Tiểu gia đình là gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân. Đại gia đình là gia đình lớn gồm ba, bốn hoặc năm thế hệ sống chung trong một ngôi nhà, gọi là tam đại, tứ đại hoặc ngũ đại đồng đường. Gia đình nào cũng có một bàn thờ gia tiên, gia tộc thì có nhà thờ họ. Người làng xử sự với nhau dựa vào các triết lý của Khổng giáo, đạo Phật, đạo Lão và tín ngưỡng thờ tổ tiên. Đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng, cũng là trụ sở làm việc của Hội đồng kỳ mục và nơi tổ chức lễ hội của làng. Đình, nghè, đền, miếu, cây đa, giếng nước và cổng làng… là niềm tự hào của tất thảy người dân trong làng. Chùa làng là nơi thờ Phật. Đền là nơi thờ Mẫu hoặc thờ những vị anh hùng có công với dân với nước, có khi thờ các vị tổ nghề. Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử và nơi hội họp của những người trong Hội tư văn trong làng. Võ chỉ là nơi thờ các vị tổ nghề võ, cũng là nơi sinh hoạt của các thành viên Hội tư võ.

Hàng xóm láng giềng sống với nhau cơ bản hòa thuận, trên bảo dưới nghe, xưng hô như họ hàng, đáng tuổi gì gọi tuổi ấy: ông, bà, chú, bác, cô, cậu…và luôn “sớm lửa, tối đèn có nhau”; “bán anh em xa mua láng giềng gần”, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau những khi cần thiết. Mọi người không ưa lối sống “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng” hoặc “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”… Người làng luôn tôn trọng người cao tuổi, “kính lão đắc thọ”, các cụ bô lão khi họp làng được ngồi chiếu trên, “triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ’”. Tinh thần cộng đồng rất cao, đó là đặc tính cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm.

Làng xã của người Việt xưa có kết cấu rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Hệ thống tổ chức gồm Hội đồng kỳ mục (hay còn gọi là Hội đồng hương chính) và lý trưởng do dân làng tự bầu, Nhà nước phê chuẩn. Cùng với lý trưởng có các ông phó lý, hộ lại, tuần phiên…là những quan viên của làng, họ có quyền bàn bạc, đưa ra những quyết sách, giải quyết công vụ của làng như bổ bán binh dịch, phân chia ruộng đất, tranh chấp, kiện cáo, sưu thuế, phạt vạ, ăn khao, tổ chức lễ hội làng v. v… Người có chữ nghĩa tham gia Hội đồng, được bầu vào các chức dịch. Vị chức sắc nào làm việc thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm hương ước, dân làng sẽ bầu người khác thay thế.

Hương ước là lệ làng được văn bản hóa, do dân làng đóng góp và soạn thảo, trong đó có đầy đủ những quy định về cơ cấu tổ chức, về bầu bán, bãi miễn chức vị, phân bổ thuế má, chia ruộng đất, nội quy tuần phòng, lễ nghi, tín ngưỡng, tang ma, tương trợ người nghèo, khai sinh, khai tử, học hành và xử phạt các loại vi phạm… Hương ước đảm bảo tính chất dân chủ và tính cố kết cộng đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng làng. Mỗi năm hương ước lại được đọc lại một lần tại đình làng, để nhắc nhở mọi thành viên trong làng thực hiện cho đúng với những điều đã đề ra.

Trai đinh là nguồn nhân lực sung sức nhất của làng. Quân đội của nhà nước chủ yếu lấy từ trai đinh các làng. Bạch đinh là những nam công dân không có một tý quyền nào hết. Muốn có một chức danh để khỏi bị đi phu phen, tạp dịch… thì phải bỏ tiền ra mua chức (Hội, Hương, Nhiêu, Xã…). Tiền bán các chức danh đó làng dùng vào việc tu bổ tôn tạo cơ sở vật chất của làng. Những  người có tiền bỏ ra mua chức có một vị trí ở trong làng, ngay cả trong các cuộc hội họp, chè chén tại đình làng họ được ngồi ở các chiếu trên, khác hẳn với các bạch đinh trong làng. Trong các cuộc kháng chiến chống  ngoại xâm của dân tộc, trai đinh các làng xã là nguồn cung cấp nhân lực chủ yếu cho quân đội để đánh thắng kẻ thù xâm lược, mà chiếm phần đông là bạch đinh.

Người Việt quan niệm vạn vật hữu linh, “Đất có thổ công, sông có hà bá”, do vậy từ đầm hồ, gò đống đến cây cối… đều được mọi người quan tâm bảo vệ, xóm làng luôn xanh sạch, gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt mọi người dân đều có tinh thần tôn trọng quá khứ, những gì cha ông đã tạo dựng thì cứ để nguyên như cũ, không được phép thay đổi, chỉ được phép tu bổ, tôn tạo, đó là tinh thần tôn trọng lịch sử của người làng.

Người Việt xưa chia dân số theo bốn hạng chính, gọi là “tứ dân” gồm: sỹ, nông, công, thương, (nghề thuyền chài và nghề xướng ca không thấy được xếp vào thứ bậc nào). Trong đó “sỹ” và “nông” được đề cao hơn hết, “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ”. Sỹ là những có học hành, có chữ nghĩa. Có câu: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn” (không làm nghề thủ công thì không giàu, không buôn bán thì không linh hoạt, không làm nghề nông thì không ổn định). Nhưng người xưa coi tất cả các ngành nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao quý  nhất “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”. Người xưa hiếu học, bởi có ý chí vượt thoát khỏi thân phận nông phu “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Truyền thống hiếu học bởi học hành cố gắng để đỗ đạt rồi ra làm quan, “Tiến vi quan, thoái vi sư”. “Tiến” là đỗ đạt được bổ làm quan, ăn trên ngồi trốc, nếu chẳng may thi trượt trở về làng cũng làm được nghề thầy (thầy đồ dạy học, thầy bói, thầy tướng, thầy địa lý, thầy thuốc…). Người làng luôn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo, kính trọng những đấng sinh thành và dạy dỗ. Làm quan hay làm thầy đều được gọi là kẻ sỹ, luôn được xã hội tôn trọng.

 “Nông vi bản”, nghề nông làm gốc, nông dân được xếp thứ hai trong “tứ dân”. Làng nào quản lý ruộng đất của làng ấy, ruộng chia làm ba loại: Nhất đẳng điền, nhị đẳng điền và tam đẳng điền. Trước khi chia làng nào cũng dành riêng một phần ruộng đất để lo vào việc công:  Lão điền (ruộng dành riêng cho các cụ cao tuổi dưỡng già); Quả phụ điền (ruộng dành cho những người không chồng, không vợ, không con);  Binh điền (ruộng dành cho vợ của những người đi lính nhà nước); Học điền hay bút điền (ruộng dành cho những người đi học);  Cô nhi điền (ruộng dành cho trẻ mồ côi); Tạo lệ điền (ruộng dùng cho việc mua hương, hoa, lễ vật cúng lễ tại các đình làng), ngoài ra còn có Tam bảo điền (ruộng dành cho nhà chùa)…

Công” là các nghề thủ công (thợ mộc, thợ nề, thợ rèn, thợ may…) xếp thứ ba. “Thương” là nghề buôn bán xếp thứ tư cuối cùng. Người xưa xem thường buôn bán gọi những người làm nghề này là “con buôn”.

Các hội, phường, phe, giáp bao trùm khắp cả các giới, các lĩnh vực và ngành nghề ở trong làng: Hội đồng tuế; Hội đồng môn; Hội đồng liêu; Hội đồng ngũ; Hội tư văn;  Hội tư võ…Đó là chưa kể đến các họ mua bán, họ hiếu, họ hỷ, họ gạo, họ lợn…Phường là hội của những người cùng làm một nghề như phường mộc, phường nề, phường nón, phường sơn, phường tơ – lụa – vải,  phường tuồng, phường bát âm, phường chèo, phường hát xoan (Phú Thọ), bọn quan họ (Bắc Ninh)…Giáo phường là làng có nghề ca xướng. Đến cả những thú chơi giải trí cũng lập họ/hội: Hội chọi gà, hội chơi chim, hội chơi diều… Giáp là tổ chức của nam giới. Phe không phải là một tổ chức xác định chính đáng.

Đời sống của dân làng chủ yếu tự cấp, tự túc, khép kín, rât ít khi tiếp xúc với bên ngoài. Cũng có những làng kết chạ, kết nghĩa với nhau để giao lưu văn hóa cũng như tăng cường sức mạnh cộng đồng. “Chiêng (trống) làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, và “Phép Vua thua lệ làng” thể hiện tính chất bảo thủ của mỗi làng. Tuy vậy tính dân chủ của người làng khá cao, nên có ý kiến cho rằng làng xã cổ truyền của người Việt “Như một nước cộng hòa thu nhỏ”.

Giàu ở làng, sang ở nước”. Từ Nhà (gia đình) ra Làng xã rồi mới lên đến Nước. Nếu học hành đỗ đạt khoa – bảng rồi thì thế nào cũng trở về làng để “vinh quy bái tổ, khao vọng. Ai đó công thành, danh toại thể nào cũng công đức cho làng, cho tổng một thứ gì đó đáng kể. Làng luôn là mảnh đất thiêng “Sinh – Trưởng -Tụ – Về” của mọi người dân trong làng. Dù ai đi xa làm ăn, buôn bán đến ngày hội làng đều trở về dự lễ hội. Người ta sinh ra từ làng, đến khi sắp nhắm mắt, tắt hơi lại muốn được về an táng tại nghĩa địa của làng bên cạnh ông, bà, cha, mẹ  mình. Cái tình của người ta đối với tiên tổ, với xóm làng như thế, xem ra cũng không lấy gì làm xa lạ. Những yếu tố đó khiến làng xã xưa yên bình và vững vàng trước các yếu tố ngoại lai suốt trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Làng xã ngày nay có nhiều sự thay đổi khác xưa. Đã có khá nhiều làng xã chuyển đổi cơ cấu và mô hình sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp, tình hình đó đã làm cho đời sống kinh tế tại những địa phương này khá giả hơn, tỷ lệ người nghèo giảm dần.  Nhiều nơi đình chùa được xây mới, lễ hội khôi phục lại, cỗ bàn hiếu hỉ có phần hoang phí hơn xưa. Tuy vậy cũng thấy bộc lộ nhiều sự lệch chuẩn trong đời sống văn hóa tinh thần. Cùng với đó vô số nông dân trở thành thị dân, họ không có tay nghề và tư liệu sản xuất, phải bươn trải ra đô thị bốc vác thuê, cõng hàng hóa mướn, xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài, thậm chí khai thác cạn kiệt, phá hủy chính môi trường sống của mình để kiếm miếng ăn. Nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến cuộc sống của nông dân và nông thôn làm mất đi rất nhiều giá trị truyền thống của làng xã xưa, đặc biệt tình trạng suy thoái về đạo đức, chỉ chăm chăm làm sao thu được cái lợi trước mắt đã làm hại đến cộng đồng ở cấp độ đáng báo động, tình làng nghĩa xóm càng ngày càng bị lu mờ

Nhìn lại tiến trình lịch sử của dân tộc ta, không chỉ mấy ngàn năm vừa qua mà còn cả trong tương lai lâu dài mãi mãi về sau của nước nhà, làng của người Việt luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là biểu hiện sức sống của đất nước. Vậy để “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đạt được kết quả tốt đẹp, chúng ta làm sao phải khơi lại được những giá trị truyền thống của làng xã sao cho thích nghi với đời sống đương đại, mà không bị mất gốc, không bị tha hóa. Vì làng xã của người Việt từ xưa đến nay luôn là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng truyền thống văn hóa của dân tộc. Làng mà nề nếp, thuần hậu thì thế nước vững vàng, làng mà trên bảo dưới không nghe, trật tự đảo lộn thì thế nước rối ren, quân hồi vô phèng.

Ngày đăng: 25-10-2019
Họa sỹ – Thạc sỹ: Đỗ Hữu Bảng

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website