Từ chỉ huyện Yên Phong và tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký”

Nho giáo du nhập vào Việt Nam khoảng đầu công nguyên cho đến thời kỳ độc lập tự chủ đã xác lập được chỗ đứng trong đời sống văn hóa - xã hội của người Việt. Với sự kiện thành lập Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076) dưới triều Lý, cùng với các khoa thi liên tiếp được mở ra sau đó thì trên đất nước Việt Nam đã dần dần hình thành và phát triển một nền giáo dục Nho học - khoa cử mà trong suốt hơn 8 thế kỷ đã góp phần đào tạo nên một đội ngũ trí thức - quan lại Nho học có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Nho giáo và nền giáo dục khoa cử Việt Nam cũng đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm các Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ, Từ chỉ nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền, Danh nho và tôn vinh, ngưỡng vọng những người hiếu học, học giỏi, đỗ cao. Các di tích Nho học ở Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa của toàn quốc.

Bắc Ninh – Kinh Bắc là nơi có truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng bậc nhất ở nước ta dưới thời Phong kiến. Trải qua hơn 800 năm tồn tại của nền khoa cử Hán học tỉnh Bắc Ninh xưa chiếm tới 677 vị đỗ Tiến sĩ. Theo địa danh hành chính hiện nay Bắc Ninh có gần 400 vị đỗ đại khoa. Họ đều là những người tài giỏi, đức độ có nhiều đóng góp to lớn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, khoa học… của đất nước. Đặc biệt nền giáo dục khoa cử Nho học đã để lại cho Bắc Ninh một hệ thống di tích đồ sộ như Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ, Từ chỉ hàng tỉnh, huyện, xã thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền, Danh nho và những người đỗ đại khoa của địa phương. Ngày nay ngoài Văn miếu Bắc Ninh hiện còn tồn tại (nằm ở Khu 10, phường Đại Phúc) còn lại hệ thống các di tích Nho học hàng huyện, hàng xã đều không còn được duy trì. Tuy vậy những di sản văn hóa vật chất liên quan tới truyền thống hiếu học, khoa bảng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn khá phong phú và đa dạng. Tiêu biểu nhất là 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương” khắc năm 1889 ghi chép toàn bộ tên tuổi, khoa danh, chức tước của tất cả các vị Tiến sĩ ở xứ Kinh Bắc xưa hiện dựng tại Văn miếu Bắc Ninh. Ngoài ra còn nhiều bia đá của các di tích Nho học hàng huyện, xã hiện đang được lưu giữ tại địa phương hoặc đã sưu tầm về lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Bắc Ninh như tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” khắc năm 1837 của Từ chỉ huyện Yên Phong, “Quế Dương Văn từ bi ký” khắc năm 1883 của Văn từ huyện Quế Dương, “Văn miếu tế điền” khắc thời Nguyễn của Văn miếu huyện Đông Ngàn… Trong số văn bia liên quan tới hệ thống các di tích Nho học hàng huyện hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh thì tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” là giá trị hơn cả bởi nó cung cấp nhiều thông tin quý giá về việc kiến lập Từ chỉ huyện Yên Phong vào đầu thế kỷ XIX và văn bia còn cho biết toàn bộ tên tuổi, khoa danh 41 vị đỗ đại khoa của huyện.

Ảnh: Bia “Yên Phong văn phái bi ký”

Từ chỉ huyện Yên Phong xưa được xây dựng tại xã Yên Phụ Thượng, tổng Hương La (nay thuộc địa phận thôn An Ninh, xã Yên Phụ). Từ chỉ là nơi thờ đức Khổng Tử – ông tổ của đạo Nho cùng các bậc Tiên hiền và các vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ), Cử nhân, Giám sinh, Tú tài… huyện Yên Phong. Theo các bậc cao niên xã Yên Phụ cho biết Từ chỉ huyện Yên Phong xưa được đặt tại địa phận núi Nghè (hay còn gọi là núi Đền) vốn là một trong 7 ngọn núi của dãy Thất Diệu Sơn huyền thoại nơi Lý Thường Kiệt chọn làm địa điểm đặt đại bản doanh lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến đấu giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống nhà Tống năm 1077. Dưới thời Nguyễn, Từ chỉ huyện Yên Phong nhìn về hướng Nam phía trước là cánh đồng rộng thoáng, trông xa là kinh thành Thăng Long xưa. Các công trình kiến trúc chính của Từ chỉ có mặt bằng tổng thể hình chữ Khẩu gồm 4 toà nhà: Toà Tiền đường 5 gian 2 dĩ, Hậu đường 3 gian bên trong xây 3 bệ thờ, hai bên là 2 dãy hành lang mỗi bên 5 gian. Toàn bộ các hạng mục kiến trúc đều xây dựng theo lối “tường hồi bít đốc tay ngai”, khung nhà làm bằng gỗ tứ thiết, kết cấu vì kèo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ tràng”. Các công trình của Từ chỉ huyện Yên Phong nối thông với nhau tạo thành một mặt bằng khép kín có sân ở giữa và phía truớc toà Tiền tế rất thuận lợi cho việc tế lễ vào dịp Xuân Thu nhị kỳ. Tại Từ chỉ trước đây có dựng khoảng 10 tấm bia đá khắc chữ Hán đặt hai bên nhà hành lang. Nội dung ghi chép về các bậc tiên nho, tiên hiền của huyện Yên Phong, xã Yên Phụ Thượng và các nghi tiết tế lễ, việc tu sửa, tôn tạo Từ chỉ. Tiếc thay trải trường kỳ lịch sử Từ chỉ huyện Yên Phong bị tàn phá nặng nề, đến năm 1948 bị phá huỷ hoàn toàn do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn (1945 – 1954). Hiện nay cổ vật duy nhất còn liên quan tới Từ chỉ là tấm bia đá “Yên Phong văn phái bi ký” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. Tấm bia mang ký hiệu BTBN 1260 hình chữ nhật chế tác bằng đá nhám màu xám đen có kích thước cao 79cm, rộng 45cm, dầy 9,5cm. Trung tâm trán bia trang trí mặt nguyệt hình tròn, hai bên là một đôi rồng lá cách điệu. Diềm bia xung quanh chạm dây lá. Trên trán bia ghi niên đại và tên văn bia “Hoàng triều Minh Mệnh thập bát niên tứ nguyệt nhật Yên Phong văn phái bi ký” (tạm dịch: Bài ký bia Yên Phong văn phái dựng ngày tốt tháng 4 năm Minh Mệnh 18 (1837) ). Lòng bia khắc chữ Hán thể chân phương nét chữ nhỏ và mảnh nhiều chữ bị mờ không đọc được, tất cả có 17 dòng khoảng hơn 400 chữ. Văn bia do Tiến sĩ Chu Văn Nghị người xã Yên Phụ Thượng đỗ năm Bính Tuất (1826) soạn, khoa giới Lê Duy Kình người xã Hương La viết chữ. Nội dung văn bia chia làm 2 phần: phần đầu ca ngợi địa danh Yên Phong và truyền thống hiếu học của huyện cùng với lý do kiến lập Từ chỉ. Nội dung lược dịch như sau: “huyện ta được tạo lập từ rất xa xưa, cái tên Yên Phong có lẽ mới được đổi sau này. Mảnh đất này vốn sùng thượng văn chương mà có nhiều người thuộc các đời trước tiến thân từ khoa cử học hành. Để có nơi hội họp phụng thờ các bậc tiền nhân, những Tiến sĩ, Quan tướng, Giám sinh, Huấn đạo, Giáo thụ, Cống sinh, Môn sinh mà kiến lập Từ chỉ nhằm biểu dương truyền thống tốt đẹp của tiền nhân lưu truyền cho hậu thế muôn đời sau”. Phần sau ghi chép về tên tuổi khoa danh 41 vị đỗ đại khoa của bản huyện trải qua các thời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, từ người đỗ đầu tiên năm 1433 là cụ Chu Xa người xã Yên Phụ Thượng tới người đỗ cuối cùng năm 1775 là cụ Lê Duy Đản người xã Hương La (trong đó chưa tính Tiến sĩ Chu Văn Nghị – người soạn văn bia đỗ năm 1826 và Phó bảng Ngô Quang Diệu người xã Vọng Nguyệt đỗ năm 1849). Dưới đây chúng tôi xin được nhấn mạnh một số thông tin đáng lưu ý sau:

Về địa giới hành chính vào đầu thời Nguyễn huyện Yên Phong có thêm các xã Xuân Lôi, Bằng Lâm (nay thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), xã Tiêu Sơn (nay thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn).

Về số lượng các xã có người đỗ đại khoa nhiều nhất là xã Vọng Nguyệt có 7 người, trong đó đặc biệt họ Ngô lệnh tộc với 5 đời liền đỗ Tiến sĩ. Điều này được nhà sử học Phan Huy Chú ca ngợi trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết vào thế kỷ XIX. Sách chép: “Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Như Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức rồi 5 đời đỗ Tiến sĩ liên tiếp thực là xưa nay hiếm có”. Thứ hai là xã Chân Hộ có 5 người, thứ ba là xã Xuân Lôi có 4 người, thứ tư là xã Yên Phụ Thượng có 3 người. Còn các xã Như Nguyệt, Tiêu Sơn, Phong xá, Đông Xuyên, Tiên Trà, Phú Mẫn mỗi xã có 2 người. Các xã Khúc Toại, Đẩu Hàn, Hữu Chấp, Ngân Cầu, Mẫn Xá, Hương La, Bằng Lâm, Phấn Động, Phù Yên mỗi nơi có một người.

Về chức danh đỗ cao nhất gồm: hai vị Bảng nhãn là Hứa Tam Tỉnh người xã Như Nguyệt đỗ năm 1508, Nguyễn Chiêu Huấn người xã Yên Phụ Thượng đỗ năm 1514. Hai vị Thám hoa là Nguyễn Khắc Kiệm người xã Bằng Lâm (nay thuộc huyện Đông Anh) đỗ năm 1499, Nguyễn Nghiêu Tá người xã Chân Hộ đỗ năm 1556. Đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) có 7 vị và đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân có tất cả 30 vị.

Về những người trong một gia đình cùng thi đỗ ngoài họ Ngô ở Vọng Nguyệt có 5 đời liền đăng khoa còn ở xã Đông Xuyên có hai cha con Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưa đỗ năm 1550 và Nguyễn An đỗ năm 1580. Cha con Tiến sĩ Ngô Phúc Tinh đỗ năm 1535 và Ngô Khánh Nùng đỗ năm 1556 người xã Chân Hộ. Hai ông cháu Nguyễn Chiêu Huấn đỗ Bảng nhãn năm 1514 và Nguyễn Khắc Khoan đỗ Tiến sĩ năm 1598 người xã Yên Phụ Thượng.

Về độ tuổi khi thi đỗ cao nhất là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dụng xã Nguyễn Xá đỗ năm 1610 và Tiến sĩ Ngô Nhân Tuấn xã Vọng Nguyệt đỗ năm 1640, hai vị đều đỗ ở tuổi 45. Thi đỗ ít tuổi nhất là Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn người xã Yên Phụ Thượng đỗ năm 1514 và Tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghiêm người xã Khúc Toại đỗ năm 1496 khi mới 21 tuổi.

Về trường hợp Tiến sĩ Đỗ Công Cẩn trong văn bia ghi là người xã Tân Trừ (nay là thôn Tiên Trà, xã Trung Nghĩa) đỗ Tiến sĩ năm 1490 nhưng trong các sách đăng khoa lục sau này hoặc giả không chép như “Kinh Bắc xứ cao khoa hiển hoạn” và có chép thì lại thuộc về địa phương khác. Chẳng hạn như sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” và “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do Ngô Đức Thọ chủ biên xuất bản năm 1993 chép ông quê ở xã Tiên Phong (nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Thực tế tại thôn Tiên Trà cũng chưa tìm thấy tài liệu nào chứng minh Đỗ Công Cẩn là người địa phương.

Tóm lại ngày nay Từ chỉ huyện Yên Phong tuy không còn tồn tại nhưng tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” là một tư liệu Hán Nôm quý có giá trị cao trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống hiếu học khoa bảng của vùng đất Yên Phong. Văn bia cung cấp tư liệu về tên tuổi, khoa danh của các vị đại khoa huyện Yên Phong tương đối đầy đủ chính xác. Ngoài ra còn là tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu về sự thay đổi địa danh hành chính huyện Yên Phong nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung. Tấm bia phục vụ công tác trưng bày giới thiệu về truyền thống hiếu học, khoa bảng trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc văn hiến. Vùng đất xứng danh với câu ca “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”./.

Ngày đăng: 10-10-2020
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website