DẤU TÍCH KIẾN TRÚC CHÙA KHAI QUANG LÀNG VỌNG NGUYỆT

Chùa Khai Quang (tên Nôm là chùa Hố - chùa Mục đồng) nằm ở phía Bắc thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo nguồn tư liệu Hán Nôm1 hiện còn lưu giữ tại địa phương cho thấy chùa Khai Quang có niên đại khởi dựng từ lâu đời, đến năm 1951 bị tiêu thổ hoàn toàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Dấu tích kiến trúc của ngôi chùa cổ còn tồn tại đến ngày nay là một cây tháp phật xây dựng vào năm 1952.

Các cụ cao niên thôn Vọng Nguyệt cho biết: trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 chùa Khai Quang có quy mô to lớn, gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc như tam bảo, nhà tổ, nhà điện, nhà mẫu, nhà bếp… trong đó kiến trúc chính là tòa tam bảo gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, bộ khung nhà làm bằng gỗ tứ thiết theo kiểu thức kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Bên trong tòa tam bảo bài trí hệ thống tượng phật cổ phong phú, đa dạng đều được làm bằng gỗ mít cùng nhiều đồ thờ tự nghệ thuật khác như hương án, hoành phi, câu đối, chuông đồng… Tiếc thay trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn (1945 – 1954) thực hiện lệnh tiêu thổ, du kích địa phương đã hạ giải toàn bộ các công trình kiến trúc của chùa Khai Quang vào năm 1951. Ngay sau khi chùa Khai Quang bị hạ giải hầu hết hệ thống tượng phật cổ được du kích địa phương đem chôn xuống đất trong khuôn viên chùa cũ, phía bên trên khu vực chôn tượng xây dựng một cây tháp phật bằng gạch tận dụng lại của ngôi chùa cổ có niên đại vào thời Lê Trung Hưng (nửa cuối thế kỷ XVIII).

Cây tháp phật – dấu tích kiến trúc chùa Khai Quang làng Vọng Nguyệt

Hiện nay cây tháp phật – dấu tích kiến trúc còn lại của chùa Khai Quang xưa tọa lạc trong khuôn viên gia đình bà Ngô Thị Lễ (thuộc xóm 3, thôn Vọng Nguyệt), mặt chính tháp hướng về phía Bắc, tháp xây toàn bộ bằng gạch 7, để mộc, cao 4m, chia làm 3 tầng, chân đế rộng 1,6m thon dần về phía chóp. Chóp tháp hình vuông, thắt cổ bồng, giật cấp. Tầng giữa tháp mặt chính diện trổ cửa vòm cuốn, các mặt xung quanh xây kín tạo dáng kiểu “ô thùng” bên trong đắp nổi 3 chữ lớn “Khai Quang tự”, phía bên trên cửa vòm cuốn và các ô thùng đều đắp chữ Hán trong khung hình chữ nhật là tên các vị phật gồm: Phổ Hiền phật, Thế Chí phật, Di Đà phật, Đại Hải phật, Quan Âm phật, xung quanh diềm trang trí dây lá cách điệu. Bên trong tháp hiện thờ tượng phật A di đà, thánh tăng, đức ông, tam tòa thánh mẫu có niên đại tạo tác vào khoảng cuối thế kỷ XX.

Dòng chữ Hán “Thế Chí phật” trên cây tháp

Cây tháp phật chùa Khai Quang xưa là một dấu tích kiến trúc quan trọng minh chứng cho sự tồn tại của một ngôi chùa cổ có quy mô to lớn trên quê hương Vọng Nguyệt – một vùng đất cổ có bề dày lịch sử, truyền thống văn hiến, khoa bảng, cách mạng. Hàng năm, vào dịp 23 tháng Giêng âm lịch lễ thượng nguyên chùa Khai Quang vẫn được nhân dân Vọng Nguyệt duy trì tổ chức trang nghiêm ngay tại khuôn viên cây tháp phật, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc ngàn năm văn hiến./.

Ngày đăng: 27-01-2021
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website