ĐỘC ĐÁO HAI CÂY CẦU ĐÁ CỔ Ở THUẬN THÀNH
Cầu đá là một loại hình di sản văn hóa vật chất độc đáo chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc dân gian truyền thống của cộng đồng cư dân Việt cổ trên vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung và vùng đất Bắc Ninh văn hiến nói riêng. Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay số lượng cầu đá cổ còn khá khiêm tốn, đa số đã trở thành phế tích. Nhiều địa phương tuy vẫn còn bia đá ghi chép về việc làm cầu nhưng hiện tại cầu không còn, một số làng chỉ còn lưu giữ được vài cây cột, tấm lát mặt, dầm cầu… Đặc biệt trên địa bàn huyện Thuận Thành hiện nay vẫn còn tồn tại hai cây cầu đá cổ khá nguyên vẹn đó là cây cầu đá nằm trong khuôn viên đền Lũng Khê (thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương) thuộc khu vực thành cổ Luy Lâu và cây cầu đá thuộc địa phận giáp danh giữa hai thôn Thuận An và Đức Nhân (xã Trạm Lộ).
*Cầu đá đền Lũng Khê
Ảnh: Cầu đá bắc qua ao nước phía trước cửa đền Lũng Khê
Trong khu di tích đền Lũng Khê hiện còn bảo lưu được cây cầu đá cổ khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, được trùng tu vào năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị 3 (1843). Cầu bắc qua một ao nước phía trước đền và là lối để đi vào khu vực đền chính. Cầu làm bằng đá xanh nguyên khối gồm 7 nhịp với chiều dài tổng cộng là 10m38, chiều rộng mặt cầu 1m67, chiều dài trung bình mỗi nhịp là 1m40. Các bộ phận cấu thành cầu gồm: tấm lát mặt, dầm cầu, cột trụ. Tất cả có hơn 20 tấm đá lát mặt cầu kích thước tấm lớn nhất rộng 60cm, dài 1m43, tấm nhỏ nhất rộng 38cm, mỗi nhịp có 3 tấm lát mặt (có nhịp gồm 4 tấm) thường tấm ở giữa để phẳng, 2 tấm bên cạnh tạo gờ nổi hai bên rìa tạo dáng thành cầu. 8 chiếc dầm cầu kích thước dài trung bình 2m25, hai bên đầu dầm cầu trang trí vân mây xoắn, tạo dáng hình đầu rồng. Phía bên trên hai đầu dầm cầu trang trí các con vật, hoa lá cách điệu như: hổ phù, cá chép, rơi, lá sen, lá đề, hoa chanh, dây lá cách điệu… Tổng cộng có 24 chiếc cột trụ đỡ cầu, cột có kích thước dài khoảng từ 2,5m đến 3m.
*Cầu đá Trạm Lộ
Ảnh: Cầu đá bắc qua sông Gáo địa điểm giáp danh giữa hai thôn Thuận An và Đức Nhân xã Trạm Lộ
Hiện nay trên bờ sông Gáo địa điểm giáp danh giữa hai làng Thuận An và Đức Nhân thuộc xã Trạm Lộ còn tồn tại một cây cầu đá cổ. Tương truyền cầu đá do cụ Nguyễn Quang Sáng là người thôn Đức Nhân bỏ tiền ra mua đá, thuê thợ làm để cung tiến cho làng cách đây gần 200 năm. Khi ấy cụ đang làm chức Xuất huyện huyện Siêu Loại dưới đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840). Cầu đá được bắc trên con đường chính nối liền từ cửa chùa làng Đức Nhân sang làng Thuận An. Con đường này hiện nay không còn nữa nhưng cây cầu đá vẫn còn tồn tại nguyên vẹn. Cầu làm bằng đá xanh nguyên khối gồm 5 nhịp với chiều dài tổng cộng là 8m30, chiều rộng mặt cầu 1m48, chiều dài trung bình mỗi nhịp là 1m45. Các bộ phận cấu thành cầu gồm: tấm lát mặt, dầm cầu, cột trụ. Tất cả có gần 20 tấm đá lát mặt cầu kích thước tấm lớn nhất rộng 56cm, dài 1m45, tấm nhỏ nhất rộng 38cm, mỗi nhịp có 3 tấm lát mặt (có nhịp gồm 4 tấm) thường tấm ở giữa để phẳng, 2 tấm bên cạnh tạo gờ nổi hai bên rìa tạo dáng thành cầu. 6 chiếc dầm cầu kích thước dài trung bình 2m, hai bên đầu dầm cầu trang trí vân mây xoắn, tạo dáng hình đầu rồng. Tổng cộng có 14 chiếc cột trụ đỡ cầu, riêng hai bên đầu cầu mỗi bên có 3 cột trụ đỡ dầm cầu, cột có kích thước dài khoảng từ 2m đến 2,5m.
Trong số hai cây cầu đá cổ kể trên hiện tại chỉ còn cây cầu đá ở đền Lũng Khê nằm trong khu vực thành cổ Luy Lâu vẫn được người dân sử dụng, còn lại cây cầu đá ở địa bàn xã Trạm Lộ không được nhân dân sử dụng từ rất lâu, hiện cây cầu đang nằm chơ vơ cạnh bờ sông Gáo. Cả hai cây cầu đá cổ này đều có biểu hiện xuống cấp như: nhiều tấm lát mặt cầu bị vỡ, gãy đôi, các nhịp cầu bị xô lệch… Đặc biệt là cây cầu đá ở địa điểm giáp danh giữa hai thôn Đức Nhân và Thuận An do không còn sử dụng nữa và cầu lại nằm sát bờ sông Gáo xung quanh bốn bề là nước, hoa sen mọc che kín hết cầu, trước thực trạng như vậy trong tương lai không biết số phận cây cầu đá này sẽ ra sao? Thiết nghĩ các ngành chức năng cùng chính quyền và nhân dân địa phương hai nơi sở tại cần phải có các giải pháp khắc phục, bảo tồn, tôn tạo lại hai cây cầu đá cổ này, phải có các quy định cứng rắn nhằm ngăn chặn mọi hành vi có biểu hiện xâm lấn, phá hoại cầu. Qua đó góp phần gìn giữ và bảo tồn những di sản văn hóa vật chất tiêu biểu độc đáo của ông cha còn để lại trên vùng đất cổ văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc./.
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác
Di tích Quốc gia chùa Tam Sơn 07-03-2024
Đình Đạo Tú - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia 16-02-2024
TƯ LIỆU, HIỆN VẬT LIÊN QUAN TỚI TỤC THỜ TRIỆU ĐÀ LÀM THÀNH HOÀNG LÀNG Ở BẮC NINH 25-08-2022
Độc đáo chốn tổ Bảo Quang tự 02-06-2022
TẤM BIA ĐÁ “CỔ TÍCH THẦN BI” – DI VĂN CỦA TIẾN SĨ NGÔ NHÂN TRIỆT Ở ĐỀN LÀNG VỌNG NGUYỆT 06-04-2021
PHÁT HIỆN TẤM BIA “SÁNG LẬP HẬU THẦN” – DI VĂN CỦA BẢNG NHÃN ĐÀO CÔNG CHÍNH 06-04-2021
DẤU TÍCH KIẾN TRÚC CHÙA KHAI QUANG LÀNG VỌNG NGUYỆT 27-01-2021
ĐÌNH NGHĨA VI 27-01-2021
Từ chỉ huyện Yên Phong và tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” 10-10-2020
BÀI VỊ GỖ NIÊN ĐẠI THẾ KỶ XVII TẠI ĐỀN LŨNG. 30-10-2020