TẤM BIA ĐÁ “CỔ TÍCH THẦN BI” – DI VĂN CỦA TIẾN SĨ NGÔ NHÂN TRIỆT Ở ĐỀN LÀNG VỌNG NGUYỆT
Đền làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thờ Công chúa Lý Nguyệt Sinh triều Lý và Phò mã Đô úy thượng hầu đại vương. Công trình kiến trúc này được khởi dựng từ lâu đời, trùng tu tôn tạo nhiều lần dưới hai triều đại Lê - Nguyễn.
Đền làng Vọng Nguyệt hiện nay bao gồm các hạng mục kiến trúc chính như: đền Trung, đền Thượng 3 gian 2 chái và Hậu cung 3 gian nối với nhau bằng dải ống muống tạo thành khu di tích có mặt bằng tổng thể hình “tiền chữ Nhất hậu chữ Công”. Cả hai toà đền Trung và đền Thượng đều được cấu trúc kiểu 4 mái, 4 đao cong, bờ nóc, bờ dải trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, hoa chanh hộp rỗng. Bộ khung đền Thượng bằng gỗ lim được liên kết bởi các bộ vì theo kiểu thức “thượng con chồng giá chiêng, hạ kẻ trường”. Trên một số bức cốn, đầu dư và kẻ tiền chạm hoa văn rồng mây, hoa dây mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Tại đền làng Vọng Nguyệt hiện còn lưu giữ 34 đạo sắc phong do các đời vua Lê và Nguyễn phong tặng cho 2 vị thần. Sắc có niên đại sớm nhất vào năm 1639, sắc cuối cùng phong năm 1924, các đồ thờ ở đền có ngai, bài vị thờ, tư liệu chữ Hán cổ ở đền, tập trung ở hệ thống hoành phi, câu đối cổ tạo tác năm 1904, 2 tấm bia đá cổ dựng năm 1642. Các hiện vật cổ khác có niên đại thời Lê và Nguyễn bao gồm: Hương án gỗ, hai ngựa thờ gỗ, 4 tượng thờ ở tư thế đứng cầm gươm, 2 quán tẩy gỗ, nồi hương chất liệu gốm, sứ, đá nhám, hộp đựng sắc phong, bộ chấp kích, bát bửu, kiệu bát cống…
Đặc biệt hiện nay ở đền làng Vọng Nguyệt còn lưu giữ tấm bia đá “Cổ tích thần bi” vốn là di văn của Tiến sỹ Ngô Nhân Triệt soạn vào năm Dương Hòa 8 (1642). Tiến sỹ Ngô Nhân Triệt tự là Mai Hiên, hiệu Đức Thành, sách “Kinh Bắc xứ cao khoa hiển hoạn” chép ông sinh năm Canh Thìn, người xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong (nay là thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang). Ông là cháu tằng tôn của Ngô Ngọc, cháu nội Ngô Hải, con trai Ngô Trừng, cha của Ngô Nhân Tuấn. Năm 28 tuổi đỗ Hội nguyên, thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định 8 (1607) đời Lê Kính Tông (Lịch triều đăng khoa ghi đỗ vào năm Vĩnh Tộ – 1620). Ông được cử làm Phó sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Tự khanh, phong Thái bảo, Lễ phái Bá sau bị truất xuống làm Hiến sát sứ.
Tấm bia “Cổ tích thần bi” hiện đang gắn trên tường hậu phía bên tay phải tòa đền Thượng, bia hình tứ diện tạo tác đơn giản, không tạo diềm bia, trán bia có gờ chỉ khuôn tranh và không có hoa văn trang trí. Bia có kích thước cao 40cm, rộng 25cm, dầy 10cm, nội dung chính của văn bia cho biết thông tin về Công chúa Lý Nguyệt Sinh và Phò mã Đô úy thượng hầu được thờ ở đền làng Vọng Nguyệt như sau:
Phần thứ nhất cho biết rõ lai lịch của hai vị thần được thờ tại đền làng Vọng Nguyệt: vào thời nhà Lý, năm Kiến Gia thứ 2 (1212), Nguyệt Sinh trưởng Công chúa và Phò mã thượng hầu, thừa lệnh Lý Huệ Tông chia thiên hạ thành 24 lộ. Lộ mà công chúa được chia để ở cũng được chia cả binh giáp, lại tạo thêm chiến thuyền. Về sau Lý Chiêu Hoàng thất thủ, bị nhà Trần lấy mất ngôi. Đến năm Kiến Trung thứ 2 triều Trần (1226), Công chúa và Phò mã cùng cất quân chống lại nhà Trần, hợp trận ở xứ Vườn Cau, Thái Nguyên. Công chúa thế yếu thất cơ chết tại trận, hóa thành một cây gỗ lớn, theo dòng nước chảy trôi đến bờ sông xã Tiểu Mai, huyện Hiệp Hòa, dạt vào bên vạt cỏ, rồi linh ứng ngầm báo cho Kỳ lão bản xã.
Phần thứ hai cho biết phần mộ của Công chúa Lý Nguyệt Sinh táng tại xứ Đồng Nương thuộc địa phận xã Tiểu Mai (nay thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Từ đấy trở về sau thường âm phù cho vận nước, bảo vệ dân địa phương, luôn luôn linh ứng. Chính vì thế ấp ta phụng thờ làm phúc thần. Phần mộ của thần là một khu cấm điền, phía Đông lấy đê quan làm danh giới, phía Tây lấy ngõ Hiến làm danh giới, phía Nam giáp sông, phía Bắc giáp địa phận xã Tiểu Mai lấy con đường nhỏ làm danh giới…
Phần cuối cho biết văn bia khắc vào ngày tốt, tháng Giêng, năm Dương Hòa 8 (1642). Soạn văn bia là Ngô Mai Hiên (Tiến sỹ Ngô Nhân Triệt) người bản xã, Nguyễn Đình Hòe vâng mệnh kê lại.
Tóm lại tấm bia tuy không mang giá trị về mặt mỹ thuật nhưng lại chứa đựng nội dung thông tin mang tích chất khoa học, lịch sử. Văn bia giúp chúng ta xác định được chính xác lai lịch của hai vị thần được thờ tại đền làng Vọng Nguyệt là Công chúa Lý Nguyệt Sinh triều Lý và Phò mã Đô úy thượng hầu. Hơn nữa tấm bia còn có giá trị đặc biệt quan trọng khác đó là nội dung được khắc trên bia là di văn hiếm hoi còn sót lại của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt có tới 5 đời liền liên tiếp đăng khoa nổi tiếng đất Kinh Bắc dưới triều Hậu Lê. Di sản văn hóa quý báu này cần được bảo tồn và phát huy giá trị tại địa phương nói riêng và trên vùng đất văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc nói chung./.
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác
Di tích Quốc gia chùa Tam Sơn 07-03-2024
Đình Đạo Tú - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia 16-02-2024
TƯ LIỆU, HIỆN VẬT LIÊN QUAN TỚI TỤC THỜ TRIỆU ĐÀ LÀM THÀNH HOÀNG LÀNG Ở BẮC NINH 25-08-2022
Độc đáo chốn tổ Bảo Quang tự 02-06-2022
PHÁT HIỆN TẤM BIA “SÁNG LẬP HẬU THẦN” – DI VĂN CỦA BẢNG NHÃN ĐÀO CÔNG CHÍNH 06-04-2021
ĐỘC ĐÁO HAI CÂY CẦU ĐÁ CỔ Ở THUẬN THÀNH 01-03-2021
DẤU TÍCH KIẾN TRÚC CHÙA KHAI QUANG LÀNG VỌNG NGUYỆT 27-01-2021
ĐÌNH NGHĨA VI 27-01-2021
Từ chỉ huyện Yên Phong và tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” 10-10-2020
BÀI VỊ GỖ NIÊN ĐẠI THẾ KỶ XVII TẠI ĐỀN LŨNG. 30-10-2020