Đình Đạo Tú - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia

        Đình Đạo Tú (xã Song Hồ, thị xã Thuận Thành) được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVIII) đình được trùng tu tôn tạo với quy mô lớn. Đình Đạo Tú thờ Thần Cao Biền, vị quan được Hoàng đế nhà Đường cử sang làm Tiết độ xứ Giao Châu vào thế kỷ thứ IX.

Đình Đạo Tú.

         Đình Đạo Tú là tên gọi theo địa danh của làng, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Từ năm 1945 trở về trước, ngôi đình được gọi là “Đình tổng Hồ” bởi đây là ngôi đình chung của 4 làng trong tổng Đông Hồ xưa gồm: Đông Hồ, Đạo Tú, Xuân Tú và Tú Khê. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Đạo Tú được trưng dụng làm trụ sở làm việc của Ủy ban hành chính, hội trường và kho thóc của xã, đến năm 1994 mới giao lại cho làng Đạo Tú quản lý, sử dụng.

Nghi môn đình Đạo Tú.

        Hiện nay, đình gồm các công trình: Đại đình, hai dãy nhà Dải vũ và Nghi môn.

Bức bình phong trước tòa Đại đình.

Đôi rồng đá trước thềm tòa Đại đình.

        Đại đình gồm 5 gian 2 chái bốn mái đao cong. Giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời đang bốc lửa, hai con kìm ngậm bờ nóc có hình đầu rồng; mái đình lợp bằng ngói ta. Bộ khung toà Đại đình được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, liên kết với nhau bởi 8 hàng cột ngang 4 hàng cột dọc và hệ thống xà, kẻ. Kết cấu bộ vì của toà Đại đình không giống nhau và mang dấu ấn của nhiều thời kỳ, ở bốn vì gian giữa làm theo kiểu “vì kèo, xà nách chồng rường, bẩy”, hai vì gian hồi theo kiểu “giá chiêng, kẻ”.

Giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời đang bốc lửa.

Hai con kìm ngậm bờ nóc có hình đầu rồng.

        Nối với gian giữa Đại đình là Hậu cung, được ngăn cách bởi bức “cửa cấm”. Hậu cung gồm 3 gian, bộ khung kết cấu đơn giản kiểu quá giang gác tường, mái lợp ngói ta kiểu hai tầng, bờ dải đắp tay ngai; gian trong cùng và hai gian được ngăn cách bởi hệ thống cửa bức bàn “thượng song hạ bản”.

Bên trong tòa Đại đình.

Bên trong tòa Đại đình chạm khắc hoa văn, hoa lá cách điệu nghệ thuật.

Ban thờ chính.

Bức hoành phi.

          Hai dãy Dải vũ được nhân dân phục dựng năm 2013 theo lối kiến trúc truyền thống, mỗi toà 3 gian, 2 chái, 4 mái đao cong, phía trước mở cửa ở tất cả các gian.

Bộ bát biểu.

Sắc phong.

         Các di vật còn lại trong đình khá phong phú gồm: 02 đòn kiệu, chất liệu gỗ, niên đại thời Lê; 01 sắc phong, chất liệu giấy, niên đại Duy Tân; 02 sắc phong, chất liệu giấy, niên đại Tự Đức; 01 ngai, chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn; bài vị; khám thờ; đài nước; hương án; bộ bát biểu; đôi câu đối…

        Lễ hội lớn nhất trong năm đình Đạo Tú xưa kia là Lễ kỳ yên tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Ngày nay, lễ hội đình Đạo Tú được thực hiện theo nếp sống mới, 5 năm mới tổ chức lễ lớn một lần, còn các năm lẻ chỉ giữ lệ. Tuy vậy các nghi thức tế lễ vẫn được thực hiện trang trọng linh thiêng, bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hoá mới như: bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, thể dục dưỡng sinh, chọi gà, thả chim bồ câu…, đã thu hút đông đảo nhân dân tham dự.

       Đình Đạo Tú được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2015 theo Quyết định số 1342/QĐ-BVHTTDL ngày 24/04/2015.

 

 

Ngày đăng: 16-02-2024
Nguồn: Bacninh.gov.vn

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website