Nghề thủ công ép dầu ở Bắc Ninh

Nghề thủ công ép dầu ở Bắc Ninh có ở một số nơi, nhưng tiêu biểu nhất là làng Đại Đình, xã Tân Hồng (Từ Sơn) và làng Đông, xã Tam Giang (Yên Phong). Trước đây khi chưa có “dầu Tây” và điện để thắp sáng thì nghề thủ công ép dầu giữ vai trò quan trọng trong các ngành nghề thủ công của nhân dân địa phương.

Làng Đại Đình, xưa thuộc tổng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Miếu Hàng Dầu – nơi thờ ông tổ nghề ép dầu của làng, Miếu khá lớn và khang trang. Đến nay miếu Hàng Dầu và các di sản vật chất của Miếu bị mai một cùng với nghề ép dầu ở đây – đến sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là sau kháng chiến chống thực dân Pháp 1954 thì gần như mất hẳn.

Ngoài Đại Đình, ở một số địa phương  khác của tỉnh cũng có ép dầu như: Nội Doi (Quế Võ), Xà Đông – Tam Giang (Yên Phong)

Làng Đông, xã Tam Giang xưa còn gọi là Phương La Đông, thuộc tổng Hương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Nghề ép dầu ở Hương La có từ khi tiến sỹ Nguyễn Quang Tán truyền nghề cho dân làng ở nơi đây. Ông được dân làng Hương La thờ làm tổ nghề ép dầu. Đền thờ ông hiện nay vẫn còn tại địa phương, phía sau chùa làng. Trong đền có tượng chân dung tiến sỹ Nguyễn Quang Tán, các đồ thờ tự hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy, trang nghiêm.

Cũng như làng Đại Đình – nghề ép dầu ở Hương La Đông dần dần bị mai một và mất hẳn trước cơ chế thị trường và công nghệ sản xuất dầu ngày càng tiên tiến.

Quy trình ép dầu lạc ở các địa phương cơ bản đều giống nhau:

Trước tiên các hạt thầu dầu được mua đổi từ các địa phương mang về được phơi khô, cho vào cối giã dập nhỏ ra xong cho vào chõ đồ lên, chín rồi cho vào khuôn đan bằng tre để đóng thành từng bánh một, đưa dần vào cây dầu mà ép.

Cây dầu được làm bằng gỗ tứ thiết dài khoảng 40-60cm, đục rỗng thân sao cho vừa khít các bánh dầu, cách mỗi đầu của cây dầu có một lỗ thủng, dọc cây dầu có rãnh sâu khoảng 5cm – giữa rãnh có một lỗ để dầu chảy ra. Hai đầu cây dầu có hai lỗ vuông để đóng các con tiêm cho chặt. Mỗi cây dầu một lần ép được từ 200-300 bánh dầu.

Xong công đoạn trên, thợ ép lấy các miếng gỗ nghiến kích cỡ chừng (2cm x 5cm x 20cm) làm miếng đệm chèn – còn gọi là “con thôi” dầy độ 5 cm, “con ép” dầy 2 cm và còn có hai con tiêm hình trụ tròn một đầu – một đầu vạt bớt cho vừa với mặt “con thôi” khi tiếp để chèn. Tiếp theo họ dùng vồ để chèn – gọi là “đánh dầu”, càng về cuối công đoạn ép càng phải dùng vồ gỗ lớn, đánh dầu mạnh hơn, đến khi các bánh dầu khô kiệt ép chặt vào nhau thì thôi. Nếu cố tình đánh vồ tiếp có thể con tiêm bật thẳng lên như tên bắn thì rất nguy hiểm cho thợ ép.

Dầu ép ra sau công đoạn trên được cho vào các chảo gang lớn để nấu sôi và chia vào các thùng mang bán. Các thùng đựng dầu xưa bằng gỗ hoặc đan bằng tre nứa trát nhựa sơn cả hai mặt trong ngoài, có nắp đậy kín. Dầu từ các địa phương ép dầu được gánh chở đi bán khắp nơi. Hàng dầu bán chạy nhất vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, đình đám, vào chùa chẩy hội…của các địa phương xa gần trong tỉnh.

Nghề ép dầu thủ công ở một số địa phương tỉnh Bắc Ninh đến nay không còn được duy trì nữa. Nhưng trong ký ức của người dân làm nghề ép dầu thì còn nhớ rõ về quy trình sản xuất mặt hàng này

Cho đến nay một số gia đình vẫn còn giữ được các dụng cụ ép dầu như: cây dầu, con tiêm, vồ gỗ, thùng đựng dầu, chảo gang nấu dầu…để làm kỷ niệm về nghề thủ công một thời nổi tiếng xa gần của quê hương mình.

Ngày đăng: 25-10-2019
Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website