Đình làng Từ Phong và tấm bia khắc tên nước Việt Nam

Từ Phong nay thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (xưa làng có tên là Từ Sơn thuộc tổng Bồng Lai, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc) hiện còn bảo lưu được nhiều công trình tín ngưỡng cổ như đình làng, chùa Tịnh Quang… đều có niên đại khởi dựng từ rất sớm.

Trong đó tiêu biểu nhất là đình làng Từ Phong, đây vốn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã xưa và nay. Tại đình làng Từ Phong hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật giá trị, đặc biệt nhất là tấm bia đá khắc tên nước Việt Nam được tạo tác vào năm Chính Hòa 11 (1690) dưới đời vua Lê Hy Tông.

Phía trước tòa Đại đình – đình làng Từ Phong.

Phía trước tòa Đại đình – đình làng Từ Phong.

Đình làng Từ Phong được khởi dựng vào khoảng cuối thời Mạc (khoảng cuối thế kỷ XVI) trùng tu, sửa chữa mở rộng quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) gồm nhiều hạng mục kiến trúc như đình Thượng, đình Hạ, Tả vu, Hữu vu… Tiếc thay trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến đình làng Từ Phong bị phá hủy hoàn toàn vào giai đoạn (1947 – 1954). Năm 1992 đình làng được nhân dân địa phương xây dựng lại gồm 5 gian Tiền tế và 3 gian Hậu cung bộ khung bằng gỗ, kết cấu kiến trúc theo phong cách truyền thống “tầu đao lá mái”. Đến năm 2005 nhân dân tiếp tục trùng tu mở rộng ngôi đình bằng vật liệu hiện đại, quy mô, kiên cố. Đình làng Từ Phong hiện nay nằm ở giữa làng quay hướng Đông Nam, mặt bằng kiến trúc tổng thể hình chữ Đinh gồm tòa Đại đình 3 gian, 2 chái, tòa Hậu cung 3 gian, phía trước là sân đình rộng lớn, ngoài cùng là cổng tam môn uy nghi bề thế, qua cổng là con đường liên xã, ao đình và cánh đồng rộng lớn, bên phải, bên trái, đằng sau đình là khu dân cư đông đúc trù mật. Đình làng Từ Phong thờ một vị nhân thần tên là Hồng Công, ngài có công với dân với nước được nhà vua phong là “Bản cảnh Thành hoàng Phúc Sinh cư sĩ thượng đẳng thần”. Thần tích lưu tại địa phương cho biết năm 28 tuổi ngài đỗ Tiến sĩ xuất thân đời Trần Phế Đế (1377 – 1388) làm quan đến chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Tham tán mưu sự đóng quân ở xứ Thanh Hóa, Nghệ An giúp dân an cư lạc nghiệp. Sau này ngài về thôn Từ Sơn (nay là Từ Phong) ở ẩn, ngài đã cấp phát gia tài của cải giúp đỡ nhân dân ba trang Đông Du, Mai Cương, Từ Sơn vượt qua khó khăn hoạn nạn. Khi ngài hóa được nhân dân ba trang lập miếu thờ phụng hết sức linh ứng. Đến thời vua Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, khi hành quân qua linh miếu đã được thần âm phù đánh thắng giặc. Đất nước bình yên nhà vua thưởng cho nhân dân ba trang 100 quan tiền, miễn lao dịch 3 năm để hương khói phụng thờ thần.

Tấm bia khắc tên nước Việt Nam năm Chính Hòa 11 (1690) hiện dựng ở hồi bên trái đình làng Từ Phong.

Tấm bia khắc tên nước Việt Nam năm Chính Hòa 11 (1690) hiện dựng ở hồi bên trái đình làng Từ Phong.

Giá trị của đình làng Từ Phong còn được thể hiện ở hệ thống cổ vật hiện đang được lưu giữ tại đình làng bao gồm: ngai thờ và bài vị tạo tác thế kỷ XVIII, bài vị ghi mỹ tự, tên thụy hiệu của thần là “Đương cảnh Thành hoàng Tả tướng đại vương thụy viết Phúc Sinh cư sĩ”, đôi câu đối khắc năm 1922 nội dung ca ngợi công lao của thần, 05 tấm bia đá ghi chép về việc lập hậu thần tại đình làng sau những lần trùng tu vào các năm 1690, 1738, 1844, 1853, 1877… Trong đó đáng chú y nhất là tấm bia “Hậu thần bi ký” có nhắc tới tên nước Việt Nam khắc năm Chính Hòa 11 (1690) dưới đời vua Lê Hy Tông. Tấm bia hiện dựng ở hồi phía bên trái đình, bia cao 110cm, rộng 69cm, dầy 22cm, trang trí chạm khắc cả 2 mặt đề tài “rồng chầu mặt trời”, “phượng chầu mặt nguyệt”, diềm bia trang trí hoa lá cách điệu, rồng, chim, cá đặc trưng nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII. Toàn bộ lòng bia khắc chữ Hán cả hai mặt, thể chữ chân phương còn khá rõ nét, nội dung cơ bản văn bia cho biết:… nay ở bản xứ có quan tiền Thị nội giám Trạc vũ bá Nguyễn Đức Đương tự Đức Dung thụy viết Quang Hiển phủ quân vốn là người thôn Lãng, xã Phúc Long, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang đã phát thiện tâm công đức đúc lại chuông đồng, sửa chữa tòa nhà 3 gian phía sau đình, đồng thời mua thêm 11 mẫu ruộng, ao cộng lại được 6 sào dùng cho việc cúng hậu về sau, giao cho bản xã lưu giữ dùng vào các dịp tế tự hàng năm. Bèn khắc vào bia đá lưu truyền vĩnh cửu về sau… Tên nước Việt Nam được nhắc đến trong câu đầu tiên của bài minh:

Việt Nam cảnh giới

Bắc nhất vi tiên

Từ Sơn mỹ hỹ…

Tạm dịch:

Bờ cõi nước Việt Nam

Trước tiên là đất Bắc

Tên đẹp đó Từ Sơn…

Tấm bia “Hậu thần bi ký” chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Văn bia góp phần cho thấy quy mô kiến trúc đồ sộ của đình làng Từ Phong dưới đời vua Lê Hy Tông (cuối thế kỷ XVII). Tên nước Việt Nam được người soạn nội dung sử dụng trong văn bia này là một tư liệu quý hiếm đóng góp thêm cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành tên nước Việt Nam của chúng ta.

Với những giá trị cơ bản đó đình làng Từ Phong được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa, Quyết định số 354/QĐ-UBND ngày 20-3-2007.

Ngày đăng: 25-10-2017
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website