Quả chuông thời Tây Sơn ở chùa làng Đồng Ngư
Chùa làng Đồng Ngư xưa thuộc tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê với quy mô to lớn gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc cùng hệ thống tượng Phật đồ sộ. Trong đó đáng chú ý nhất là quả đại hồng chung (chuông đồng) được đúc dưới đời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn hiện còn bảo tồn tại di tích cho đến tận ngày nay.
Chùa làng Đồng Ngư xưa bị tàn phá nặng nề do thời gian, thiên tai, chiến tranh loạn lạc, khi hòa bình lập lại nhân dân địa phương xây dựng một ngôi chùa nhỏ làm nơi thờ Phật. Đến năm 2009 dân làng Đồng Ngư tiến hành trùng tu tôn tạo lại chùa theo kiểu thức kiến trúc truyền thống gồm 3 tòa: Tam bảo, nhà Tổ 3 gian, nhà Mẫu 3 gian. Mặt bằng kiến trúc tòa Tam bảo theo kiểu chữ Đinh gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện, khung nhà làm bằng gỗ tứ thiết, liên kết vì theo kiểu con chồng giá chiêng. Trang trí trên các cấu kiện gỗ là đề tài ‘‘tứ linh’’, ‘‘tứ quý’’, hoa lá cách điệu được chạm nổi, chạm kênh bong rất nghệ thuật.
Chuông chùa Đồng Ngư đúc năm 1798.
Hiện vật trong chùa khá phong phú gồm: hệ thống tượng Phật đa số mới tạo tác cùng nhiều đồ thờ bằng gốm, sứ, gỗ có niên đại thời Nguyễn, bia đá “Hậu phật bi ký” khắc vào năm 1861. Quả chuông đồng lớn đúc dưới thời Tây Sơn màu nâu đỏ, kích thước khá lớn: cao toàn bộ 112cm (riêng quai cao 31cm), đường kính miệng 63cm, chu vi thân 153cm. Quai chuông là một đôi rồng đấu lưng vào nhau 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía trên đỡ quả hồ lô. Rồng có đầy đủ đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, đao lửa, miệng há rộng ngậm ngọc, thân và chân có vẩy. Vai chuông hơi thon, thân phình, miệng loe rộng, gờ miệng giật cấp. Toàn thân chia làm 8 ô (4 trên, 4 dưới), ngăn cách giữa các ô là những đường chỉ nổi (gân chuông) gồm 5 đường ngang và 5 đường dọc, đường ở giữa to hơn hai đường bên cạnh. Xung quanh thân chuông (vị trí đường gân ngang) có 4 núm đánh đối xứng nhau hình tròn nổi cao, đường kính 12cm, mỗi núm đính 22 hạt tròn.
Trên vai chuông khắc chìm 8 chữ Hán lớn trong khung hình chiếc khánh (2 chữ 1 ô) nội dung: ‘‘ký Linh Phách tự tạo trú hồng chung’’ có nghĩa là: bài ký nói về việc đúc chuông lớn chùa Linh Phách. Ngoài ra toàn bộ thân chuông khắc kín bài minh chữ Hán, tất cả khoảng hơn 3.000 chữ, kiểu chữ chân phương còn rất rõ nét. Nội dung bài minh ngoài việc ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa còn cho biết lý do đúc chuông và ghi khắc toàn bộ tên họ những người công đức tiền của dùng vào việc đúc chuông. Phần cuối cho biết chính xác người soạn bài minh khắc trên chuông là Hữu tiếp cận công hà biện Mẫn Điều Thuật, người viết chữ là Nguyễn Quang Vị ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm. Chuông được đúc vào ngày tốt, tháng 4 niên hiệu Cảnh Thịnh 6 (1798).
Chuông đồng chùa làng Đồng Ngư là cổ vật quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình chuông đồng đúc vào thời Tây Sơn tại tỉnh Bắc Ninh. Hiện số lượng chuông đúc thời Tây Sơn còn tồn tại ở Bắc Ninh là 18 quả.
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác
Di tích Quốc gia chùa Tam Sơn 07-03-2024
Đình Đạo Tú - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia 16-02-2024
TƯ LIỆU, HIỆN VẬT LIÊN QUAN TỚI TỤC THỜ TRIỆU ĐÀ LÀM THÀNH HOÀNG LÀNG Ở BẮC NINH 25-08-2022
Độc đáo chốn tổ Bảo Quang tự 02-06-2022
TẤM BIA ĐÁ “CỔ TÍCH THẦN BI” – DI VĂN CỦA TIẾN SĨ NGÔ NHÂN TRIỆT Ở ĐỀN LÀNG VỌNG NGUYỆT 06-04-2021
PHÁT HIỆN TẤM BIA “SÁNG LẬP HẬU THẦN” – DI VĂN CỦA BẢNG NHÃN ĐÀO CÔNG CHÍNH 06-04-2021
ĐỘC ĐÁO HAI CÂY CẦU ĐÁ CỔ Ở THUẬN THÀNH 01-03-2021
DẤU TÍCH KIẾN TRÚC CHÙA KHAI QUANG LÀNG VỌNG NGUYỆT 27-01-2021
ĐÌNH NGHĨA VI 27-01-2021
Từ chỉ huyện Yên Phong và tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” 10-10-2020