Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt và bia ghi tên nước Việt Nam ở chùa Kim Liên

Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt tự là Mai Hiên, hiệu Đức Thành, người xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong (nay là thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang). Ông đỗ Hội nguyên,vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định 8 (1607) đời vua Lê Kính Tông. Ngô Nhân Triệt là vị Tiến sĩ thứ 4 của dòng họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt nổi tiếng có tới 5 đời liên tiếp thi đỗ đại khoa, đồng thời ông là người duy nhất để lại di văn hiện còn tồn tại tới ngày nay.

Ngoài bia “Cổ tích thần bi” soạn năm Dương Hòa 8 (1642) dựng tại đền làng Vọng Nguyệt ông còn là người soạn văn bia “Trùng tu Đại Bi tự” khắc năm Dương Hòa 5 (1639) hiện được dựng bên dưới Tam quan chùa Kim Liên ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Tấm bia cao 103cm, rộng 70cm, dầy 20cm. Trán bia trang trí mặt trời, rồng, phượng, diềm bia trang trí hoa lá, sư tử, cánh sen đứng. Toàn văn khắc chữ Hán cả hai mặt thể chân phương, tất cả gồm 56 dòng, khoảng 1500 chữ. Nội dung chính của văn bia ngoài việc ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa còn cho biết người đứng ra hưng công sửa chữa chùa Đại Bi (nay là chùa Kim Liên) lần này là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Liễu cùng con trai là Nguyễn Thế Trình, Tham đốc tước Đô thọ hầu Nguyễn Thế Hựu người bản phường. Văn bia cũng cho biết chính xác tên tuổi, quan tước của người soạn như sau: “Tứ Đinh Mùi khoa Tiến sĩ, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái thường Tự khanh, Lễ phái bá Bắc, Từ, Phong, Nguyệt Ngô Độn phu soạn” có nghĩa là vị Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1607), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái thường Tự khanh, Lễ phái bá Ngô Độn người làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc soạn.

Đặc biệt đoạn đầu văn bia nhắc đến tên nước Việt Nam trong câu “chân Việt Nam đệ nhất dã” nghĩa là: thật là một danh thắng bậc nhất Việt Nam. Tên nước Việt Nam được sử sách nhắc đến khi nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) định đặt tên nước là Nam Việt song triều đình nhà Thanh không chấp nhận và phải đổi ngược lại là Việt Nam. Tuy nhiên danh từ Việt Nam lại xuất hiện từ rất sớm và được sử dụng khá phổ biến vào thế kỷ XVII. Danh từ Việt Nam được Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt viết trong văn bia này vào năm 1639 góp thêm một tư liệu quý về lịch sử hình thành tên nước Việt Nam của chúng ta. Đây cũng là lần đầu tiên phát hiện một vị Tiến sĩ người trấn Kinh Bắc soạn văn bia sử dụng danh từ Việt Nam đặt tại trung tâm kinh thành Thăng Long dưới thời Lê Trung Hưng.

Tóm lại bia “Trùng tu Đại Bi tự” chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Văn bia góp phần cho thấy quy mô kiến trúc đồ sộ của chùa Đại Bi (Kim Liên) dưới đời vua Lê Thần Tông. Đối với Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt bài văn bia này là di văn quý hiếm còn sót lại của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt có tới 5 đời liên tiếp đăng khoa nổi tiếng đất Kinh Bắc dưới triều Hậu Lê. Danh từ Việt Nam được Tiến sĩ  Ngô Nhân Triệt sử dụng trong văn bia này là một tư liệu quý đóng góp thêm cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành tên nước Việt Nam. Ngoài ra văn bia còn cung cấp thông tin chính xác về khoa danh, chức tước, địa vị của Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt trên đất Thăng Long những năm đầu thế kỷ XVII.

Ngày đăng: 25-10-2017
Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website