NGHỀ ĐÚC ĐỒNG Ở LÀNG ĐẠI BÁI

Thời đại đồ đồng được tính đến trong lịch sử từ khi con người phát minh ra cách chế biến nó thông qua sự tác dụng tích cực của lửa. Từ trong bếp lửa để hun nướng, đun nấu con người thời tiền sử đã tìm ra một thứ kim loại dễ bị chảy ra khi bị lửa nung nóng và co cứng lại khi để nguội, đó chính là các mẩu quặng đồng. Ở nước ta đồ đồng hình thành và phát triển cách nay mấy nghìn năm, kể từ di chỉ Phùng Nguyên, sang đến Đồng Đậu, Gò Mun rồi cho tới Đông Sơn… Đó là những thời kỳ ghi dấu cho chúng ta biết tổ tiên chúng ta thoát khỏi thời kỳ đồ đá, biết làm ra những công cụ sản xuất, vũ khí, đồ tế khí…bằng đồng. Những thời kỳ này thực là những bước tiến rất dài và rất cao trong lịch sử dân tộc.

Vẫn biết làng Đại Bái (tên nôm là “Bưởi Nồi” thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) không phải là một địa phương có nghề gò, đúc đồng sớm nhất trên đất nước ta, nhưng Đại Bái là một làng quê có nghề làm đồ đồng từ rất lâu đời. Thoạt kỳ thủy làng chuyên làm các đồ đồng gia dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của các gia đình như nồi, sanh, chậu, ấm, chén…

 Muốn ăn cơm trắng cá trôi

Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh

Đầu thế kỷ XI một người làng là ông Nguyễn Công Truyền đã có công tổ chức lại sản xuất, nên nghề gò – đúc đồng của làng phát triển lên một bình diện mới. Đến thế kỷ XV, XVI năm ông tiến sỹ người làng Đại Bái gồm: Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tâm sau khi hưu quan các ông đã về làng thúc đẩy việc sản xuất đồng thành các phường có sự chuyên môn hóa như phường này chuyên gò nồi, phường kia chuyên làm mâm, phường khác lại chuyên làm ấm, làm chậu…Có phường chuyên bán và buôn…

Về kỹ thuật đúc đồng, trước tiên người ta phải làm ra được một cái khuôn đúc tốt. Khuôn đúc đồng được làm bằng đất phù sa trộn với đất sét và pha với tro trấu và bông vụn, nghiền đảo thật kỹ. Đất đem phơi khô rồi xay nhỏ, sàng, dây thật mịn trộn với gạch chịu lửa đã nghiền nhỏ, rồi hòa trộn đều với nhau. Đất lót trong khuôn phải dùng đất trộn với giấy bản, bông vụn, đảo kỹ để khuôn khỏi co giãn. Khi nấu đồng, phải gạn bỏ tạp chất đến khi nào đồng trong trẻo, sánh nhuyễn mới được đổ vào khuôn. Khi đổ vào khuôn đồng phải chảy đều. Đến khi đúc phải nung khuôn cho nóng đều. Nếu khuôn không nóng đều tức là khuôn sống thì đúc không đạt. Nếu khuôn nung quá già lửa khi đúc bề mặt đồng sẽ không được trơn mịn… Khuôn non nguội, đồng không chảy hết, không chảy đều đồng sẽ bị đọng lại hoặc bị xô…

Nghề đúc đồng hơn nhau ở chỗ biết nhìn xem nước đồng nấu đến một mức độ nào đấy thì đồng sẽ chảy đều. Chỉ nhìn bằng mắt thường chứ không có dụng cụ gì để thử hoặc đo đếm. Trăm hay không bằng tay quen có nghĩa là như vậy. Việc làm khuôn, làm cốt, cải cốt, tạo mẫu vốn đã rất khó, khi thành phẩm đúc xong lại còn phải đảm bảo tính năng sử dụng, và đảm bảo về giá trị thẩm mỹ của mỗi mặt hàng. Nghĩa là đồ làm ra phải nuột nà, óng chuốt, không lẫn giọt đồng sống, không bị rỗ mặt, đồng sắc và đồng khí mới được xem như đạt chất lượng, đồng thời mới gây được tín nhiệm. Theo một số người cao tuổi ở làng Đại Bái có tay nghề đúc đồng giỏi cho biết, có hai thứ trong nghề đúc đồng khó nhất, đó là đúc tượng và đúc chuông. Đúc tượng yêu cầu người làm khuôn phải có bề dày kinh nghiệm, có tài năng thật sự thì mới có tượng đẹp, vì tượng đòi hỏi phải lột tả được cái hồn, cốt, thần thái của từng nhân vật, bởi mỗi nhân vật có diện mạo, hình tướng khác nhau. Còn như đúc chuông thì không phải người thợ đúc nào cũng đúc được, hoặc chuông nào cũng gọi là chuông được! Muốn đúc được một quả chuông kêu người thợ phải có tay nghề cao, chuyên môn giỏi mới dám đúc. Phải biết tính toán sao cho độ dày, mỏng thật chính xác kết hợp với hoa văn trang trí của toàn thể chiếc chuông, bởi đó là những cung bậc, nên cần biết xử lý chỗ nào cần dầy, chỗ nào cần mỏng,  tính toán chặt chẽ từng phần của chiếc chuông. Miệng chuông loe bao nhiêu thì tương ứng với độ dầy bao nhiêu, khoảng cách từ miệng chuông đến vú chuông (tức vị trí để đánh chuông phải dầy ra sao? Và khoảng cách từ chân trên vú chuông  đến vai chuông phải giảm dần độ dầy của thành chuông như thế nào? Từ vai chuông đến chân bồ lao (còn gọi là hầu chuông lại phải dầy lên ra làm sao? Người thợ phải biết tính toán thật kỹ lưỡng sao cho đúng tỷ lệ mới được.  Mỗi quả chuông phần dầy mỏng có ba phần không được giống nhau, đó là ở tầng dưới cùng phải có độ dầy, phần giữa từ phần vú chuông đến phần vai chuông phải mỏng hơn. Phần từ vai chuông đến đến hầu chuông (tức là chỗ để treo chuông) lại phải dầy hơn cả. Nếu độ dầy mỏng không có sự thay đổi hợp lý, khi đánh lên tiếng chuông sẽ không vang ngân. Người nghệ nhân đúc đồng giỏi chỉ cần nghe tiếng chuông kêu là biết được tài năng của nhau như thế nào. Chuông tốt thì tiếng chuông kêu ngân nga, trong trẻo… Nếu chuông không đạt yêu cầu thì tiếng kêu gắt, nhỏ, cụt…Thành chuông mỏng quá thì tiếng kêu “oàng”. Đồng lẫn “giọt sống” thì tiếng kêu tạp, rè, không trong.

Trong lễ hội của người Việt nếu tiếng chuông (hoặc chiêng) thuộc phần lễ, thì tiếng trống thuộc phần hội. Đôi khi cả chiêng và trống cùng được đánh lên trong phần lễ, đó là những tiếng: tùng bi ly…tùng bi ly…(tùng là tiếng trống, bi ly là tiếng chuông (hoặc chiêng). Lễ là để tưởng nhớ, không thể thiếu vắng tiếng chuông (chiêng). Khi tiếng chuông (hoặc chiêng) ngân lên như đánh thức cho quá khứ như sống lại. Trong khi đó tiếng trống lại có tác dụng làm cho con người đương đại hồi hướng về những miền ký ức xa xưa, về cội nguồn của mình…Ngoài ra tiếng trống có tác dụng kêu gọi, giục giã, tập hợp, kích động, hối thúc… Cùng là tiếng chuông, nhưng đối với những người theo đạo Ki tô giáo thì tiếng chuông nhà thờ có những chức năng kêu gọi, tập hợp, làm cho ngày lễ thiêng liêng hơn và đưa tiễn các linh hồn người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng:

Tiếng chuông kêu gọi giáo sỹ

Tiếng chuông thúc giục giáo dân

Tiếng chuông tô điểm ngày lễ

Tiếng chuông khóc người qua đời

Và như vậy âm thanh của chuông mang tính linh thiêng chứ không như những tiếng kẻng kêu gọi nhắc nhở gấp gáp, vội vã và cụt lủn. Chính vì thế nên chuông đúc phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe của kỹ thuật.

Ngoài những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật cao như nêu trên, người làng Đại Bái nhiều gia đình còn sản xuất các mặt hàng thờ tự như đài thờ, mâm bồng, chân đèn, chân nến, hạc thờ, lư hương, đèn, đỉnh đồng, hoành phi, câu đối, hình tượng các vật linh: long, ly, qui, phượng, sư tử, mặt hổ phù, thạp đồng, trống đồng…Đặc biệt hơn cả là tượng các vị Phật, tượng các vị Thánh mẫu và tượng chân dung các danh nhân của quê hương, đất nước… Không chỉ dừng lại là những sản phẩm đồng đúc ra sao cho chau chuốt trơn nhẵn, người ta còn khảm, cẩn các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo trang trí lên bề mặt các sản phẩm cho thêm phần sinh động, đẹp mắt. Là một làng nghề giàu có từ lâu đời, từ xưa người làng Đại Bái ngoài việc đồng áng trồng trọt, chăn nuôi mọi gia đình còn chuyên chỉ việc làm đồ đồng. Việc canh nông nhiều gia đình phải thuê mướn người các làng khác đến làm, để chỉ chuyên vào việc sản xuất đồ đồng. Làng Đại Bái hiện nay nghề đúc, gò đồng ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngoài việc sản xuất đồ đồng gia dụng truyền thống, đồ thờ tự, đồ mỹ nghệ…người làng Đại Bái còn có nhiều gia đình sản xuất một số mặt hàng kim khí, các chi tiết phụ kiện máy móc bằng đồng, chân nan hoa xe đạp, các chi tiết trong cầu dao điện,… tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng nghìn người, nhìn chung người lao động tại làng nghề truyền thống Đại Bái có thu nhập khá ổn định, trong đó có không ít người có mức thu nhập khá cao.

 Bản sắc văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và về vật chất của một dân tộc. Về phương diện vật chất đó là các giá trị tồn tại một cách hữu linh còn gọi là văn hóa vật thể. Về phương diện tinh thần đó là các sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, còn gọi là văn hóa phi vật thể.

Văn hóa vật thể thuộc về hình thức, hiện vật có thể cầm, nắm, sờ mó được, qua thời gian năm tháng có thể có sự biến đổi, tuy sự biến đổi ấy không đáng lo ngại, nhưng nếu bị biến dạng nhiều theo chiều hướng thấp kém đi thì vẫn luôn là sự đáng tiếc. Còn các giá trị văn hóa phi vật thể thuộc về phần nội dung, nó là những giá trị tinh thần, nếu mà bị biến dạng méo mó xộc xệch càng nhiều thì đời sống mỗi ngày càng khó khăn, tao loạn và nhiễu nhương. Bản sắc dân tộc là khuôn vàng, thước ngọc, là những giá trị vượt thời gian. Bản sắc dân tộc là linh hồn của dân tộc đó, nó không chỉ thể hiện ở hình thức như mũ, áo, nhà cửa, ngai, kiệu, cờ xe, tàn lọng, đỉnh đồng, hạc đồng, bát hương…Nó còn thể hiện ở luân lý, đạo đức của mỗi con người và của cả cộng đồng. Nếu để mất đi bản sắc dân tộc thì việc khôi phục lại là điều vô cùng khó khăn. Anh chị em hội viên Hội cổ vật Kinh Bắc từ nhiều năm qua đã và đang say sưa sưu tầm nghiên cứu, lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị của dân tộc, điều đó chứng tỏ anh chị em đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy rằng cổ vật thuộc phần văn hóa hữu thể, song nhìn ngắm, soi rọi vào đó chúng ta phần nào cũng vẫn thấy được và bảo lưu được hồn cốt của tổ tiên, cha ông mình.

 Đại Bái từ xa xưa đã là một trong những làng có khá nhiều tay thợ đúc đồng, gò đồng tài hoa. Từ thời Lê (thế kỷ XV) làng Đại Bái đã có nhiều người được chiêu mộ ra kinh đô để đúc tiền và đúc đồ thờ tự cho triều đình, góp phần đáng kể để tạo nên một kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến. Sang đến thời Nguyễn cũng có nhiều nghệ nhân giỏi được triều đình trưng tập vào kinh đô Huế để đúc các đồ tế lễ, chuông, khánh, vạc, đỉnh… và các loại vũ khí cho quân đội. Từ đó hình thành làng đúc đồng Xuân Dương ở Huế. Trong đại nội Huế, hiện nay vẫn còn 10 chiếc vạc đồng lớn đúc vào thế kỷ XVII, 9 chiêc đỉnh đồng lớn, đúc dưới triều vua Minh Mạng, vào những năm 1835 – 1837. Những sản phẩm này thể hiện bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đúc đồng ở Huế. Trong số những nghệ nhân đúc đồng ở Huế biết đâu đấy lại chẳng có người gốc gác tổ tiên ở Đại Bái – Gia Bình – Bắc Ninh?

Trong hệ thống hiện vật tại Bảo tàng Bắc Ninh hiện nay, cũng như trong nhiều bộ sưu tập cổ vật cá nhân của anh em hội viên Hội cổ vật Kinh Bắc và nhiều người chơi đồ cổ trong nước và nước ngoài hiện đang lưu giữ nhiều đồ thờ tự chất liệu đồng như đỉnh, hạc, chân đèn, mâm, nồi, chậu, lư hương, trống, chuông, khánh….có giá trị nghệ thuật cao xuất xứ từ làng Đại Bái được sản xuất từ những thế kỷ trước.

Sau đây là một số hình ảnh làng nghề:

Ngày đăng: 13-02-2018
Thạc sỹ Đỗ Hữu Bảng- Phó giám đốc BTBN

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website