Bảo tàng Bắc Ninh đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật

Thời gian qua, Bảo tàng Bắc Ninh luôn quan tâm đầu tư công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật, chú trọng xây dựng, hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật có giá trị, mang tính lịch sử-văn hóa đặc trưng của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Để phát huy các di sản lịch sử văn hóa, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, hàng năm, Phòng Nghiên cứu-Sưu tầm của Bảo tàng tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt sưu tầm, gặp gỡ các chứng nhân lịch sử, nhà sưu tập cổ vật tại địa phương, lão thành cách mạng trong các giai đoạn lịch sử có thể cung cấp và lưu giữ những tài liệu, hiện vật có giá trị bảo tàng…. Phòng thường xuyên tra cứu, khai thác tư liệu tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, phương tiện thông tin đại chúng, chủ động tìm kiếm các nguồn lưu trữ hiện vật liên quan được lưu giữ trong nhân dân.

Việc sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật cho những bộ sưu tập cũng là một nhiệm vụ quan trọng góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập đã có, giúp Bảo tàng tỉnh có sự lựa chọn tối ưu trong công tác trưng bày đáp ứng được những tiêu chí đổi mới và nâng cao giá trị lịch sử, thẩm mỹ phục vụ cho khách tham quan. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh cơ bản hoàn thiện nhiều bộ sưu tập có giá trị, như: Truyền thống hiếu học- khoa bảng tỉnh Bắc Ninh, các cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, các hiện vật về lịch sử cách mạng kháng chiến, bộ sưu tập về đá chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa…

Bảo tàng Bắc Ninh thường xuyên có sự phối hợp với Hội Sưu tầm nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc sưu tầm các cổ vật có giá trị, tổ chức vận động Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong hiến tặng nhiều tài liệu, hiện vật, kỷ vật chiến tranh. Bảo tàng cũng tổ chức các đoàn khảo sát, tiến hành sưu tầm các hiện vật dân tộc học từ các gia đình nông dân như: nồi đồng, mâm đồng, ấm đồng, cối đá, cối xay, cối giã, cày bừa, cuốc, xẻng… các hiện vật từ các làng nghề truyền thống như: nghề thêu, dệt Hồi Quan (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn); nghề chạm khắc gỗ Phù Khê, Hương Mạc (thị xã Từ Sơn), nghề sản xuất tre, trúc Xuân Lai (Gia Bình), làm giấy dó Đống Cao (xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh), làm tranh Đông Hồ (Thuận Thành)…

Cán bộ Bảo tàng tỉnh thuyết minh, giới thiệu các hiện vật có giá trị được sưu tầm cho lãnh đạo tỉnh và khách tham quan.

Ông Vũ Viết Truyền, Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh cho biết: Công tác nghiên cứu- sưu tầm tại Bảo tàng Bắc Ninh đến nay đã đi đúng hướng trong phương pháp và biện pháp tiếp cận, điều đó thể hiện ở số lượng và chất lượng của tài liệu, hiện vật trưng bày, ở nội dung của các bộ sưu tập. Hiện Bảo tàng Bắc Ninh sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật với sự đa dạng về chủng loại, phong phú về chất liệu, tiêu biểu như: Bia Xá Lợi Tháp Minh, Trống đồng, mảnh khuôn đúc trống đồng, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay (phục chế), các cổ vật gốm, sứ các thời kỳ…

Việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu-sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Bắc Ninh góp phần quan trọng phát huy giá trị các di sản lịch sử văn hóa quê hương đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật vẫn còn một số khó khăn như kinh phí dành cho sưu tầm và trao đổi hiện vật còn hạn hẹp; cán bộ làm công tác sưu tầm không có nhiều cơ hội tập huấn nâng cao khả năng nghiệp vụ; nguồn tài liệu, hiện vật, nhân chứng lịch sử liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng qua thời gian khai thác cũng gần như cạn kiệt…

Để làm tốt hơn công tác nghiên cứu, sưu tầm thời gian tới Bảo tàng tỉnh tiếp tục chú trọng sưu tầm tài liệu, hiện vật gốc liên quan đến những sự kiện lịch sử, văn hóa của tỉnh, bản sắc văn hóa Bắc Ninh; phiên âm dịch nghĩa các tài liệu Hán-Nôm; thực hiện công tác giao lưu, hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày, thuyết minh với các bảo tàng trong nước, các cơ quan, nghiên cứu Trung ương và địa phương…

Ngày đăng: 15-03-2017
Mạnh Hà-Minh Hường

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website