Sưu tập đồ đá thuộc di chỉ Bãi Tự ở Bảo tàng Bắc Ninh

Bãi Tự là tên một đồi đất cổ thuộc làng Tiêu Thượng, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây năm 1974, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội đã tiến hành khai quật khảo cổ học dưới sự chỉ đạo của thày Trần Quốc Vượng. Diện tích hố khai quật khoảng 100m2, đã phát hiện nhiều di vật quý giá cho biết cách đây khoảng 4.000 năm đến 3.500 năm (thuộc thời kỳ Văn hóa Phùng Nguyên), Bãi Tự từng là một công xưởng chế tác đá và đồ trang sức rất lớn.

Hiện nay, tại Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu giữ được nhiều hiện vật của di chỉ Bãi Tự, được chia ra làm 2 nhóm chính, đều thuộc thời kỳ Văn hóa Phùng Nguyên.

– Nhóm thứ nhất là công cụ sản xuất gồm: rìu, đục, lưỡi cưa, bàn mài (bàn mài bằng, bàn mài rãnh, bàn mài trong), mũi khoan trong đó mũi khoan chiếm số lượng lớn và là hiện vật chủ yếu (50 hiện vật).

– Nhóm thứ hai là đồ trang sức gồm: vòng tay, lõi vòng, mảnh vòng, nhẫn.

Ngoài những hiện vật bằng đá là chủ yếu thì di chỉ Bãi Tự còn phát hiện được một số hiện vật chất liệu đất nung như: mảnh đất nung, dọi se chỉ, tiền đồng nhưng số lượng không nhiều.

Qua các hiện vật thu được từ cuộc khai quật khảo cổ học  năm 1974, các nhà khoa học đã khẳng định, địa điểm Bãi Tự là một công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá ngọc thời Hùng Vương. Bãi Tự cũng là một công xưởng chế tác đá được tìm thấy đầu tiên ở đồng bằng Bắc Bộ, lại là công xưởng chế tác ra một loại di vật độc đáo: mũi khoan đá. Cư dân thời Hùng Vương sử dụng mũi khoan này để khoan tách lõi cho các loại vòng, khuyên bằng đá… Điều này cho thấy những người thợ đá ở công xưởng này đã biết sử dụng thành thạo các kỹ thuật trong nghề đá.

Bộ sưu tập đồ đá thuộc di chỉ Bãi Tự là một trong những minh chứng xác thực nhất về dấu vết cư trú của người Việt cổ tại vùng đất Bắc Ninh.

Ngày đăng: 08-08-2017
Phòng Kiểm kê - Bảo quản

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website