Hình ảnh sưu tập về hiện vật giấy:

Tờ Quyết định

Tờ Quyết định

Số kiểm kê:1231 -Kích thước: Dài: 21cm; Rộng: 15cm -Niên đại: Thời kỳ chống Mỹ -Nội dung: Quyết định số 234/ĐQ/ĐV ngày 24/12/1971 của UBHC Thị xã Bắc Ninh động viên đồng chí Nguyễn Trung ở khu phố Thị Cầu, thị xã Bắc Ninh tham gia nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Trung đã lên đường chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và anh đã hy sinh vào năm 1973. Hiện vật mang giá trị lịch sử sâu sắc.

Thư

Thư

Số kiểm kê: 1304 -Kích thước: Dài 18,5cm, 21cm; Rộng: 13cm, 13,5cm -Niên đại: Thời kỳ chống Mỹ -Nội dung: Thư của bác sỹ quân y – AHLLVTND Tạ Lưu viết về cho mẹ và người yêu trong thời gian chiến đấu ở chiến trường và học tập tại Liên Xô (cũ) từ năm 1955- 1973.

Sổ mua lương thực

Sổ mua lương thực

Mã số: BTBN 1120 Chất liệu: Giấy Niên đại: Năm 1988 Nội dung: Hiện vật này của ông Nguyễn Khắc Hoằng- một quân nhân về hưu ở Thụy Hòa, Yên Phong. Gia đình ông đã sử dụng cuốn sổ này để mua lương thực theo quy định phân phối của nhà nước trong hai năm 1988-1989. Sau khi hết chế độ bao cấp ông vẫn gìn giữ và đến năm 2006 ông tặng lại cho Bảo tàng. Hiện vật này phản ánh rõ nét về thời kỳ bao cấp của nhà nước ta. Nó đánh dấu sự phát triển vượt bậc của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thẻ xã viên

Thẻ xã viên

Số kiểm kê: 1140 Kích thước: dài 8,5cm, rộng 6cm Nội dung:  Ở miền Bắc nước ta, sau cải cách ruộng đất, nông dân nghe theo lời kêu gọi của Đảng, đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa của nông dân lao động, xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, được Đảng lãnh đạo và Nhà nước giúp đỡ. Hợp tác xã  nông nghiệp có nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhằm không ngừng nâng cao mức sống của xã viên. Xã viên tham gia phải góp phần góp ruộng đất, đóng góp cổ phần, để lại trâu, bò và các nông cụ chủ yếu như cày, bừa, guồng nước… cho hợp tác xã. Thời gian đó gia đình ông Nguyễn Văn Hoan ở Tạ Xá-Tương Giang-Từ Sơn cũng tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp và được cấp cho thẻ để hưởng phúc lợi từ hợp tác xã. Thẻ là nguồn tài liệu hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa cao trong thời kỳ bao cấp mà ít người lưu giữ được.

Công trái

Công trái

Số kiểm kê: 1139 Kích thước: dài 13cm, rộng 8,2cm, Nội dung: Công trái xây dựng Tổ Quốc là nguồn thu của ngân sách Nhà nước dành để đầu tư cho xây dựng những công trình then chốt, tạo nên cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Công trái có loại 100 đồng và 500 đồng do Ngân hàng thị xã Bắc Ninh và quỹ tín dụng Bắc Ninh phát hành năm 1983-1987, nhằm phát động cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước góp phần xây dựng Tổ quốc. Để hưởng ứng phong trào yêu nước đó, gia đình ông Nam cũng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng Tổ quốc. Khi đến hạn thanh toán gia đình không đi đổi mà lại giữ đến ngày nay và giao lại cho Bảo tàng Bắc Ninh lưu giữ.Hiện vật có giá trị về mặt kinh tế trong thời kỳ bao cấp, đồng thời nó cũng góp phần vào công cuộc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.  

Phiếu thu trạm phí

Phiếu thu trạm phí

Mã số: BTBN 1209 Chất liệu: Giấy Niên đại: Năm 1962-1963 Nội dung: Đây là phiếu thu trạm phí của Trạm xá dân lập – khu phố Thị Cầu năm 1962-1963 do ông Nguyễn Vinh ở xóm Già A, khu 3, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh cung cấp.  Phiếu này phát cho từng hộ và mỗi hộ đều phải có trách nhiệm đóng trạm phí hàng tháng để xây dựng quỹ y tế (mỗi tháng đóng 3 hào) – Những người đã đóng quỹ khi đi tiêm hoặc đi đẻ phải mang theo giấy này và không phải trả tiền thù lao nữa. Khi phiếu này hết thời gian sử dụng ông Vinh đã cất giữ cẩn thận làm kỷ niệm đến năm 2007 ông tặng lại Bảo tàng để lưu trữ, trưng bày giới thiệu cho thế hệ sau.

Thẻ tiết kiệm

Thẻ tiết kiệm

Mã số: BTBN 1208 Chất liệu: Giấy Niên đại: năm 1959          Nội dung: Thẻ tiết kiệm do gia đình ông Nguyễn Vinh ở xóm Già A, khu 3, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh cung cấp. Căn cứ vào sắc lệnh số 15-SL ngày 06-5-1951 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Xét tình hình phát triển kinh tế và yêu cầu các tầng lớp nhân dân lao động đựơc thiết thực góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nhằm khuyến khích rộng rãi các tầng lớp nhân dân lao động phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng đất nước, gửi một phần tiền thu nhập hàng năm hoặc hàng tháng của mình vào quỹ tiết kiệm để góp phần tích luỹ vốn cho Nhà nước phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được nâng cao dần mức sống vật chất và văn hóa của toàn thể nhân dân. Mặt khác giúp cho người lao động có nơi để dành tiền hoặc gửi những khoản vốn tạm thời chưa cần dùng đến được thuận tiện, chắc chắn. Như vậy là vừa lợi cho nhà, vừa lợi nước. Việc gửi tiết kiệm hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác của người gửi, gửi vào rút ra dễ dàng. Năm 1959 gia đình ông Vinh đã dành dụm tiền gửi vào thẻ tiết kiệm với hình thức gửi lẻ rút gọn. Sau ngày đổi tiền năm 1985 do lạm phát tăng cao tiền gửi Ngân hàng không còn giá trị. Ông Vinh đã giữ lại thẻ tiết kiệm này làm kỷ niệm đến năm 2007 ông tặng lại cho Bảo tàng lưu trữ. Hiện vật không có giá trị về kinh tế nhưng nó có giá trị cao về lịch sử. Là minh chứng để thế hệ sau hiểu sâu sắc hơn về tình hình kinh tế thời bao cấp.

Thẻ cử tri

Thẻ cử tri

Mã số: BTBN 1201 Chất liệu: Giấy Niên đại: năm 1961 Nội dung: Ông Thang Văn Lâm thôn Cẩm Giang, xã Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn. Thẻ cử tri năm 1961 ông thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính xã Đồng Nguyên, thay mặt nhân dân thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp quyết định những vấn đề quan trọng của xã, tỉnh, của đất nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Huân chương chiến công

Huân chương chiến công

Mã số: BTBN 1176 Chất liệu: giấy Niên đại: kháng chiến chống Mỹ Nội dung: Ông Nguyễn Văn Điền thôn Cầu Giữa, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong. Năm 1963 ông nhập ngũ ở trung đoàn 228 Bộ đội phòng không đơn vị pháo 57 li làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng ở đơn vị 230, 238. Năm 1965 có 4 máy bay của địch bay vào oanh tạc trận địa, bắn đạn 20mili, uy hiếp trận địa nhằm tiêu diệt hỏa lực, làm 4 người bị thương. Ông Điền bị 7 vết thương, 1 mảnh vào đùi đứt cơ đùi, vào bụng, dạ dày, phổi…. mặc dù bị thương như vậy ruột lòi ra nhưng ông vẫn lấy tay bịt bụng đánh tiếp đến khi giành chiến thắng. Ngày 20/12/1965 chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhì cho ông. Đây là hiện vật có giá trị quan trọng, là phần thưởng cao quý được chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho người có công trong cuộc kháng chiến. Với ý chí kiên cường bất khuất ông đã góp một phần công sức của mình làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đơn xin tái ngũ

Đơn xin tái ngũ

Trong cuộc trưng bày chuyên đề “uống nước nhớ nguồn” 2019 Bảo tàng Bắc Ninh có trưng bày một lá đơn đặc biệt, lá đơn xin tái ngũ được ký tên bằng máu của anh Dương Văn Được , ở thôn Thượng Trì, xã Thượng Mão, huyện Thuận Thành Trong những năm 1960 giặc Mỹ gây nhiều tội ác với nhân dân miền Nam, xâm phạm miền Bắc bằng các đợt ném bom đánh phá. Các thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường tòng quân giết giặc theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc. Anh Dương Văn Được là người tham gia bộ đội nhưng do tuổi còn nhỏ, sức khỏe yếu anh phải trở về địa phương. Sau khi học tập tiếp và sức khỏe hồi phục anh lại làm đơn xin tái ngũ vào chiến trường tham gia tiêu diệt địch, bảo vệ Tổ quốc. Để được chấp nhận Dương Văn Được bằng cả sự nhiệt huyết, tha thiết ra chiến trường đánh giặc đã viết đơn và ký bằng máu của mình.

Sắc phong thời Lê

Sắc phong thời Lê

1. Hai đạo sắc phong có số kiểm kê: 773. Đây là hai đạo sắc phong cho Thành hoàng làng Lễ Xuyên (xưa thuộc tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay là phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn). Đình Lễ Xuyên thờ tam vị Thành hoàng: Tam Giang (Trương Hống), danh tướng có công đánh giặc Lương vào thế kỷ thứ VI và chính phi của ngài là Lương Hậu; Trấn Thổ tức Thổ thần bản cảnh của làng. -Chất liệu: giấy -Niên đại: thời Lê Trung Hưng *Đạo sắc thứ nhất: Có niên đại “Chính Hòa tứ niên nhuận lục nguyệt nhị thập tứ nhật” (tức sắc phong ngày 24 tháng 6 nhuận năm Chính Hòa thứ 4 – 1683). Sắc có chiều dài 129cm, chiều rộng 48cm, nền vàng nhạt, mặt trước trang trí rồng mây đậm màu, chữ viết mềm mại, rõ ràng sắc nét. Hiện trạng của sắc rách mép nhiều, thủng một số chỗ và bạc màu. Thần hiệu và các cặp mỹ tự của đạo sắc: “Tam Giang linh ứng, hùng lược, quả đoạn, thông minh, chính trực, khoan hòa, trí đức đại vương; cập Lương Hậu nhu hòa, chinh thục, trang tĩnh, thuần nhất, chính phi; cập Trấn Thổ ty địa, hùng dũng, cương nghị, cựu đoạn, anh uy, đại vương”. *Đạo sắc thứ hai: Có niên đại “Vĩnh Thịnh lục niên bát nguyệt sơ thập nhất (tức sắc phong vào ngày 10 tháng 8 năm Vĩnh Thịnh 6 – 1710). Sắc có chiều dài 127cm, chiều rộng 46,5cm, nền vàng nhạt, mặt trước trang trí rồng mây màu nâu đen, chữ viết đẹp, to, rõ ràng. Hiện trạng sắc bị rách nhiều xung quanh, một số chữ bị mất, hoa văn bạc màu. Thần hiệu và các cặp mỹ tự của đạo sắc là: “Tam Giang linh ứng, hùng lược, quả đoạn, thông minh, chính trực, khoan hòa, đại vương; cập Lương Hậu nhu hòa, chinh thục, trang tĩnh, chính phi; cập Trấn Thổ ty địa, hùng dũng, cương nghị, cựu đoạn, đại vương”. 2. Đạo sắc phong có số kiểm kê: 1052 -Chất liệu: Giấy -Niên đại: Thời Lê Trung Hưng   -Nội dung: Sắc được phong ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng 44 (1783). Dòng niên đại có dấu triện vuông màu đỏ đóng dưới niên hiệu vua. Sắc có chiều dài 130cm, chiều rộng 50cm. Chữ viết trên loại giấy dày, nền vàng đậm, trang trí rồng mây màu ghi sáng, chữ viết đẹp và sắc nét. Nội dung sắc có 13 dòng, cho biết vị thần được phong là “Thạch Linh phù” là thành hoàng làng Lâm Thao (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài); qua nghiên cứu, tìm hiểu thì được biết “Thạch Linh phù” là một trong ba người con của Lê Văn Hưu và bà Trần Thị Thùy, có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XVIII. Hiện sắc bị rách, thủng ở góc phía trên bên trái, hoa văn bạc màu 3. Đạo sắc phong có số kiểm kê: 2744 – Chất liệu: Giấy – Niên đại: Thời Lê Trung Hưng – Nội dung: Sắc được phong vào ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng 44 (1783). Sắc có chiều dài 136cm, chiều rộng 52cm, nền vàng đậm, mặt trước trang trí rồng mây phủ nhũ trắng, mặt sau trang trí tứ linh. Chữ viết to, đẹp, rõ ràng mang đặc trưng chữ thời Lê Trung Hưng. Nội dung sắc có 12 dòng phong cho đương cảnh Thành hoàng làng Trà Lâm (xã Trí Quả, huyện Thuận Thành), ba cặp mỹ tự phong cho thần là: “Thân hựu, dụ khánh, anh linh” đại vương. Hiện trạng sắc bị rách, quăn mép. Nguyễn Thị Hái- Phòng Kiểm kê  bảo quản.

Phiếu mua gạo

Phiếu mua gạo

Tên hiện vật: Phiếu mua gạo Mã số: BTBN 1920 Chất liệu: Giấy Niên đại: năm 1961 Nội dung: Ông Phạm Văn Thi ở thôn Phúc Tinh, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn nhập ngũ năm 1949 thuộc Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 đóng quân tại Thái Nguyên. Phiếu mua gạo do đơn vị cấp cho ông để mua gạo phục vụ đời sống hàng ngày. Khi nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp ông vẫn giữ lại phiếu này làm kỷ niệm, đến năm 2012 ông hiến tặng Bảo tàng.

Tiền giấy 1 hào

Tiền giấy 1 hào

Tên hiện vật: Tiền giấy 1 hào Mã số: BTBN 1916 Chất liệu: Giấy Niên đại: năm 1958 Nội dung: Tiền giấy một hào của ông Phạm Văn Đãi ở thôn Hiền Lương, xã Phù Lương, huyện Quế Võ. Ngày 6/5/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y về việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngay khi ra đời Ngân hàng Quốc gia đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên “NHQG Việt Nam” thay đồng tiền tài chính. Tờ tiền này được phát hành vào thời gian đó năm 1958. Đến năm 1959 Nhà nước ta tiến hành đổi tiền để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Ông Đãi vẫn giữ đồng tiền đó làm kỷ niệm đến năm 2011 ông hiến tặng lại cho Bảo tàng để lưu trữ. Hiện vật này không có giá trị về kinh tế nhưng có giá trị lớn về lịch sử văn hóa và nghệ thuật sâu sắc. Thông qua đó để thế hệ sau hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử nhất định.

 

 

Ngày đăng: 21-04-2022
Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website